Khám phá thư viện không cửa sổ Beinecke

Mặc dù sự phát triển của công nghệ thông tin kéo theo nhiều loại sách điện tử và cả thư viện điện tử ra đời, nhưng thư viện truyền thống vẫn luôn giữ vai trò quan trọng đối với sự tiến bộ của nhân loại.

Nói về sự quan trọng, không thể không kể đến thư viện được dành riêng cho việc lưu trữ và bảo quản tài liệu, sách hiếm, nơi lưu giữ hàng triệu cuốn sách cổ và quý hiếm nhất thế giới hiện nay: Thư viện Bản thảo viết tay và Sách Quý hiếm Beinecke ở Mỹ.

Thư viện Bản thảo viết tay và Sách Quý hiếm Beinecke còn được gọi là "Hộp đá quý" hay "Phòng thí nghiệm nhân loại" vì tính chất đặc biệt của nó. Được xây dựng năm 1963 trên địa bàn vùng New Haven, Connecticut, thuộc Đại học Yale, Thư viện Beinecke được ông Gordon Bunshaft - kiến trúc sư hàng đầu về phong cách thiết kế hiện đại thế kỷ 20 - thiết kế. Nó gồm có tòa nhà trung tâm cao 6 tầng hình hộp chữ nhật vuông vức nổi lên trên mặt đất dựa vào 4 chân trụ cùng các tầng hầm.

Khác với các thư viện thông thường, toàn bộ tài liệu ở đây đều vô cùng quý hiếm, không được lưu hành ra bên ngoài, sinh viên, giảng viên và cả các nhà nghiên cứu chỉ có thể mượn sách và đọc ngay tại phòng đọc bên trong thư viện sau khi đã đăng ký chứ không được mượn về để tránh việc thất lạc, hư hỏng sách. Đây cũng là lý do công trình kiến trúc này được thiết kế kín khí nhằm giúp làm chậm quá trình lão hóa của sách.

Do đó, để tạo ánh sáng cho không gian bên trong mà không cần phải trổ cửa sổ, kiến trúc sư Gordon đã sử dụng những tấm panel cẩm thạch tông màu xám trắng dày 3,5cm làm tường với khả năng lọc ánh sáng tự nhiên, chỉ để cho các ánh sáng mờ đục từ bên ngoài lọt vào nhằm đảm bảo không gây tổn hại đến chất lượng sách được trưng bày.

Nhiệt độ và độ ẩm trong phòng luôn được duy trì ở mức ổn định để có thể bảo quản sách qua các thế hệ nối tiếp. Vào ban đêm, những tấm panel tương tự cho phép ánh sáng từ bên trong lọt ra ngoài, biến bộ mặt của tòa nhà được nhuộm một màu hổ phách rực rỡ.

Kích thước bên ngoài của tòa nhà cũng thật đặc biệt 3-2-1 tương ứng với chiều dài - chiều rộng và chiều cao, đúng là một tỉ lệ toán học hoàn hảo.Phần bên trong tòa nhà, nội thất được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh người Mỹ Florence Knoll.

Ở phòng trưng bày, khách tham quan có thể nhìn thấy những viên đá chạm quý giá nhất của thư viện, và cả một bản sao còn lại của Kinh thánh Gutenberg.

Quyển sách này đã bắt đầu cho cuộc Cách mạng Gutenberg ở châu Âu, đánh dấu bình minh của kỷ nguyên sách in trong thế giới phương Tây.Hay Bản thảo Voynich - cuốn sách bí ẩn nhất thế giới, thách thức giới khoa học đi tìm lời giải suốt nhiều năm qua.

Cuốn sách này được cho là có vào khoảng năm 1404 - 1438 có nguồn gốc ở Trung Âu, gồm 240 trang và được viết trên giấy da dê bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu. Bên trong là những trang sách với những hình vẽ gồm cả thực vật và thiên văn học.

Một tầng trong tòa nhà giờ đây là một khu vườn chứa đầy các bức điêu khắc của Isamu Noguchi.Ở đó, Kim tự tháp tượng trưng cho thời gian, Mặt trời là cái đĩa, và Khối lập phương tượng trưng cho sự đổi thay.

Không chỉ to lớn và rộng rãi, Thư viện Beinecke còn chứa cả một kho sách đồ sộ và hùng vĩ đến độ phải mất nhiều cuộc đời cộng lại mới có thể đọc hết được số sách chứa trong đây, hoặc chỉ cần lấy được hết số sách đó ra khỏi giá có khi cũng mất đủ một đời người rồi...

Nói như thế bạn có hình dung ra được trong thư viện có khoảng bao nhiêu đầu sách không? Hết thảy là hơn 1 triệu đầu sách, 180.000 đầu sách ở tòa nhà trung tâm cao 6 tầng và khoảng 1 triệu đầu sách ở tầng hầm cùng nhiều triệu ký bản nữa.

Nhưng làm sao mà thư viện có được nhiều sách quý như thế? Đó là sự đóng góp vô giá của Giáo sư tiếng Anh của Yale là Chauncey Brewster Tinker, Edwin và Frederick Beinecke và Johanna Weigle - những người đặt nền móng cho tòa thư viện độc đáo mà chúng ta được thấy ngày nay cùng nhiều cựu sinh viên Yale khác từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Cho đến cuối những năm 1960, bộ sưu tầm này đã tên tới 130.000 cuốn và thậm chí còn nhiều ký bản hơn nữa. Đó là các bộ sưu tầm quý giá của văn học Mỹ và Đức, những cuốn sách được ấn hành ở Mỹ La-tinh năm 1751, Bắc Mỹ năm 1821, cùng với những bản sách giấy cói cổ xưa hay những ký bản Trung cổ, những ký bản chép tay của các tác giả cận đại và hiện đại...

Việt Hồng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-di-thuong/kham-pha-thu-vien-khong-cua-so-beinecke-558136/