Khám phá vẻ đẹp của Đại Nội Huế

Đại Nội Huế không chỉ là cơ quan trọng yếu của Việt Nam trong thời phong kiến nhà Nguyễn mà ngày nay, khu vực này còn là một điểm tham quan nổi tiếng của xứ Huế.

Ðại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, ngày nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, thành phố Huế. Sau khi hòa bình lập lại, Đại Nội đã được mở cửa cho công chúng và trở thành một điểm sáng bậc nhất, hấp dấn hàng triệu khách du lịch trong ngoài nước.

Ðại Nội với kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hào độc đáo đã được khởi công xây dựng vào khoảng hơn hai thế kỷ trước. Hoàng gia nhà Nguyễn bắt đầu bởi vua Gia Long qua 13 đời vua đã sinh hoạt tại Ðại Nội liên tục cho đến khi triều đại kết thúc sau tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại trong cuộc Cách mạng tháng 08 năm 1945.

Hoàng Thành được chính thức xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất.

Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt. Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên là Kim Thủy.

Mặt bằng Ðại Nội xây dựng theo hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 600m, trên một diện tích rộng tới 37,5ha. Tường thành xây bằng gạch to, cao 4m, dày 1m, ngoài thành là hào vây quanh với 10 chiếc cầu đá bắc qua để ra vào. Trong Ðại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau.

Cổng chính ra vào Ðại Nội là Ngọ Môn, nhìn về hướng Nam kinh thành, trước mặt có Cột Cờ và xa nữa là sông Hương. Chính giữa là Ngọ Môn, dành cho vua. Tiếp theo là Giáp Môn, dành cho quan lại. Hai cửa quanh là Dịch Môn, dành cho voi, ngựa và binh lính.

Khu vực miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm: bên trái có các miếu thờ Nguyễn Kim (Triệu Tổ Miếu), miếu thờ các vị chúa Nguyễn (Thái Tổ Miếu); bên phải có các miếu thờ cha vua Gia Long là Nguyễn Phúc Luân (Hưng Tổ Miếu) và miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn (Thế Tổ Miếu).

Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu), ngoài ra còn có điện Phụng Tiên thờ các vua Nguyễn, dành cho phái nữ đến lễ vì họ không được phép vào Thế Miếu.

Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn… (phía sau, bên trái).

Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)

Khu vực quan trọng và rộng lớn nhất bên trong Ðại Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m, vòng tường chung quanh cao 3,50m. Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung) …

Tuy có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” (hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” – kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời.

Điều đáng nói ở đây là sự phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, trên dưới theo địa vị, thứ bậc rõ ràng, áp dụng cho mọi đối tượng cho dù đó là thành viên trong hoàng tộc, là mẹ vua hay hoàng tử, công chúa. Nam có lối đi riêng, nữ có lối đi riêng, quan văn một bên, quan võ một bên. Tất cả nhất nhất đều chiếu theo quy định mà thực hiện, thể hiện rõ nét ý thức tập trung quân chủ, mọi quyền lực về tay nhà vua, đặc biệt là dưới triều vua Minh Mạng.

Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu. Nhưng với tư cách là tài sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người trong suốt một thời gian dài, khu di tích Đại Nội đang dần được trả lại dáng xưa cùng các di tích khác nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Được sự đầu tư của nhà nước và sự giúp đỡ của bè bạn gần xa trong cộng đồng quốc tế thông qua các cuộc vận động nhằm cứu vãn, bảo tồn và phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của di sản văn hóa Huế, nhiều di tích ở hoàng cung Huế đã từng bước được phục hồi, trở lại nguyên trạng cùng nhiều công trình khác đang được bảo quản, sửa chữa, góp phần gìn giữ khu di tích lịch sử thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Đại Nội Huế là biểu hiện sự kết tinh về thẩm mỹ nghệ thuật và sự giao cảm giữa thiên nhiên, môi trường và con người. Bước ra ngoài không gian cổ kính của Đại Nội, xứ Huế vẫn sẽ làm say lòng du khách với khung cảnh mộng mơ, êm đềm mà chỉ nơi đây mới có. Những danh lam thắng cảnh ở đây sẽ khiến du khách mê đắm và nhớ mãi về mảnh đất cố đô.

Một số hình ảnh bên trong Đại nội Huế:

Hải An tổng hợp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/kham-pha-ve-dep-cua-dai-noi-hue-518588.htm