Khán giả trở lại với phim truyền hình Việt

Lựa chọn đề tài gần gũi với cuộc sống, khai thác sâu những thân phận để đưa đến nhiều góc nhìn mới mẻ, phim truyền hình Việt sau thời gian bị lãng quên đã dần kéo khán giả trở lại với màn ảnh nhỏ. Lâu lắm rồi mới thấy khán giả cùng vui, khóc, háo hức chờ đợi mỗi tập phim phát sóng.

Một cảnh trong phim Về nhà đi con

Một cảnh trong phim Về nhà đi con

Hấp dẫn từ những điều tốt

Sau vài “bom tấn” đình đám của phim truyền hình Việt mang tên Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Tuổi thanh xuân… được cho là thành công nhờ kịch bản nước ngoài thì trong tháng 4 vừa qua, khán giả truyền hình đang có những phản hồi tích cực cùng lúc với 3 phim thuần Việt. Nếu Nàng dâu order nhẹ nhàng và hài hước, Mê cung nổi bật bởi những tình tiết trinh thám, hình sự thì Về nhà đi con lại chiếm trọn cảm tình của khán giả bởi những điều tốt đẹp nhỏ bé.

Cho tới thời điểm hiện tại, Về nhà đi con thành công với lượt người xem cao, độ phủ sóng rộng và sức ảnh hưởng, lan tỏa của các nhân vật. Thành công đến từ nội dung kịch bản phim gần gũi, sâu sắc; lời thoại “đời” và thấm thía với dàn diễn viên diễn xuất tự nhiên.

Về nhà đi con có bối cảnh một ông bố phải tự mình nuôi dạy những đứa con gái khi không còn vợ ở bên cạnh. Cách phát triển câu chuyện, sự thay đổi trong tính cách mỗi nhân vật đã trở thành điểm sáng, giúp phim trở nên nổi bật giữa dòng phim truyền hình gia đình Việt, tưởng chừng đã bị nhấn chìm bởi những lấp lánh của trai xinh, gái đẹp, biệt thự, xe sang... “Phim mà như đời với những câu thoại hay và tự nhiên, diễn mà như không diễn”, khán giả Thanh Vân (Hà Nội) bình luận. Cùng tâm sự này, chị Việt Hà (nhân viên văn phòng) chia sẻ, đã lâu lắm mới có bộ phim mà cả nhà chị từ già đến trẻ ngóng đợi đến như vậy. Mọi việc trong phim diễn ra tự nhiên như chính hơi thở cuộc sống hàng ngày. Tình cảm cha con, ông bà, chị em đan xen giữa truyền thống và hiện đại, chân thực đến mức ai cũng có thể thấy bóng dáng mình trong đó. Khóc, cười, buồn vui mọi việc cứ tuôn chảy như chính cuộc sống… Không lên gân, không lời lẽ sách vở, giáo điều… nhưng từng câu nói, cách giải quyết mỗi nút thắt trong phim đều khiến người xem phải suy nghĩ và soi mình vào đó.

“Tôi nghĩ không có câu chuyện hay một bài học thiết thực nào hơn đời sống xã hội. Những đề tài xoay quanh chuyện tình cảm gia đình muôn đời vẫn thế, nhưng nếu chọn lát cắt hợp thời, đáp ứng nhu cầu khán giả thì vẫn hấp dẫn như thường”, nhà biên kịch Đông Hoa nhận định. Có lẽ vì thế mà ngay khi vừa lên sóng truyền hình, nhiều khán giả liên tục đòi nhà sản xuất tăng thời lượng hoặc tăng số tập phát sóng lên 2-3 tập mỗi ngày. Tại thời điểm này, nhà sản xuất cũng đang rất lúng túng, chưa trả lời về việc phim sẽ kéo dài thêm thành 80 tập hay hơn nữa thay vì 68 tập như thông báo ban đầu, vì sức ép yêu thương từ khán giả.

Tương tác với khán giả

Về nhà đi con, trước khi phát sóng đã từng bị nghi ngờ, không rõ có đủ sức thu hút khán giả với đề tài gia đình cũ kỹ. Song thực tế, đề tài gia đình chưa bao giờ hết hấp dẫn, nhất là khi được kể dưới góc nhìn của cuộc sống đương đại. Câu chuyện về tình cha con với những va đập trong cách suy nghĩ của từng thế hệ; về những mối quan hệ chồng chéo bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… hiển hiện đầy cảm xúc.

Mổ xẻ sự thành công ban đầu của Về nhà đi con, một số chuyên gia cho rằng thời lượng chỉ khoảng 30 phút mỗi tập và làm theo dạng cuốn chiếu là một trong những yếu tố đẩy sức nóng của phim. Nhà sản xuất có thể vừa làm vừa theo dõi dư luận để biết rõ khán giả thích gì, không thích gì mà kịp thời điều chỉnh. Đó là cách làm phim mới, bám sát thực tiễn đời sống và đưa phim ảnh đến gần hơn với công chúng.

Gắn bó với phim truyền hình một thời gian dài, đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải cũng khẳng định: “Sự tương tác với khán giả là một trong những mấu chốt đem tới thành công của phim truyền hình Việt thời gian gần đây. Thay vì hoàn thiện sản phẩm rồi xếp lịch chiếu thì việc vừa làm vừa chiếu, tuy áp lực với nhà sản xuất và diễn viên, nhưng sẽ tạo ra động lực, thổi sinh khí cho chính họ. Từ sự tương tác đó mà người sản xuất nắm bắt rõ hơn nhu cầu, thị hiếu của khán giả đối với mỗi dòng phim, dạng phim. Và đó cũng chính là lý do nhiều phim dù đã quay xong, nhưng đến gần cuối lại phải quay lại hoặc chỉnh sửa để phù hợp với xu hướng chung”.

Rất có lý khi nhiều người nhận xét, phim ảnh bây giờ không có “cửa” cho những tay chơi nghiệp dư, làm phim theo kiểu chụp giựt. Một cuộc chơi mới đã bắt đầu, một trật tự mới được xác lập và tất nhiên sẽ xuất hiện những tay chơi mới. Tới thời điểm này, có thể khẳng định Về nhà đi con là một tín hiệu tốt của phim truyền hình Việt.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khan-gia-tro-lai-voi-phim-truyen-hinh-viet-596229.html