Khan hiếm nguồn giống atisô đặc sản thương hiệu Đà Lạt

Atisô là cây đặc sản của Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Song, những năm gần đây, nguồn giống đã thoái hóa, dẫn đến khả năng kháng bệnh, chất lượng cây kém, và diện tích bị thu hẹp.

Khu vực Thái Phiên, phường 12, T.p Đà Lạt là vùng chuyên canh atisô của Đà Lạt. Tuy nhiên, so với 10 năm trước, diện tích atisô đã giảm mạnh, hơn 70%.

Khan hiếm nguồn giống atiso

Ông Võ Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND Phường 12, cho biết, nguyên nhân Đà Lạt thu hẹp diện tích atisô là do thiếu nguồn giống khỏe mạnh, nên khả năng kháng bệnh của cây rất thấp, năng suất không cao, thu nhập kém hơn so các loại rau, hoa khác.

Một số người dân tự mua hạt giống nước ngoài về ươm. Song, số lượng này rất ít, nên không thể tăng diện tích atisô. Hiện, diện tích atisô của Thái Phiên chỉ còn khoảng 45 ha.

Bà Nguyễn Thị Ba, tổ 45, Phường 12, cho biết, bà trồng atisô đã mấy chục năm nay. Do gia đình tự làm giống bằng cách cắt sát gốc cây cũ, làm cỏ, bón phân, cây sẽ nứt mầm, thành cây cho vụ mới. Hoặc chọn cây khỏe nhất, bứng lên rồi cắt dọc 4 phần thành 4 hom giống, gieo trở lại thành cây vụ mới.

Qua nhiều năm tạo giống truyền thống như trên, đã khiến cây atisô mang mầm bệnh sót lại từ mùa trước nên thoái hóa dần, vụ sau kém hơn vụ trước.

Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết, tình trạng thoái hóa giống atisô đã xác định từ nhiều năm trước, nguyên nhân là giống atisô cũ, do người Pháp đưa vào Đà Lạt đã trên 100 năm. Ngoài ra, người dân chỉ nhân giống nhờ cấy mô, nên đến nay đã thoái hóa, mặt khác, ngành dược liệu không chủ động được nguồn giống gieo bằng hạt.

Vì lý do trên, Công ty Cổ phần Dược Lardopha đã hợp tác với hai địa phương Đa Sar và Đa Nhim (huyện Lạc Dương) để hình thành vùng nguyên liệu, với diện tích 20 ha, tuy nhiên chưa thực hiện được do khan hiếm nguồn giống.

Ông Tạ Đức Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim chia sẻ, trong khi cây cà phê bị bệnh, giá không còn cao nữa, thì hướng phát triển cây dược liệu đang mở ra triển vọng thoát nghèo cho xã. Hiện, rất nhiều người muốn chuyển một phần diện tích sang trồng dược liệu, trong đó có atisô.

Đồng thời, ngành nông nghiệp đã có nhiều nghiên cứu về giống atisô, và phối hợp với Công ty Lardopha nhập một số giống có hàm lượng dược tính cao để nhân rộng, và tạo nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất dược liệu. Lâm Đồng phấn đấu năm 2025 liên kết với doanh nghiệp trồng trên 500 ha.

Ngoài ra, còn có các đơn vị như Công ty TNHH trà Ngọc Duy, Viện Công nghệ hóa học, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt, đang nghiên cứu một số giống atisô phục vụ trồng và chế biến dược liệu.

Để đảm bảo nguồn giống, nâng cao hàm lượng dược chất atisô, năm 2018, Công ty đã nghiên cứu giống atisô trồng từ hạt để thay giống truyền thống trên 3 ha; dự kiến năm 2019 sẽ nhân rộng 10 ha ở Lạc Dương.

Bà Trần Thị Kim Thao, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết, đã hợp tác với Công ty Lardopha để nhận hạt giống về ươm và cung ứng cho nhân dân. Kết quả ươm cho thấy, hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao, bầu có tỷ lệ sống đạt 100%, nên được người dân đánh giá cao.

Hiện, vườn ươm của Trung tâm đã cung ứng khoảng 20.000 cây giống, tương ứng diện tích trồng 2 ha; người dân khi nhận cây giống được hỗ trợ 70% giá trị cây giống.

Theo bà Thao, nhu cầu được cung ứng giống atiso, năng suất tốt, hàm lượng dược tính cao, đang trở nên cấp thiết ở Lạc Dương. Sau khi diện tích giống mới này sinh trưởng và phát triển người dân có thể tự cấy mô để lấy lại nguồn giống chất lượng.

Mặt khác, khi đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện làm nhà lưới, nhà kính thì giải pháp trồng cây dược liệu đem lại thu nhập cao là hướng đi tốt. Huyện khuyến khích các công ty liên kết với đồng bào thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho bà con. Huyện Lạc Dương phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu cây dược liệu của Lâm Đồng.

Gia Lai: Liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị

Huyện Đức Cơ (Gia Lai) vừa phê duyệt dự toán kinh phí và giao Phòng Nông nghiệp thực hiện Dự án liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị thuộc chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 -2020.

Liên kết chuỗi sản xuất cà phê

Theo đó, dự án có tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1,8 tỷ đồng; vốn HTX Xây dựng thương mại dịch vụ Phượng Hoàng 1,3 tỷ đồng; vốn nhân dân đối ứng 2,4 tỷ đồng. Dự án triển khai trên địa bàn 5 xã: Ia Nan, Ia Dom, Ia Krêl, Ia Kla và Ia Kriêng.

Với mục tiêu, hỗ trợ chăm sóc, cải tạo 410 ha cà phê thời kỳ kinh doanh; hỗ trợ xây dựng kho chứa vật tư; lưu giữ, trung chuyển hàng nông sản; hỗ trợ giá thu mua cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP.

Lâm Đồng: Gắn huy chương cho phong lan

Dành hết tâm huyết chăm sóc, làm đẹp khu vườn phong lan trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ðà Lạt, chủ nhân Phạm Quang Bình đã gặt hái thêm nhiều huy chương và giải thưởng khác tại các cuộc thi trong tỉnh Lâm Ðồng, phạm vi toàn quốc và quốc tế.

Lan bạch hạc của ông Bình, giải đặc biệt Hội thi lan toàn quốc 2018

Dù không trưng bảng hiệu, nhưng năm 2018 vừa qua, vườn phong lan của anh Bình đón khá nhiều khách chơi lan tại Lâm Đồng và các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, khách đam mê đặc biệt một số giống được gắn huy chương trong cuộc thi toàn quốc, quốc tế những năm gần đây như: Bạch hạc, Lang Biang, Tóc tiên, Lan hài…

Với quy trình chăm sóc đặc biệt, lan Tóc tiên vẫn bung nở những đóa hoa trắng tinh khôi giữa mùa đông Đà Lạt. Trong khi đặc điểm tự nhiên của lan Tóc tiên thường nở vào mùa hè và mùa thu. Dưới giàn lan Bạch hạc và Tóc tiên là những chậu lan hài có tên Apple, phần lớn vẫn nở rộ những bông hoa hình chiếc giày nhỏ, xinh.

Ông Bình cho biết: “Năm 2018, vườn lan của ông có 3 loài; Lan hài Apple, Tóc tiên và Bạch hạc, cả 3 tiếp tục đoạt giải tại Hội thi Hoa lan toàn quốc tại Vĩnh Long vừa qua. Trong đó, lan Bạch hạc có tán rộng bằng một vòng tay, đã được nhận Giải Đặc biệt; một chậu lan hài với 12 cành hoa đang nở được gắn Huy chương Đồng

Được biết trong cuộc thi hoa và cây cảnh quốc tế tại Festival Hoa Đà Lạt 2017, 2 loài lan của ông Bình được gắn huy chương Vàng và Đồng. Riêng lan Tóc tiên ,trong 2 kỳ Festival Hoa Đà Lạt năm 2015 và 2017 đoạt 2 Huy chương Vàng và Đồng.

Đáng quan tâm là các giống lan gắn huy chương của ông đều được nhân giống thành công hàng loạt bằng phương pháp hữu tính (thụ phấn lấy hạt gieo) và vô tính (chiết tách đơn vị hoặc gửi đỉnh sinh trưởng cấy mô). Kết thúc năm 2018, ông Bình còn nhân giống và chăm sóc ra hoa khá nhiều loại lan, cây cảnh quý hiếm trong khu vườn 200 m2 như: Đỗ quyên Lang Biang đỏ; Hồng môn đa sắc: tím, đỏ, hồng, vàng…

Đón năm mới 2019, vườn lan của ông Bình đã tăng lên hàng ngàn chậu, trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển hiệu quả hơn nữa nguồn gien đa dạng các loài lan đặc hữu của cao nguyên Lang Biang, và vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam.

Đắk Nông: Mô hình VAC của thanh niên 9x

Đó là mô hình của anh Phạm Văn Yên, sinh năm 1990, Thị trấn Đức An (Đắk Nông) một nhà nông trẻ xuất sắc, sản xuất - kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm.

Anh Yên nghiên cứu đưa cây mới vào trồng Ảnh Hồ Mai

Sinh ra tại vùng đất cố đô Ninh Bình, năm 2000 Yên theo cha mẹ đến sinh sống, lập nghiệp tại Đắk Nông. Tốt nghiệp phổ thông, anh theo học Trung cấp Đồ họa năm 2010. Mặc dù được làm việc đúng chuyên ngành, nhưng Yên cảm thấy không vui khi xa gia đình, không phụ giúp được cha mẹ tuổi già yếu.

Năm 2013, anh quyết định trở về Thị trấn Đức An lập nghiệp. Trên 1,5 ha đất rẫy của gia đình, anh tích cực tìm tòi, học hỏi khoa học kỹ thuật để trồng gần 1.000 cây cà phê và 800 cây tiêu.

Sau 3 năm, những cây cà phê, tiêu anh trồng phát triển tốt, cho thu bói khả quan. Lúc này, anh được tổ chức Đoàn địa phương cho vay 30 triệu đồng, cùng với số tiền từ cà phê, hồ tiêu trước đó, anh mua thêm 2,5 ha đất để mở rộng sản xuất; tiếp tục trồng thêm 1.000 cây cà phê và 1.200 cây hồ tiêu, trồng xen 150 cây sầu riêng và bơ.

Yên xác định hết sức rõ ràng phải “đa cây, đa con”, tăng giá trị cây trồng, nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất. Anh đầu tư thêm một cặp dê sinh sản, tận dụng nguồn thức ăn quanh vườn, phát triển và duy trì thường xuyên đàn dê 7 con, tăng nguồn thu nhập thêm 20 triệu đồng/năm.

Mặt khác, anh còn kết hợp chăn nuôi gia cầm, đào ao thả cá, giúp cải thiện bữa ăn gia đình, và tăng thêm thu nhập, đáp ứng nhu cầu phân hữu cơ, tưới tiêu cho cây trồng.

Do không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, mỗi năm, anh thu nhập bình quân 8 tấn tiêu khô, 7 tấn cà phê nhân, gần 6 tấn sầu riêng và bơ… tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Khan hiếm nguồn giống Ati so, 1 đặc sản có thương hiệu của Đà Lạt; liên kết chuỗi sản xuất cà phê; gắn huy chương cho hoa phong lan; mô hình VAC của thanh niên 9x, là những tin Tây Nguyên nổi bật tuần qua

An Như (tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/khan-hiem-nguon-giong-atiso-dac-san-thuong-hieu-da-lat-post24936.html