Khám phá vận tải cơ Ukraine vừa bị Su-30 Ấn Độ truy đuổi

Vận tải cơ An-12 của Ukraine xâm phạm khu vực cấm và không hồi đáp tín hiệu liên lạc, khiến không quân Ấn Độ phải điều tiêm kích Su-30MKI lên truy đuổi.

 Không quân Ấn Độ hôm 10-5 triển khai biên đội tiêm kích Su-30MKI truy đuổi vận tải cơ An-12 thuộc hãng hàng không Motor Sich của Ukraine. Phi cơ Ukraine bị chệch khỏi lộ trình và bay vào không phận cấm gần một căn cứ không quân chủ chốt tại bang Gujarat, phía tây Ấn Độ.

Không quân Ấn Độ hôm 10-5 triển khai biên đội tiêm kích Su-30MKI truy đuổi vận tải cơ An-12 thuộc hãng hàng không Motor Sich của Ukraine. Phi cơ Ukraine bị chệch khỏi lộ trình và bay vào không phận cấm gần một căn cứ không quân chủ chốt tại bang Gujarat, phía tây Ấn Độ.

"Vận tải cơ không tuân theo đường bay được cấp phép và không hồi đáp tín hiệu liên lạc từ cơ quan không lưu Ấn Độ. Không phận tại khu vực này đang bị đóng cửa, chiếc máy bay cũng xâm nhập từ vị trí không báo trước. Các tiêm kích trực chiến đã cất cánh khẩn cấp và tiếp cận mục tiêu để điều tra", không quân Ấn Độ cho hay.

Biên đội Su-30MKI phát hiện chiếc An-12 ở độ cao 8.200 m, tổ bay không hồi đáp trên tần số liên lạc khẩn cấp theo thông lệ quốc tế.

"Họ chỉ phản ứng khi thấy tiêm kích Ấn Độ tiếp cận và cho biết đó là chuyến bay không theo lịch trình, xuất phát từ thủ đô Tbilisi của Gruzia tới vùng Delhi", đại diện không quân Ấn Độ nói thêm.

Các chiến đấu cơ Su-30MKI bám sát máy bay Ukraine, buộc nó hạ cánh xuống một căn cứ quân sự tại thành phố Jaipur.

Tổ lái bị thẩm vấn trong vài giờ, sau đó được trả tự do để tiếp tục hành trình. Nhà chức trách Ấn Độ cho biết đây là vụ xâm phạm không phận "không nghiêm trọng" và không xử phạt tổ bay An-12.

An-12 là máy bay vận tải quân sự của Liên Xô, được phát triển trong những năm 1950 do phòng thiết kế thực nghiệm 473 (Nhà máy chế tạo máy bay Antonov) dưới sự lãnh đạo của Valentina Gelprina.

Sau khi được đưa vào trang bị từ năm 1959, An-12 nhanh chóng trở thành một trong những dòng máy bay vận tải quân sự chủ lực của Quân đội Liên Xô khi có hơn 1.200 chiếc An-12 được chế tạo với hàng loạt biến thể khác nhau.

An-12 cùng C-130 trở thành hai biểu tượng máy bay vận tải quân sự nổi tiếng của thế giới trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Một trong những vai trò nổi bật của An-12 trong Quân đội Liên Xô là khi nó được trang bị cho các đơn vị đổ bộ đường không của nước này, với khả năng mang theo 22 tấn hàng hóa hoặc 60 lính dù hoặc 2 xe bọc thép đổ bộ đường không BMD-1.

Máy bay vận tải quân sự An-12 và các biến thể dân sự của nó khá phổ biến tại các quốc gia Đông Âu, Châu Phi và một số nước Châu Á với số lượng lên tới hàng trăm chiếc.

Về thiết kế cơ bản, An-12 có chiều dài: 33,1 m; chiều cao: 10,5 m; sải cánh: 38 m; trọng lượng rỗng: 28 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa 61 tấn.

Máy bay được trang bị bốn động cơ cánh quạt Ivchenko AI-20L hoặc AI-20M có công suất 3.000kW mỗi chiếc cho phép bay tối đa 777km/h, tốc độ trung bình 670 km/h, tầm bay thực tế từ 5.700 kmvà có phạm vi hoạt động hiệu quả khi đầy tải là 3.600km.

An-12 có thể vận chuyển 90 binh lính hoặc 60 lính dù. Vũ khí được trang bị dùng cho phòng thủ là hai khẩu súng cỡ nòng 23 mm (cơ số đạn - 700 viên đạn), bom các cỡ.

Phi hành đoàn của An-12 gồm 5 người với 2 phi công, một kỹ sư hành không, một hoa tiêu và một sỹ quan liên lạc vô tuyến.

Ngoài việc được sử dụng cho mục đích quân sự, An-12 còn được phát triển thành các biến thể dân sự như vận chuyển hàng hóa, tìm kiếm cứu nạn và chở khách thương mại.

Tính cho tới thời điểm hiện tại, Quân đội Nga đã gần như ngưng hoạt động hoàn toàn các phi đội An-12 trong biên chế và thay thế chúng bằng các dòng máy bay vận tải quân sự khác hiện đại hơn. Trong khi đó Ukraine vẫn đang trang bị chúng.

Trung Quốc cũng đang biên chế số lượng lớn máy bay Y-8 (biến thể sao chép từ An-12). Chúng vẫn đang đóng vai trò xương sống trong lực lượng không quân nước này.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-kham-pha-van-tai-co-ukraine-vua-bi-su30-an-do-truy-duoi/810441.antd