Khẩn cấp ứng phó với tổ hợp thiên tai bất lợi

Tổ hợp thiên tai bất lợi gồm hai áp thấp nhiệt đới cùng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây sóng to, gió lớn cho toàn bộ vùng biển Đông...

Chiều 2-9, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai phát đi Công điện hỏa tốc số 15/ CĐ-TW chỉ đạo các tỉnh, TP ven biển và khu vực Tây Nguyên chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai bất lợi và phức tạp trên biển Đông trong những ngày tới.

Theo công điện, hiện nay trên biển Đông xuất hiện tổ hợp bất lợi gồm hai áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cùng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây sóng to, gió lớn cho toàn bộ vùng biển Đông. Ngoài ra, từ ngày 2 đến 6-9, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi được cảnh báo có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 300-500 mm/đợt; khu vực Tây Nguyên 200-300 mm/đợt.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh; thông tin đến các thuyền trưởng, chủ phương tiện hoạt động trên biển chủ động các phương án di chuyển tàu thuyền để đảm bảo an toàn. Cạnh đó, căn cứ diễn biến của ATNĐ, gió mạnh trên biển và tình hình cụ thể tại địa phương để thực hiện việc cấm biển.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới phức tạp vào sáng 2-9. Ảnh: A.HIỀN. Hình ảnh về vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới “kép” trên biển Đông. Ảnh: NCHMF

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới phức tạp vào sáng 2-9. Ảnh: A.HIỀN. Hình ảnh về vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới “kép” trên biển Đông. Ảnh: NCHMF

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hành khách tại các khu du lịch, ngư dân tại các khu neo đậu tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản; đảm bảo an toàn hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, các công trình đê điều. Đối với khu vực trung du, miền núi và khu vực Tây Nguyên, ban chỉ đạo yêu cầu tập trung khắc phục sự cố, hư hỏng ở các công trình hồ đập, kênh mương, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng mưa lũ của bão số 4 vừa qua, đồng thời với đó là tăng cường chỉ đạo lực lượng xung kích tại cơ sở kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất… “Các tỉnh, TP, bộ, ngành liên quan giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, thủy điện, thủy lợi, nhất là các thủy điện nhỏ, hồ đập xung yếu hoặc đang thi công” - công điện nêu.

Cũng trong chiều 2-9, Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT có Công điện số 08 gửi giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh, TP từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên yêu cầu khẩn trương khắc phục tạm thời các sự cố công trình thủy lợi đã xảy ra, đảm bảo không ảnh hưởng mở rộng đến an toàn công trình và vùng hạ du, đồng thời với đó là triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là các hồ chứa nước đã tích đầy nước, hồ chứa xung yếu và các hồ chứa đang thi công sửa chữa, nâng cấp.

Hôm nay (3-9) có thể xuất hiện cơn bão mới

Lúc 16 giờ chiều 2-9, vị trí tâm ATNĐ trên đảo Hải Nam với sức gió mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9 và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ chiều 3-9, vị trí tâm bão cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam khoảng 150 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Một ATNĐ khác đã hình thành tại khu vực giữa biển Đông. Đến 16 giờ ngày 3-9, vị trí tâm ATNĐ này cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Tới 4 giờ ngày 4-9, vị trí tâm ATNĐ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía bắc với sức mạnh không đổi.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo khu vực vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm ATNĐ/bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-4 m và biển động rất mạnh; từ đêm 2-9, vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2,5-3,5 m, biển động mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/khan-cap-ung-pho-voi-to-hop-thien-tai-bat-loi-855836.html