Khán giả cần nhiều hơn ở một bộ phim

Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều ngành kinh tế và các khía cạnh khác nhau của đời sống, điện ảnh dĩ nhiên cũng không ngoại lệ. Ở thị trường Việt Nam, nhiều phim đã hoàn thiện cả phần hậu kỳ, nhưng phải chịu cảnh 'đắp chiếu' vì không dám mạo hiểm ra rạp khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Tết năm nay, khán giả không có những món ăn tinh thần hấp dẫn

Hollywood “nhường sân” cho phim nội địa

Theo nhận định của giới “mọt phim”, việc vắng bóng các phim bom tấn Hollywood tạo nên cuộc đua hấp dẫn của phim nội trong mùa phim Tết Tân Sửu - 2021. Đặc biệt hơn, chưa khi nào mùa phim Tết lại quy tụ những cái tên đình đám bậc nhất như hiện nay.

Thông qua Trạng Tí, ekip thực hiện bộ phim mong muốn được đem văn hóa Việt đến thế giới.

Thông qua Trạng Tí, ekip thực hiện bộ phim mong muốn được đem văn hóa Việt đến thế giới.

Năm nay, các phim chiếu Tết chủ yếu mang đến không khí hài hước, vui vẻ, nếu xét ở khía cạnh nhà sản xuất hướng đến là đối tượng gia đình và điều này tương thích với tâm lý khán giả. So với các mùa phim gần đây, số lượng phim Tết Tân Sửu - 2021 không tăng nhưng được dự đoán tạo nên cuộc đua thú vị, bởi nó đến từ những đạo diễn tên tuổi và ekip có nghề. Hầu hết đều là những bộ phim chất lượng, được đầu tư lớn. Đó là tín hiệu tốt cho điện ảnh Việt, vì có như thế mới nâng tầm điện ảnh Việt, tạo lòng tin và uy tín với khán giả.

Một tín hiệu đáng mừng khác, mùa phim Tết 2021 tiếp tục cho thấy sự đa dạng về mặt đề tài, thể loại và sự thay đổi tư duy của nhà làm phim trong việc tiếp cận khán giả. Thay đổi đáng kể nhất của các phim Tết là sự đầu tư về chất lượng của nhà sản xuất. Trước đây, phim Tết thường chủ yếu mang đến cảm giác chọc cười đơn thuần thì bây giờ phim có nội dung, nhiều suy ngẫm hơn. Một khía cạnh nữa là nhà sản xuất cũng tỉnh táo và sáng suốt hơn khi khai thác đúng tâm lý người xem, hướng đến những nội dung mang màu sắc tươi vui, đầm ấm. Thị hiếu khán giả luôn thay đổi. Họ không chỉ ra rạp để cười như vài năm trước đây. Họ cần ở một bộ phim nhiều hơn. Họ thích đến rạp và ra về với những suy nghĩ.

Đầu tháng 11/2020, diễn viên Trấn Thành và ê kíp công bố đóng máy dự án Bố già (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) sau 2 tháng làm việc với lịch trình dày đặc. Đây được cho là mảnh ghép thú vị trong mùa phim Tết 2021. Với những tên tuổi sáng giá lẫn tươi mới cho thị trường phim Tết, Bố già sẽ góp phần nhỏ vào việc kích thích lại thói quen đến rạp của khán giả Việt. Đặc biệt, với câu chuyện đầy cảm xúc, bình dị cùng thông điệp nhắm thẳng vào trái tim của mỗi người, nội dung có bi - có hài, ekip hy vọng mang đến một sản phẩm chất lượng, chỉn chu và tâm huyết cho khán giả Tết Nguyên đán 2021 này. Chưa tiết lộ chi tiết về nội dung và những khác biệt so với phiên bản web-drama, nhưng Bố già phiên bản điện ảnh quy tụ hầu hết những gương mặt đã làm nên thành công trước đó: NSND Ngọc Giàu, Trấn Thành, Tuấn Trần, Lê Giang, Lan Phương, Hoàng Mèo, La Thành, Quốc Khánh, Ngân Chi…

Bố già sẽ góp phần nhỏ vào việc kích thích lại thói quen đến rạp của khán giả Việt?

Những bộ phim nổi bật

Bên cạnh Bố già, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả, Lật mặt 5: 48H, Trạng Tí… cũng là những bộ phim nổi bật được chiếu dịp Tết năm nay. Trạng Tí là dự án phim có kinh phí lớn nhất từ trước đến nay của Studio68. Phim do Phan Gia Nhật Linh (từng đạo diễn phim Em là bà nội của anh) đạo diễn, Ngô Thanh Vân sản xuất. Trạng Tí thuộc thể loại phiêu lưu kỳ ảo, lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt của tác giả Lê Linh.

Ekip phim Gái già lắm chiêu chọn cách làm “vô tiền khoáng hậu” trong điện ảnh khi tung ra phần 5 trước phần 4.

Không giống với hình ảnh Trạng nguyên Tí trong teaser poster, trong video đầu tiên về phim, nhóm Tí, Sửu, Dần, Mẹo mặc trang phục dân dã, kết hợp cùng bố tử trước ngực và mái đầu ba vá, đúng với tạo hình nhân vật nguyên tác từ truyện tranh. Bốn nhân vật trông dễ thương, lém lỉnh, khiến khán giả tò mò. Bên cạnh đó, Trạng Tí cũng tung bối cảnh hùng vĩ của núi non kết hợp trên nền nhạc bài hát Cò lả quen thuộc trong dân gian. Với vai trò giám đốc âm nhạc của Trạng Tí, nhạc sĩ Đức Trí dùng chất liệu dân gian làm yếu tố chủ đạo.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ cảm giác khi thực hiện dự án Trạng Tí: "Tôi có những hoài bão lớn cho điện ảnh Việt, mong muốn được đem văn hóa Việt đến thế giới. Được nhìn thấy cây đa đầu làng, khói lam chiều trên những rặng núi xanh, những mái tranh vách đất mộc mạc, bọn trẻ con cưỡi trâu hò reo trên màn ảnh. Vì thế, tôi bắt đầu hành trình cùng Trạng Tí". Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ: "Việc thực hiện Trạng Tí giống như giấc mơ trở thành hiện thực, để khán giả được xem và tự hào về những câu chuyện dân gian thông minh của các quan trạng đất Việt từ ngàn xưa".

Khác với Trạng Tí, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả lại là một gia vị khác trên “bàn tiệc” phim Tết năm nay. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã xác định đây là phim điện ảnh chiếu tết 2021 nên đã “chơi lớn” khi thực hiện đoạn phim ngắn kéo dài hơn 2 phút để giới thiệu rõ hơn bối cảnh, tính cách nhân vật, cũng như một phần nội dung đủ để gây tò mò, trông đợi cho khán giả. Phim chọn cách làm “vô tiền khoáng hậu” trong điện ảnh khi tung ra phần 5 trước phần 4.

Theo tiết lộ từ nhà sản xuất, tác phẩm xoay quanh câu chuyện về 3 chị em họ Lý nổi tiếng giàu sang, quyền lực trong giới kinh doanh, buôn bán đồ cổ. Đó là Lý Lệ Hà (NSND Lê Khanh), Lý Lệ Hồng (NSND Hồng Vân) và Lý Linh (Kaity Nguyễn). Một ngày nọ, tại đêm đấu giá phiên xuân ở Bạch Trà Viên, món báu vật trị giá 30 triệu USD do Lý Gia gìn giữ bỗng dưng bị đánh cắp. Từ đây, mọi bí mật thầm kín, thậm chí rúng động của mỗi chị em sẽ lần lượt được phơi bày ra ánh sáng…

Âm nhạc thính phòng trong phim được thực hiện bởi nhà soạn nhạc Christopher Wong cuốn hút khán giả bởi sự hài hòa giữa bối cảnh vương giả, nguy nga (Tử Cấm Thành, Nhật Thanh Lâu, Cung An Định…) thuộc hàng danh thắng bậc nhất xứ Huế và những diễn biến câu chuyện của các nhân vật đương đại, quyền uy.

Lật mặt 5: 48H cũng là một trong những bộ phim phải dời lịch chiếu do Covid-19. Phim do chính Lý Hải “chắp bút” kịch bản, đồng thời đảm nhận vai trò đạo diễn. Đây là phần thứ năm của series Lật mặt và cũng là bộ phim đầu tiên Lý Hải khai thác bối cảnh miền Tây. Bộ phim thuộc thể loại hành động - hài với sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng: Ốc Thanh Vân, Võ Thành Tâm, Huỳnh Đông, Mạc Văn Khoa, Lê Hạ Anh…

Nếu 2 phần trước là Lật mặt 34 lần lượt mang thể loại hài hành trình và hài kinh dị, thì lần này, tác phẩm mới nhất của Lý Hải sẽ đi theo dòng phim hành động, một hướng đi hoàn toàn mới mẻ. Lật mặt 5: 48h lấy bối cảnh ở vùng miền Tây sông nước. Được biết, có hơn 90% những cảnh quay trong phim đều được thực hiện ở các tỉnh miền Tây.

Lý Hải chia sẻ, đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh, mà còn là lời tri ân mà Hải muốn tặng cho gia đình, cho xóm làng, cho các fan hâm mộ, tất cả những tình cảm quý báu nơi quê nhà đã hết mực yêu thương nâng đỡ, đưa anh chập chững bước vào con đường nghệ thuật, điều đã khiến anh đau đáu trong tim mãi không quên. Theo đạo diễn Lý Hải, quyết định dời lịch chiếu sang tận năm sau khiến đoàn phim tổn thất không ít. Trong đó, chỉ tính riêng chi phí đầu tư cho phim đã gấp đôi so với phần trước. Ngoài ra, cho đến nay, anh vẫn phải chi trả lãi suất hàng tháng từ số tiền vay ngân hàng để bỏ vào phim.

Nhìn chung, mùa phim Tết năm nay, thể loại hài, phim kinh dị được tung ra có sự cân đối cả về số lượng lẫn chất lượng, không còn có sự lấn át của các bộ phim thuộc một thể loại nhất định như những mùa trước. Cùng với đó, đã có những sự đổi mới trong cách làm phim Tết của các hãng sản xuất phim. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt.

Ngọc Kiều

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khan-gia-can-nhieu-hon-o-mot-bo-phim-598452.html