Khám phá vũ khí laser quân sự

Laser quân sự - một vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới, thu hút giới quân sự toàn thế giới, nhờ một số lợi thế nhất định so với nhiều loại vũ khí khác.

Các "ông lớn" vũ khí laser

Mới đây, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã giới thiệu vũ khí laser mới được trang bị cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Súng laser có công suất khác nhau, và trong trường hợp cần thiết, có thể chỉ “làm mù” thiết bị đối thủ hoặc tiêu diệt mục tiêu bằng chùm tia mạnh hơn.

Tổ hợp laser Лазер ZKZM-500 của Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)

Năm ngoái, sản phẩm laser chiến đấu LW-30 đã được giới thiệu tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế 2018 ở Chu Hải. Máy phát laser 30 kW được lắp đặt trên một chiếc xe địa hình ba trục, được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu nhỏ và di chuyển chậm trên không. Ngoài ra, LW-30 có thể chống tên lửa và bom không phải bằng cách phá hủy chúng, mà vô hiệu hóa hệ thống quang học và điều khiển của chúng. Trong thành phần tổ hợp có một đài radar, và tổ hợp có thể hoạt động cả ở vùng núi và khu vực có độ ẩm cao.

Các nhà phát triển Trung Quốc tuyên bố chùm tia laser sẽ có thể xuyên qua các cửa sổ, gây “cháy tức thời” vải và da người. Ngoài ra, tia laser có thể đốt cháy nhiên liệu trong xe, máy. Lực lượng an ninh Trung Quốc đã sử dụng súng trường laser WJG-2002 như một vũ khí không gây chết người.

Tại triển lãm vũ khí ở Singapore năm 2014, Tổ hợp Iron Beam (Tia sắt), được thiết kế để phá hủy đạn, tên lửa và mìn ở khoảng cách lên tới 2km, đã được Israel trưng bày. “Tia sắt” phá hủy các mục tiêu bằng cách chiếu laser vào chúng trong 4-5 giây. Tổ hợp này được gắn trên khung gầm xe tải, bao gồm radar, bảng điều khiển và hai hệ thống laser. Bản thân các máy phát laser được gắn bên trong các container hàng hóa tiêu chuẩn, tuy nhiên, không có thông tin về thiết bị này, ngoại trừ việc thử nghiệm đã được tuyên bố thành công.

Ở Mỹ, Lầu Năm Góc đang tập trung đặt laser trên máy bay. Đã có nỗ lực để tạo ra một loại laser chống tên lửa trên không, thậm chí đã được thử nghiệm, nhưng ý tưởng trên bị đình trệ do hiệu quả thấp và những khó khăn về kỹ thuật, mặc dù ngân sách 5,3 tỷ USD đã được phân bổ cho việc nghiên cứu phát triển. Nguyên mẫu YAL-1A hiện tại được lắp đặt trên máy bay Boeing-747-400F nhằm tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương. Tuy nhiên, tầm bắn tối đa không thể chấp nhận cho nhu cầu phòng thủ tên lửa.

Với các hệ thống laser tàu ở Mỹ, mọi thứ trở nên tốt hơn nhiều. Người Mỹ đã công bố kế hoạch trang bị cho tàu chiến vũ khí laser vào mùa Xuân năm 2013. Năm 2014, hệ vũ khí laser LaWS (Laser Weapons System), đặt trên tàu vận tải USS Ponce. Tiếp tục năm 2018, Hải quân Mỹ đã sử dụng thành công LaWS, một mục tiêu là một máy bay không người lái bị bắn hạ.

Hiện nay ở Nga, tổ hợp laser chiến đấu của Nga là Peresvet, được Tổng thống Putin đề cập đến trong Thông điệp Liên bang ngày 1/3/2018 và vào tháng 12/2018, Bộ Quốc phòng Nga đã chiếu một đoạn video về việc triển khai chiến đấu của tổ hợp này. Dữ liệu về tổ hợp được bảo mật, tuy nhiên có thể dự đoán, giống như các mẫu được phát triển của nước ngoài, nó thực hiện các nhiệm vụ phòng không và chống tên lửa. Đó là, nó đốt cháy các mục tiêu như máy bay không người lái, vô hiệu hóa hệ quang học của đạn pháo và tên lửa… Một số chuyên gia không loại trừ nó có thể được sử dụng để chiếu sáng các thiết bị quang học của các máy móc vũ trụ.

Ưu và nhược điểm của laser quân sự

Khi Trung Quốc sản xuất súng trường tấn công laser đã làm dấy lên nghi ngờ trong giới chuyên gia quân sự, bởi lẽ làm thế nào để có thể cung cấp đủ năng lượng cho súng trường tấn công laser? Cần phải có các tổ hợp laser để có thể được cung cấp đủ năng lượng nhằm tạo ra xung công suất lớn, áp cao.

Thêm nữa, ngoài vấn đề cung cấp năng lượng, laser chiến đấu còn có những nhược điểm khác như, vũ khí laser chỉ có thể tấn công mục tiêu một cách hiệu quả bằng tia laser trong điều kiện tầm nhìn trực tiếp và trong môi trường tốt. Bất kỳ khói hoặc sương mù đều làm giảm đáng kể hiệu quả của vũ khí này do sự tán xạ của chùm tia.

Tổ hợp laser «Сжатие» của Nga; (Nguồn: Live Journal)

Tuy nhiên, laser cũng có những lợi thế khiến giới quân sự đầu tư vào việc cải tiến những vũ khí này. Đó là tốc độ và độ chính xác, không phải gỡ bỏ ngụy trang khi bắn và độ phạm vi ứng dụng (khả năng làm mù hoặc phá hủy mục tiêu). Ngoài ra, ưu điểm khác là độ rẻ tương đối của phát bắn, đặc biệt là so với việc sử dụng các phương tiện chống tên lửa đắt tiền.

Về vũ khí không gian, tất nhiên, không ai phủ nhận viễn cảnh sử dụng trong vũ trụ, những vũ khí như vậy có thể rất hiệu quả, không mang các hạn chế của khí quyển.

Về công nghệ trên “mặt đất”, nó là vũ khí chiến thuật, laser đã xuất hiện trên nhiều phương tiện mang khác nhau. Gần đây, người Mỹ đã trình diễn ở châu Âu khả năng của một chiếc xe bọc thép Stryker được trang bị thiết bị phát Laser năng lượng cao di động (MEHEL). Tại một thao trường ở Đức, họ đã bắn hạ một máy bay không người lái nhỏ. Các thử nghiệm tương tự đã được thực hiện với một thiết bị laser gắn trên trực thăng Apache. Không loại trừ khả năng laser sẽ xuất hiện trên máy bay F-35. Tuy nhiên, Nga không bị tụt hậu, laser được trang bị cho Su-57 và cũng sẽ được tích hợp trên các biến thể đầy hứa hẹn của MiG-35.

(theo Armystandard)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kham-pha-vu-khi-laser-quan-su-94053.html