Khám phá vẻ đẹp thần bí của Thangka

Những gam màu mạnh, phô diễn đường nét uyển chuyển, lả lướt, bay bổng vẽ nên các đồ hình huyền bí hay thần – Phật, tạo thành hình thức nghệ thuật vĩ đại của Châu Á, đấy chính là Thangka – nét văn hóa của Phật giáo Tạng truyền, có lịch sử hơn 13 thế kỷ tồn tại và phát triển.

Nhắc đến Phật giáo Tạng truyền, người Tạng có một biểu tượng đặc biệt, chính là những tấm tranh thờ đầy màu sắc bắt mắt, vẽ hình thần – Phật (gọi là Palas), hoặc vẽ hình các đường vuông tròn đồng tâm (gọi là Mandala), do các nghệ nhân Tây Tạng thực hiện.

Là họa phẩm mang đậm sắc màu tôn giáo, thế nên các tác phẩm Thangka khi hoàn thiện, ngoài vẻ đẹp về mỹ thuật, còn mang đặc tính như công cụ thiền quán giúp người tu tập hóa thân vào Phật tính được thể hiện trên các nét vẽ của Thangka.

 Bồ tát Tara xanh với hiện thân quen thuộc trên họa phẩm Thangka.

Bồ tát Tara xanh với hiện thân quen thuộc trên họa phẩm Thangka.

Do thuộc dòng tranh thờ, Thangka mang rất nhiều quy tắc, luật định, khuôn phép mang yếu tố nền tảng, khoa học được xây dựng, đúc kết từ ngàn xưa, để người họa sĩ – nghệ nhân cứ theo những đúc kết ấy mà thực hiện.

Những đường nét, hình khối, họa tiết của Thangka không thay đổi, nhưng cách phối màu của từng người thực hiện, sẽ mang một dấu ấn khác biệt, chính vì vậy nhìn trong từng tác phẩm Thangka, người xem thấy ở đó nét quen (vì là hình thần – Phật, Mandala), nhưng cũng nhiều nét lạ (từ các dải màu được phối trộn khác biệt), tùy theo tâm tính, thời gian tu tập của từng họa sĩ.

Tác phẩm tranh Thangka vẽ Phật A Di Đà trang trí trong không gian nội thất.

Trong tác phẩm “Tranh Thangka Tây Tạng: Chân dung huyền bí”, họa sĩ – nhà nghiên cứu Thangka danh tiếng Pema Namdol Thaye (người Butan gốc Tạng), chủ nhân của phòng tranh Padma tại Los Angeles, hình thành từ 2008, chuyên thực hiện các bức họa Thangka đã chia sẻ:

“Sự phát triển của tranh vẽ Thangka gắn liền với cuộc đời đức Phật. Hình ảnh hiện hữu trên Thangka ví như sự phản chiếu trên nước để người nghệ sĩ họa lại thành tác phẩm. Người Tây Tạng khi đề cập đến nghệ thuật này, họ có hai cụm từ để miêu tả, đó là Thupa Chu Lenma, có nghĩa là những bức Thangka được người nghệ sĩ họa lại hình ảnh đức Phật hiện hình chói lọi, lung linh theo ánh phản chiếu trên mặt nước. Cụm từ còn lại là Hoed Zerma (ánh sáng bức xạ), liên quan đến tích truyện công chúa của Singala yêu cầu vẽ một bức chân dung Phật, tương truyền khi ấy có một luồng sáng tỏa ra từ thân thể đấng chí tôn lên tấm vải, khai trí cho người nghệ sĩ họa lên đó chân dung người”.

Tara xanh với họa tiết trang trí vẽ từ vàng, một bức Thangka giá trị sẽ sử dụng các họa phẩm quý giá để thực hiện.

Để ra đời một tác phẩm Thangka hoàn hảo, người thực hiện không chỉ mang tâm hồn một họa sĩ, một nghệ sĩ, mà còn là một nhà tu tập thâm niên.

Bức Thangka có bố cục và nội dung chặt chẽ, toát lên phong thái từng vị thần – Phật qua hình thể, biểu cảm gương mặt, nêu bật phẩm chất của từng vị, cùng cử chỉ, điệu bộ chính thể trong tranh phải được chăm chút cẩn trọng, từ ngón tay, bàn tay, ánh mắt, khóe miệng, dáng thế tọa thiền… đều là những đúc kết từ quá trình tu tập, đọc, học, nghiên cứu, cảm thụ kinh tạng và các văn bản truyền đời của Phật giáo mật tông mà thành.

Một góc trưng bày bộ sưu tập Mandala (Mạn đà la) theo văn hóa Phật giáo Tạng truyền.

Các tác phẩm Thangka quen thuộc có thể kể đến như dòng tranh vẽ hình Lục độ Phật Mẫu Tara, người Việt quen gọi là Tara xanh, Bồ tát Tara xanh. Nguyên do tác phẩm miêu tả hình một người phụ nữ dịu dàng, xinh đẹp, nhưng có làn da màu xanh lá rất ấn tượng.

Trong bộ tranh Thangka, Lục độ Phật Mẫu Tara là một trong số các Thangka trọng yếu nhất của Phật giáo Tạng truyền. Có nhiều thuyết giải nói về đức Tara xanh, trong đó tích truyện về một trong năm vị Phật tối cao của Phật giáo Tạng truyền là Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi Buddha) – vị Phật có làn da xanh – đặt tên cho Đức Tara bởi người là phối ngẫu tâm linh của vị Phật này.

Một thuyết giải khác đề cập về Đức Tara xanh là một nữ thần rừng, chỗ thiền định của người là một miền tiên cảnh, bao phủ bởi cây cối, muông thú, thác nước và hoa cỏ khắp nơi.

Màu xanh của Đức Tara cũng chính là hình ảnh đại diện cho sự giác ngộ tích cực của từ bi, là biểu trưng cho trí tuệ - nhân tố chính loại bỏ vô minh, điều gây lầm lẫn thực tại và là gốc rễ của sự đau khổ. Bên cạnh đó, màu xanh cũng tượng trưng cho màu của gió và thiên nhiên, giúp đánh thức tâm trí và lòng trắc ẩn.

Các hiện vật thuộc văn hóa Phật giáo (Thangka, tượng thờ) có nguồn gốc từ Nepal.

Bên cạnh rất nhiều ý nghĩa tôn giáo trong các hóa thân của Lục Độ Phật Mẫu Tara, ở góc nhìn nghệ thuật, những tác phẩm Thangka miêu tả về hình ảnh Đức Tara xanh luôn được biểu đạt bằng nhiều ngôn ngữ hình ảnh khác biệt. Cùng là một dáng thế, nhưng mỗi tác phẩm lại có lối thể hiện riêng, biểu đạt trọn vẹn thần thái của sự từ bi, ấm áp, giải thoát nghiệp xấu của chúng sinh trong vòng luân hồi.

Một Thangka tiêu biểu khác là Bồ tát Quan Âm tứ thủ, biểu đạt một vị Bồ tát có hiện thân màu trắng, đại diện cho sự tự do, tinh khiết, không bị che mờ, và bốn cánh tay tượng trưng cho tứ đức với:

Tình yêu, niềm vui, từ bi và sự bình tĩnh. Hiện thân của Quan Âm tứ thủ trong Thangka với ánh mắt mở, hướng về chúng sinh, đôi tay chắp trước ngực trì giữ bảo châu như ý với mong nguyện năng lực đem lại viên mãn tâm nguyện cho chúng sinh. Tay phải giữ tràng pha lê tượng trưng cho lòng thanh tịnh, tay trái cầm đóa sen tượng trưng cho tình yêu thương không tì vết, không bị ích kỷ tầm thường cuộc đời làm hoen ố lòng từ bi.

Giá trị của mỗi bức Thangka dựa vào chất liệu và thời gian thực hiện, trung bình từ 3 – 30 triệu đồng.

Vẻ đẹp của Thangka cùng kỹ thuật truyền đời không thay đổi, nhưng tùy tâm tính và thời gian tu học của từng nghệ sĩ, mỗi tác phẩm Thangka ra đời, tuy giống nhau về nội dung, nhưng chi tiết, màu sắc, đường nét sẽ biểu đạt sự khác biệt về độ tinh anh, thâm thúy trong từng biểu trưng và tinh thần của tác phẩm.

Bởi thế, Thangka không chỉ là một bức vẽ thuần túy mang đề tài tôn giáo, đó còn là một bộ môn nghệ thuật đặc biệt, để khi nhìn vào đó người ta không chỉ cảm ngay được vẻ đẹp của màu sắc, của kỳ công trong nét vẽ, bố cục, mà còn thấy ở đó sự hài hòa, an nhiên trước cuộc sống thực tại.

Quan Âm tứ thủ với hiện thân màu trắng trong Thangka.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/kham-pha-ve-dep-than-bi-cua-thangka-163471.html