Khám phá văn hóa đặc sắc thế giới qua những phong tục đón năm mới

Năm mới luôn là một dịp nghỉ lễ quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Không chỉ có pháo hoa và những bữa tiệc, nhiều quốc gia còn có những phong tục đón năm mới vô cùng độc đáo và đặc sắc thể hiện đậm nét văn hóa dân tộc của quốc gia mình.

 Trên khắp thế giới, sau những thời khắc cuối cùng của năm cũ, màn pháo hoa rực rỡ luôn là dấu hiệu để mở đầu một năm mới đầy an lành, hạnh phúc và hân hoan.

Trên khắp thế giới, sau những thời khắc cuối cùng của năm cũ, màn pháo hoa rực rỡ luôn là dấu hiệu để mở đầu một năm mới đầy an lành, hạnh phúc và hân hoan.

Ở Anh, mọi người thường cùng nhau tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus để nghe tiếng chuông của Tháp đồng hồ Big Ben (thủ đô Luân Đôn). Họ sẽ nắm tay hát bài Auld Lang Syne để mừng năm mới.

Phong tục xông nhà ở Anh vô cùng quan trọng. Theo truyền thống, vào khoảng nửa đêm, người Anh sẽ mở cửa sau và mời người đàn ông tóc đen đầu tiên nhìn thấy vào nhà của mình.

Để mang lại may mắn cho gia chủ, người xông nhà sẽ mang theo một ít than, tiền, bánh mì và muối bởi đó là biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng.

Buổi sáng năm mới, trẻ em ở Anh sẽ dậy sớm và hát những bài hát chúc mừng năm mới, chúng sẽ đến các nhà hàng xóm và nhận tiền lì xì cùng với bánh nướng nhân thịt băm táo.

Các cô gái ở Anh còn có một truyền thống vô cùng thú vị, họ thả lòng trắng trứng gà vào nước và đợi chữ cái đầu tiên của vị hôn phu tương lai được hình thành.

Ở Đức, từ năm 1963, vào mỗi đêm giao thừa, truyền hình Đức sẽ phát một bộ phim hài của Anh mang tên Dinner for One. Đây là bộ phim được chiếu lại nhiều nhất hàng năm.

Một cách để đoán vận may trong năm mới của người Đức là cho một ít chì hoặc thiếc tan chảy trong một thìa giữ trên một ngọn lửa nhỏ, và sau đó thả nhanh vào nước lạnh. Những hình dạng kỳ lạ hình thành được cho là sẽ tiết lộ tương lai.

Người Đức sử dụng một con lắc và đặt câu hỏi, vòng lắc xoay theo chiều kim đồng hồ có nghĩa câu trả lời là có, ngược lại thì câu trả lời là không. Đây là một việc là rất thú vị để biết những gì xảy ra trong năm tới.

Fondue là một món ăn truyền thống của Đức vào năm mới. Pho-mát được đun nóng và nhúng thịt và rau vào đó.

Mọi người sẽ thưởng thức món này vào mỗi đêm trước Giao thừa.

Tại Mexico, khi bắt đầu đếm ngược đến giao thừa, người ta sẽ ăn 12 trái nho đại diện cho 12 tháng của năm kế tiếp.

Nho ngọt có nghĩa là tháng tốt trong năm tới, nếu trái nho chua nghĩa là tháng không may mắn.

Đậu lăng cũng là một biểu tượng của sự thịnh vượng. Món đậu lăng luôn có mặt trong các bữa tối Giao thừa của người Mexico. Ăn một thìa đậu lăng nấu chín sẽ đem lại may mắn cho mọi thành viên trong gia đình.

Người phụ nữ Mexico cầu nguyện những điều trong năm mới bằng cách mặc đồ lót theo màu. Đồ lót màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc và thịnh vượng, đồ lót màu vàng cho sức khỏe và hạnh phúc, đồ lót xanh cho tình yêu đích thực và tình bạn, đồ lót màu hồng vì hy vọng và đồ lót trắng cho hòa bình.

Một trong những truyền thống khác của người Mexico là đốt cây nến trắng rồi để thức ăn bao gồm đậu lăng, đậu, gạo, bắp, bột và que quế để gia vị những thứ xung quanh.

Sáng hôm sau họ sẽ chôn hỗn hợp đó để cầu mong sự đủ đầy trong năm mới.

Người Mexico tin rằng nước bắn tung tóe lên đồ vật họ hay sử dụng thì vào năm mới sẽ trở nên tốt hơn. Vì vậy, họ thường làm cho chiếc xe hơi dính đầy nước trước khi sang năm mới với ước vọng may mắn và thành công sẽ tới với họ.

Tại đất nước Colombia vào dịp năm mới, người ta tin rằng họ sẽ tìm thấy may mắn bằng cách vào 12 giờ đêm kéo vali và chạy nhanh nhất có thể xung quanh khu phố. Nếu không thể chạy, người dân cũng có thể đứng ở cửa nhà và ngắm những người khác chạy cũng khá thú vị.

Nếu muốn có nhiều tiền trong năm mới, người Colombia sẽ mua những chiếc quần lót màu vàng và mặc chúng trước 12 giờ. Màu vàng được coi là màu tượng trưng cho kim - tiền.

Người Colombia thường đốt những con búp bê làm bằng rơm và vải cũ với mong muốn xóa bỏ hết những điều không may trong năm trước và bắt đầu với những điều thú vị trong năm mới.

Một bó lúa mì đặt trên bàn sẽ mang lại sự đầy đủ và no ấm cho năm mới của người Colombia. Ngoài ra, để thêm may mắn, ngoài cách ăn đậu lăng với gạo, họ sẽ để đậu lăng trong túi và giữ chúng cho đến giao thừa.

Ở Brazil, bãi biển thường là nơi lý tưởng để chào đón năm mới với nghi lễ Lemanja. Lemanja (hoặc Yemanja) là một nữ thần mẹ của đại dương trong huyền thoại của Brazil.

Vào đêm giao thừa, người dân địa phương mặc áo trắng và ném hoa trắng về phía biển cho nữ thần với hy vọng rằng cô sẽ cho họ may mắn và hạnh phúc.

Một số người đặt những món quà lên thuyền nhỏ và đẩy ra biển. Nếu món quà bị trả lại, có nghĩa là mong ước không được chấp nhận. Tuy nhiên, vẫn có thể thử lại vào lần sau.

Số 7 là con số may mắn trong truyền thống của Brazil. Một trong số nhiều nghi thức dựa trên số may mắn này là: ăn 7 quả nho cho sự giàu có - hoặc nhai bảy hạt lựu để đảm bảo rằng ví của bạn sẽ được đầy đủ tiền trong năm tới. Hoặc nhảy qua bảy ngọn sóng, mỗi lần nhảy bạn sẽ có một điều ước.

Theo truyền thống của Brazil, ăn thịt gia cầm và cua là một điều không may mắn, vì thế họ sẽ thay thế bằng các loại thực phẩm như gạo, nho, đậu lăng,... kèm thêm vài ly cocktail may mắn để có thể vui vẻ suốt cả năm.

Ở Nhật Bản, thời khắc Giao thừa thay vì tiếng pháo hoa thì tiếng chuông chùa sẽ gióng lên 108 hồi chuông. Đây là con số ý nghĩa để thanh lọc những ham muốn đau khổ của năm cũ và bắt đầu cho năm mới tươi sáng hơn.

Một điều quan trọng trong văn hóa Nhật Bản là tia nắng đầu tiên của năm. Vào ngày 1 tháng 1, nhiều người đi khá xa để lên núi hoặc đến các địa điểm có thể đón được ánh mặt trời năm mới. Một số cũng sẽ tận dụng sự khởi đầu này để đưa ra các quyết định quan trọng cả năm.

Năm mới là kỳ nghỉ quan trọng nhất tại Nhật Bản. Vào đêm Giao thừa, món toshikoshi soba (kiều mạch) được phục vụ, đây là món ăn tượng trưng cho tuổi thọ. Người Nhật rất chú trọng về sức khỏe. Bên cạnh đó còn có các loại bánh mochi truyền thống.

Đến Philippines, màn chào đón năm mới sẽ rộn ràng với tiếng pháo hoa và các âm thanh lớn như kèn, nhạc, tiếng còi xe. Người Philippines cho rằng điều đó sẽ xua đuổi ác quỷ trong đêm Giao thừa.

Gia đình Philippines giữ cửa sổ và cửa ra vào của họ mở rộng trong đêm giao thừa, cùng với tất cả đèn được bật sáng. Họ tin rằng bằng cách làm như vậy, năng lượng xấu sẽ bay đi, năng lượng tốt và may mắn sẽ đến và chảy trong nhà.

Hình tròn là tượng trưng may mắn của người Philippines, các loại trái cây hình tròn và quần áo chấm bi luôn có mặt trong truyền thống năm mới ở Philippines. Thường có 12 loại trái cây hình dạng tròn để mang lại may mắn cho 12 tháng trong năm.

Truyền thống đón năm mới ở mỗi quốc gia luôn là nét đặc trưng văn hóa từ đời này qua đời khác. Không chỉ là dịp đoàn tụ gia đình, chia sẻ với nhau về những điều đã qua và mong ước cho năm tới, tín ngưỡng và phong tục luôn là cái nôi tinh thần để mọi người có niềm vui và sự tin tưởng vào khởi đầu mới tốt đẹp hơn cho một năm trọn vẹn.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/kham-pha-van-hoa-dac-sac-the-gioi-qua-nhung-phong-tuc-don-nam-moi/753258.antd