Khám phá sức mạnh 'chim ưng' KF-X - chiến đấu cơ đầu tiên của Hàn Quốc

Trong một nỗ lực đầy tham vọng để gia nhập đội ngũ các quốc gia chế tạo máy bay chiến đấu đa năng thế hệ tiếp theo, ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đang thực hiện kế hoạch phát triển chiến đấu cơ đầu tiên được sản xuất trong nước, đủ sức đối đầu J-20 của Trung Quốc hay Su-57 của Nga.

Thân máy bay nguyên mẫu KF-X đang được lắp ráp. (Nguồn: Janes)

KF-X của Hàn Quốc (Korean Fighter eXperimental - KF-X) phôi thai từ năm 2001, được công bố vào năm 2010 dưới dạng liên doanh giữa Hàn Quốc và Indonesia thông qua thỏa thuận liên chính phủ đã ký trước đó, với tổng dự toán gần 7,67 tỷ USD.

Tìm kiếm một biến thể chiến đấu cơ hiện đại

Hàn Quốc vừa là cổ đông chính với 80% cổ phần đầu tư, vừa chịu trách nhiệm phát triển và sản xuất máy bay KF-X/IF-X. Dự án cũng được gọi là "Boramae", trong tiếng Hàn nghĩa là chim ưng - biểu tượng của Học viện Không quân Hàn Quốc. Các thông tin ban đầu rất thưa thớt, một số người trong ngành suy đoán, Hàn Quốc đang tìm cách sản xuất một biến thể F-35 hiệu quả về chi phí. Các báo cáo sau đó đã đưa ra đánh giá hợp lý hơn rằng Hàn Quốc đang tìm kiếm một biến thể F-16C/D được hiện đại hóa để loại biên phi đội máy bay chiến đấu F-4 Phantom II, F-5 và F-16 cũ của Không quân nước này.

Nhiều thông tin cụ thể và chi tiết đã xuất hiện với tiết lộ bất ngờ về một mẫu KF-X có kích thước đầy đủ tại Seoul ADEX 2019, sau đó là một video quảng cáo từ Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc. KF-X không phải là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, mà là thế hệ thứ 4,5. Lúc đầu, Hàn Quốc mong muốn phát triển KF-X là máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi, 2 động cơ và được ứng dụng công nghệ tàng hình, nhưng cuối năm 2013, bất ngờ công bố thay đổi với 1 chỗ ngồi (và 2 chỗ ngồi), 1 động cơ.

Máy bay chiến đấu này sẽ dùng động cơ General Electric F414, được chế tạo và lắp ghép bởi nhà thầu Hàn Quốc Hanwha Techwin. KF-X sẽ có tốc độ tối đa lên tới 1,8 Mach (2.200 km/h), cùng với tải trọng 7.700kg. Việc hiện thực hóa KF-X, theo yêu cầu của Không quân Hàn Quốc, dự kiến sẽ hoàn thiện với mỗi 'Block', theo chương trình phát triển dự kiến sản xuất 6 nguyên mẫu Block 0, sau 4 năm thử nghiệm và hoàn thành việc phát triển vào giữa năm 2026.

Máy bay KF-X được sản xuất hàng loạt đầu tiên, sẽ là một phần của Block 1, dự kiến từ năm 2026 đến 2028. KF-X Block 1 sẽ có diện tích phản xạ radar (RCS) tương đương với các tiêm kích thế hệ 4 và 4+ hiện nay đó là F/A-18E/F, Rafale hay Eurofighter Typhoon. Chúng sẽ được trang bị vũ khí không đối đất hạn chế, ngoài vũ khí không đối không. Các phiên bản sau sẽ có khoang vũ khí bên trong, được thiết kế để lưu trữ tên lửa không đối đất tầm xa hiện đang được phát triển bởi công ty quốc phòng LIG Nex1 của Hàn Quốc.

KF-X Block 2 được sản xuất hàng loạt từ năm 2029, sẽ có khoang vũ khí trong thân và RCS giảm xuống tương đương tiêm kích tàng hình đời đầu như F-117, sẽ có khả năng thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chiến đấu không đối không và không đối đất. KF-X Block 3 sẽ có diện tích phản xạ radar sánh ngang F-22, F-35 và B-2 - những máy bay tàng hình tối tân nhất hiện tại.

Ngày 6/7/2010, Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc nói rằng, Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) của nước này, hợp tác với Hanwha Systems, dự kiến sẽ hoàn thành phát triển radar mảng quét điện tử cho KF-X vào giữa tháng 8.

Ảnh đồ họa tiêm kích đa năng KF-X. (Nguồn: Military Factory)

Ván bài mang tên KF-X

Phần lớn tài liệu của Chính phủ Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý đến radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) KF-X, được sản xuất trong nước, một tính năng chính đối với các máy bay chiến đấu hiện đại hàng đầu. Mặc dù không thực sự là một sự đổi mới đáng kinh ngạc vào năm 2020, các hệ thống AESA vượt trội hoàn toàn so với các radar quét cơ học của dòng F-16 Fighting Falcon hiện tại của Không quân Hàn Quốc.

Việc sản xuất hàng loạt và tích hợp radar AESA chắc chắn là một kỳ tích ấn tượng trong bối cảnh ngành công nghiệp chế tạo máy bay quân sự non trẻ của Hàn Quốc, vốn thiếu các nền kinh tế công nghiệp quân sự quy mô lớn qua nhiều thập kỷ của các đối tác như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ngay cả đối với các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, nghiên cứu, phát triển và sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu tiên tiến là một quá trình nổi tiếng phức tạp và tốn kém mà không bao giờ hoàn thành theo kế hoạch.

Hàn Quốc đã tìm cách bù đắp chi phí tốn kém của dự án KF-X với 20% cổ phần đầu tư từ Indonesia, mặc dù cam kết của Jakarta đối với dự án KF-X đã bị nghi ngờ; Indonesia được cho là đang tìm cách đàm phán lại một phần gánh nặng đầu tư. Thổ Nhĩ Kỳ là một khách hàng quốc phòng lớn của Hàn Quốc và các cuộc thảo luận liên quan đến KF-X đã diễn ra, nhưng Ankara muốn kiểm soát dự án nhiều hơn 20% và đã không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Hàn Quốc (KAI) vừa cho biết, họ có kế hoạch trình làng nguyên mẫu đầu tiên của máy bay chiến đấu KF-X vào tháng 4 năm tới. Trong phiên bản mới nhất của tạp chí Fly Together hàng tháng, công ty đã tiết lộ một hình ảnh cho thấy thân máy bay của nguyên mẫu được lắp ráp tại các cơ sở của KAI ở Sacheon và theo Janes, nguyên mẫu dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2022. Với việc sản xuất hàng loạt dự kiến vào 2026 và có tới 120 máy bay chiến đấu sẽ được giao vào năm 2032, Hàn Quốc đang đặt cược lớn vào thành công của chương trình KF-X - cả về kỹ thuật và tài chính.

KF-X đại diện cho một mục tiêu nhiều tham vọng hơn đối với Seoul là chỉ "cải tạo" phi đội F-16 cũ kỹ của mình. Khi lựa chọn sản xuất một máy bay chiến đấu trong nước mà gần như chắc chắn có thể nhập khẩu với giá rẻ hơn, ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc hy vọng và tin tưởng, chương trình KF-X sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một doanh nghiệp máy bay chiến đấu có lợi nhuận để cơ hội trở thành nhà xuất khẩu phần cứng quân sự hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á thêm rộng mở.

(theo Janes và National Interest)

Hương Giang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kham-pha-suc-manh-chim-ung-kf-x-chien-dau-co-dau-tien-cua-han-quoc-118940.html