Khán giả chung kết 'Làng sáng tạo' bật khóc vì video của chàng trai trẻ kể về mẹ
Lấy cảm hứng từ người mẹ tảo tần, Nguyễn Phi Long (18 tuổi, quê Đăk Lăk) đã kể câu chuyện cảm động và giành số điểm cao tại chung kết 'Làng sáng tạo'.
Lấy cảm hứng từ người mẹ tảo tần, Nguyễn Phi Long (18 tuổi, quê Đăk Lăk) đã kể câu chuyện cảm động và giành số điểm cao tại chung kết “Làng sáng tạo”.
Tiếng khóc ngập khán phòng vì câu chuyện cảm động về mẹ
Là thí sinh nhỏ tuổi nhất chương trình, Phi Long đến từ Đắk Nông đã khiến ban giám khảo không khỏi bất ngờ, xúc động với video về mẹ tại “Làng sáng tạo”. Với cách kể chuyện chân thành cùng thông điệp nhân văn, sản phẩm của Long nhận được số điểm gần như tuyệt đối, qua đó trở thành một trong số ít thí sinh được đặc cách tiến thẳng vào vòng chung kết.
Trong video, Long tái hiện ký ức tuổi thơ gắn với người mẹ tảo tần – hình ảnh hai mẹ con rong ruổi khắp các chợ quê giữa cái nắng cao nguyên, bán từng mớ rau, trái bắp… Cậu bé ngày ấy thường ngồi nép sau chiếc xe đẩy chở nông sản, lặng lẽ quan sát mẹ tất bật mưu sinh. Chính những tháng ngày ấy đã khiến Long sớm cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ và nuôi quyết tâm trưởng thành sớm hơn bạn bè đồng trang lứa.
“Mình đã từng lớn lên nhờ chiếc xe đẹp cọt kẹt đôi khi chạy bằng đôi bàn chân của mẹ như thế. Nó mãi mãi là kí ức đẹp nhất nuôi mình khôn lớn”, Long nói.

Nguyễn Phi Long là nhà sáng tạo nội dung “quen mặt” trong các cuộc thi
Không cần đến kỹ xảo cầu kỳ, video chỉ gồm những thước phim tư liệu cũ, xen lẫn cảnh Long tự quay lại hành trình trở về quê, phụ mẹ buôn bán sau giờ học. Điều chạm đến trái tim khán giả không phải sự dàn dựng, mà là giọng kể đầy cảm xúc và cách Long đối thoại với chính mình: “Mẹ không bao giờ đòi hỏi điều gì lớn lao. Chỉ cần con ngoan, mẹ đã thấy vui. Còn con thì chỉ mong một ngày có thể đỡ đần mẹ nhiều hơn, bằng chính công việc mình chọn”.
Bắt đầu làm nội dung từ năm 15 tuổi, Long xem đây như một cách để kiếm thêm thu nhập phụ giúp mẹ. Với chiếc điện thoại cũ mượn tạm từ người quen và đường truyền Internet chập chờn ở quê, cậu tự học cách quay, dựng, rồi đăng tải những video đầu tiên xoay quanh chủ đề game và cuộc sống thường ngày tại vùng cao nguyên.
“Ban đầu, mình chỉ hy vọng kiếm được vài trăm nghìn mỗi tháng từ YouTube là mừng rồi. Nhưng khi thấy người xem phản hồi tích cực, mình nhận ra: mình có thể làm nhiều hơn thế”, Long chia sẻ.
Dù chỉ dừng chân ở vị trí Á quân chung cuộc, Long vẫn được đánh giá là một trong những thí sinh để lại dấu ấn sâu sắc nhất tại “Làng sáng tạo”. Ban tổ chức nhận xét Long không chỉ sở hữu khả năng kể chuyện tốt, mà còn mang đến tinh thần tích cực, truyền cảm hứng qua từng nội dung.
Hệ sinh thái 7 kênh – chặng đường gây dựng dấu ấn từ con số 0
Từ một cậu bé tỉnh lẻ làm video vì kế sinh nhai, Long đã vươn lên trở thành một trong những nhà sáng tạo nội dung trẻ được chú ý nhất hiện nay. Tính đến năm 2025, Long sở hữu hệ sinh thái gồm 7 kênh mạng xã hội với tổng cộng hơn 6 triệu lượt theo dõi, trong đó có nhiều kênh YouTube đạt nút vàng, bạc.
Không giới hạn ở một chủ đề, Long phát triển các kênh theo định hướng rõ ràng: vlog đời sống bên mẹ, chia sẻ kỹ năng học tập đến các series kể chuyện truyền cảm hứng dành cho Gen Z. Các video của Long đều có điểm chung là ngôn ngữ gần gũi, giọng kể mộc mạc, tinh thần tích cực và luôn lồng ghép thông điệp nhân văn.

Long cũng là một trong số ít nhà sáng tạo trẻ được Free Fire Việt Nam vinh danh là “Nhà sáng tạo nổi bật” năm 2025, giải thưởng dành cho những cá nhân có đóng góp tích cực, bền vững và có ảnh hưởng tốt đến cộng đồng.
“Mình không nghĩ mình giỏi hơn ai, nhưng mình luôn cố gắng làm nội dung có ích, khiến người xem cảm thấy nhẹ lòng, tích cực hơn mỗi ngày. Và nếu có điều gì khiến mình hạnh phúc nhất sau hành trình này, thì đó là thấy mẹ không còn phải dầm mưa dãi nắng ngoài chợ như ngày trước nữa”, Long chia sẻ.