Khám và phát hiện sớm 10 bệnh lý nguy hiểm nhất thường gặp trong cuộc sống
Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà hiện nay, rất nhiều người bỏ quên đi sức khỏe của chính bản thân mình cũng như của những người mình yêu thương. Phòng bệnh hơn là đi chữa bệnh, với tâm niệm đó, Ts.Bs Trần Quốc Khánh (khoa Phẫu thuật Cột sống bệnh viện Việt Đức) đã chỉ ra top 10 bệnh lý nguy hiểm thường gặp và những gợi ý cơ bản giúp khám-phát hiện sớm cũng như dự phòng các căn bệnh đó.
1. Cao huyết áp và Tai biến mạch máu não
Cao huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì hiếm khi có triệu chứng, khiến nhiều người không hề nhận thấy mình đang có bệnh.
Cao huyết áp là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, dẫn đến tử vong hoặc liệt cơ thể. Hiện nay xu hướng cao huyết áp gây tai biến mạch não đang gia tăng rất nhanh và độ tuổi bị tai biến cũng trẻ hơn rất nhiều.
Theo báo cáo mới nhất, vào tháng 5-2016 của Hội Tim Mạch Việt Nam, gần 50% người Việt trưởng thành bị bệnh cao huyết áp, tức là cứ hai người lớn thì có một người bị cao huyết áp. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó lại chưa biết mình bị cao huyết áp, hoặc biết bệnh nhưng lại chưa tuân thủ điều trị...
* Cách phát hiện và chẩn đoán bệnh: Đo huyết áp thường xuyên và đúng cách để chẩn đoán, xác định bệnh. Và quan trọng nhất, mỗi người phải có ý thức dự phòng bệnh này ngay từ lúc này, đừng để khi huyết áp tăng quá cao rồi mới có thái độ điều trị.
* Cách dự phòng bệnh:
- Ăn nhạt nhất có thể.
- Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn xào – rán – quay – nướng, tăng cường chế biến hấp-luộc-nấu canh-kho nhạt.
- Tăng cường ăn rau-hoa quả-các loại hạt tự nhiên & ngũ cốc.
- Bỏ thuốc lá hoàn toàn, hạn chế chất cồn, đặc biệt là rượu mạnh.
- Thể dục đều đặn 30-60 phút/ngày/7 ngày/tuần.
- Giảm cân nặng về mức trung bình, béo phì luôn có nguy cơ bị cao huyết áp & tai biến mạch máu não.
- Đo huyết áp hằng tháng, kiểm tra mỡ máu 6 tháng/1 lần, nếu mỡ máu tăng cần kiểm soát ngay.
- Điều trị tiểu đường ổn định (nếu mắc).
2. Hẹp mạch vành và Nhồi máu cơ tim
Tại châu Âu, có tới 600.000 bệnh nhân tử vong mỗi năm do bệnh động mạch vành và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bệnh động mạch vành đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và gây nhiều thay đổi trong mô hình bệnh tim mạch.
Nguyên nhân chính gây hẹp mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim là do các mảng xơ vữa bít tắc lòng mạch nuôi cơ tim, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng. Đây là một tối cấp cứu trong nội-ngoại khoa, vì thời gian phát hiện và can thiệp (lập lại lưu thông cho mạch vành) là yếu tố vàng, là yếu tố quyết định.
* Những dấu hiệu bị tắc mạch vành
- Đau thắt ngực, cảm giác đau thắt nhói như ai đang bóp nghẹt tim mình, ở giữa ngực hoặc lệch trái.
- Khó thở khi gắng sức.
- Tim đập nhanh, tim đập bất thường.
Khi có một hoặc nhiều các dấu hiệu trên, người bệnh cần liên hệ ngay trung tâm y tế gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ. Mỗi người nên nhớ: Thời gian là Vàng. Thực hiện các nội dung dự phòng trong bệnh cao huyết áp cũng chính là cách dự phòng cho nhóm bệnh lý mạch vành.
3. Ung thư vú
Đây là loại ung thư phổ biến nhất mà phụ nữ có thể phải đối mặt trong cuộc đời. Theo cơ quan nghiên cứu ung thư Thế giới (IARC), vào năm 1998, ung thư vú chiếm 21% các loại ung thư ở phụ nữ. Nếu được phát hiện sớm, kết quả điều trị của ung thư vú rất khả quan.
- Nữ giới từ 20-30 tuổi nên có thói quen đi khám vú 1 năm/1lần, với phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám thường xuyên hơn, 6 tháng/1 lần.
- Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi chụp tuyến vú và siêu âm tuyến vú hằng năm.
- Tập thói quen tự khám vú cho mình: Quan sát và tự sờ nắn nhẹ nhàng vú để nhận ra sự thay đổi của vú, núm vú và vùng xung quanh khi tắm (Núm vú chảy dịch bất thường, quanh vú ấn có vùng có mật độ chắc cứng hơn các vùng khác…), khi có bất thường, cần đi khám ngay, siêu âm và sinh thiết nhân tuyến vú khi cần thiết.
4. Ung thư tuyến giáp
Đây là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Theo tổ chức chống ung thư toàn cầu (IUAC), năm 2002 tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư tuyến giáp ở nữ giới là 2,7 người/100.000 dân và 1,3 người/100.000 dân với nam giới. Điều trị ung thư tuyến giáp chủ yếu là phẫu thuật kết hợp dùng Iod phóng xạ, tiên lượng với ung thư tuyến giáp rất tốt trong đa số các trường hợp.
Với ung thư tuyến giáp, hầu như không có dấu hiệu gợi ý sớm, vì vậy thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm tuyến giáp kết hợp xét nghiệm hocmon tuyến giáp để giúp sàng lọc sớm căn bệnh này.
Khi có tổn thương nghi ngờ tại tuyến giáp, người bệnh cần tập trung làm các xét nghiệm và thăm dò bổ sung để đi đến chẩn đoán xác định (sinh thiết tổn thương để xét nghiệm tế bào, xạ hình tuyến giáp, chụp cộng hưởng từ tuyến giáp..).
5. Ung thư phổi
Đây được đánh giá là loại ung thư giết người đáng sợ nhất ở nam giới, và hút thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới căn bệnh này. Tuy nhiên, y khoa thế giới hiện vẫn chưa có phương pháp tầm soát đạt hiệu quả cao.
- Người bệnh cần bỏ thuốc lá ngay nếu đang hút.
- Tránh xa nơi ô nhiễm không khí, nơi có các nhà máy hóa chất và khí đốt (trường hợp không thể tránh, người bệnh cần ưu tiên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn).
- Tập thói quen chơi thể thao hàng ngày, ăn uống điều độ và biết lựa chọn.
- Với nam giới trên 40 tuổi, cần đi khám phổi (chụp X-quang phổi, xét nghiệm yếu tố gợi ý u phổi ở trong máu…), khi có nghi ngờ (dù là nốt mờ nhỏ nhất ở phổi) người bệnh cần chụp cắt lớp vi tính phổi, sinh thiết khối nghi ngờ (nếu có) và gửi đi xét nghiệm tế bào học để chẩn đoán xác định.
6. Ung thư đường tiêu hóa
Đây là nhóm các ung thư rất hay gặp ở cả hai giới. Tuy nhiên theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, nội soi dạ dày-đại tràng định kỳ hàng năm có thể giảm tới 60% nguy cơ tử vong do căn bệnh này khi bệnh được phát hiện sớm.
* Những yếu tố nguy cơ của nhóm ung thư đường tiêu hóa bao gồm: Người trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh này, chế độ ăn nhiều thịt ít rau và chất xơ, những người có các bệnh lý về đường tiêu hóa (viêm ruột, loét dạ dày, polyp..), người ít vận động thể thao, người uống nhiều rượu mạnh, tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất.
* Cách ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh Ung thư đường tiêu hóa
Mỗi người cần cố gắng tránh các yếu tố nguy cơ trên (trừ yếu tố tuổi tác); tập thói quen đi khám sức khỏe định kỳ để siêu âm ổ bụng, xét nghiệm yếu tố ung thư đường tiêu hóa trong máu (Tumor marker) và nội soi dạ dày-đại tràng định kỳ 6 tháng-1 năm/1lần, trong đó nội soi dạ dày & đại trực tràng là quan trọng nhất.
7. Ung thư đường sinh dục (tử cung - buồng trứng)
Ung thư tử cung (Ung thư nội mạc tử cung và ung thư cổ tử cung) cùng với ung thư buồng trứng được xếp vào nhóm ung thư hay gặp thứ hai ở phụ nữ sau ung thư vú. Đây cũng là những ung thư có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị phẫu thuật kịp thời.
* Những yếu tố nguy cơ bao gồm: Phụ nữ sau 50 tuổi, phụ nữ thừa hocmon Estrogen (Béo phì, cao huyết áp, tiểu đường..) hoặc đang điều trị liệu pháp hocmon Estrogen thay thế đơn thuần, phụ nữ quan hệ tình dục sớm và có tiền sử nạo phá thai nhiều lần, phụ nữ nhiễm vi-rút HPV, phụ nữ hút thuốc lá hoặc có tiền sử viêm loét cổ tử cung.
* Dự phòng và phát hiện sớm bệnh:Nữ giới (gồm cả bé gái) từ 9-26 tuổi (trước khi có quan hệ tình dục) cần tiêm phòng vắc-xin HPV; Nữ giới trên 21 tuổi cần tập thói quen đi khám sản-phụ khoa định kỳ hàng năm và làm cả xét nghiệm PAP (xét nghiệm tế bào học để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung); Hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ nêu ở trên, và cuối cùng là có một cuộc sống lành mạnh (trong ăn uống, thể thao và quan hệ tình dục).
8. Ung thư tiền liệt tuyến
Đây là một trong những ung thư hay gặp nhất ở nam giới, tuy nhiên loại ung thư này thường phát triển rất chậm chạp, phát hiện sớm khi khối u chưa phát triển ra ngoài giới hạn của tuyến tiền liệt thì kết quả điều trị thành công rất cao (thường trên 95%).
* Những yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt bao gồm: Tuổi (tuổi càng cao nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng tăng, đặc biệt nam giới sau 65 tuổi), da màu đen (da đen hay mắc bệnh ung thư này hơn, khoa học chưa giải thích được vì sao), lịch sử gia đình có người mắc căn bệnh này, và cuối cùng là những người béo phì.
* Cách ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh: Nam giới sau 40 tuổi cần tập thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm.
- Với tuyến tiền liệt: cần siêu âm và xét nghiệm PSA trong máu (kháng nguyên chuyên biệt tuyến tiền liệt), khi có kết quả nghi ngờ, người bệnh cần chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt, cân nhắc sinh thiết và xét nghiệm tế bào học, có thể làm thêm xét nghiệm xạ hình xương toàn thân (bone scan) và chụp cắt lớp vi tính.
- Cố gắng tránh béo phì, nếu tiền sử gia đình có người thân bị ung thư tuyến tiền liệt, cần ưu tiên theo dõi và khám định kỳ tuyến tiền liệt cho mình hơn.
9. Loãng xương
Loãng xương đang là một vấn đề được cả thế giới rất quan tâm vì quy mô lớn và hệ quả nghiêm trọng của nó trong cộng đồng. Loãng xương là nguyên nhân chính gây gẫy xương cột sống, gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng tay ở người già.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia về loãng xương ở viện nghiên cứu Garvan-Sydney (2008) thì cứ 5 phụ nữ trên 60 tuổi có 1 người bị loãng xương, tuy nhiên mọi người lại hầu như không biết về tình trạng này và chưa có thái độ điều trị tích cực, chỉ đến khi ngã gãy xương nhập viện rồi mới biết mình loãng xương.
* Việc chẩn đoán bệnh loãng xương rất đơn giản và nhanh, người bệnh chỉ cần đo mật độ xương tại cột sống và cổ xương đùi theo phương pháp DXA (máy đo này hầu như bệnh viện lớn nào ở Hà Nội-TP. HCM đều có), khi kết quả đo T-score dưới -2,5 tức là người bệnh đã bị loãng xương (theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế Thế giới -1994).
* Các giải pháp chính dự phòng loãng xương:
- Tập vận động thể dục hằng ngày, nên ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và vận động, ít vận động và ngồi trong nhà quá nhiều là nguyên nhân chính gây loãng xương trong cộng đồng.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi trong thực đơn như: sữa, sữa chua, pho-mát, trứng, hải sản..
- Hạn chế chất cồn, cà phê.
- Phụ nữ sau mãn kinh cần điều hòa nội tiết tố, bổ sung canxi thường xuyên, khám và theo dõi tình trạng loãng xương định kỳ 1 lần/năm.
10. Tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh đầy thách thức ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Nếu không kiểm soát tốt, nó sẽ dẫn đến suy giảm sức khỏe và các vấn đề biến chứng nghiêm trọng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng..
* Những lời khuyên dành cho người mắc bệnh tiểu đường:
- Nên uống nhiều nước hằng ngày, đặc biệt nước trà xanh, mướp đắng..đều rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường.
- Bổ sung đầy đủ các vitamin, đặc biệt vitamin C và các loại khoáng chất qua các loại trái cây như chanh, cam, bưởi, dưa đỏ, các loại quả mọng nước… để giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Cố gắng giữ gìn cơ thể sạch sẽ nhất có thể, đặc biệt là đôi bàn chân và các vết xây xước, vì chúng rất dễ bị nhiễm trùng, và khi nhiễm trùng thì lại rất khó khỏi.
- Thể thao, thể dục-vận động hằng ngày để tránh các biến chứng của tiểu đường gây ra như cao huyết áp, tai biến, xơ vữa mạch máu, loãng xương..
- Luôn dự phòng bánh ngọt nhiều đường bên cạnh mình (trong túi xách, cạnh giường ngủ..) để đề phòng khi bị tụt đường máu đột ngột, nằm nghỉ nên ở nơi dễ gọi cho người khác khi có vấn đề hạ đường máu, tránh nằm riêng ở nơi quá kín, quá xa mọi người.
- Xét nghiệm đường máu định kỳ và tuân thủ dùng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh kiêng ăn quá mức gây mệt mỏi.
- Xây dựng thực đơn ăn dài hạn cho bản thân khi bị tiểu đường.