Khám phá sức mạnh bộ đôi chiến hạm Nhật Bản vừa tới thăm Việt Nam

Sáng 6/3, bộ đôi tàu huấn luyện JS Setoyuki (3518) và JS Shimayuki (3513) thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển (hải quân) Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

 Được biết bộ đôi tàu huấn luyện chiến đấu của Hải quân Nhật Bản thuộc lớp Shimayuki, trong khi đó lớp tàu này lại chính là phiên bản hoán cải từ khu trục hạm lớp Hatsuyuki.

Được biết bộ đôi tàu huấn luyện chiến đấu của Hải quân Nhật Bản thuộc lớp Shimayuki, trong khi đó lớp tàu này lại chính là phiên bản hoán cải từ khu trục hạm lớp Hatsuyuki.

Vào ngày 18/3/1999, Hải quân Nhật Bản đã hoán cải khu trục hạm Hatsuyuki đầu tiên cho mục đích mới là tàu huấn luyện, tuy nhiên mọi thông số kỹ chiến thuật vẫn gần như không thay đổi, hoàn toàn tương đồng với nguyên bản.

Hatsuyuki (và lớp tàu huấn luyện Shimayuki) thuộc thế hệ khu trục hạm thứ ba của Hải quân Nhật Bản với vai trò chính là chống ngầm giống như người tiền nhiệm của nó - tàu khu trục lớp Yamagumo.

Có tất cả 12 tàu lớp Hatsuyuki đã được đóng trong giai đoạn từ 1979 - 1986, mặc dù gọi là khu trục (destroyer) nhưng kích thước cũng như chức năng của Hatsuyuki chỉ được thế giới xếp vào hạng khinh hạm (frigate).

Hatsuyuki là lớp tàu chiến đầu tiên của Nhật được trang bị tên lửa phòng không tầm trung AIM-7 Sea Sparrow và tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon.

Đồng thời đây cũng là lớp tàu khu trục đa dụng đầu tiên của Nhật được giới thiệu với năng lực vận hành trực thăng chống ngầm Sikorsky HSS-2B Sea King.

Thông số kỹ thuật cơ bản của khu trục hạm Hatsuyuki (tàu huấn luyện Shimayuki): Lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.050 tấn, đầy tải 4.000 tấn; chiều dài 130 m; chiều rộng 13,6 m; mớn nước 4,2 - 4,4 m.

Tàu được trang bị 2 động cơ turbine khí Kawasaki-Rolls-Royce Olympus TM3B công suất 45.000 mã lực (34 MW) cùng 2 động cơ turbine khí cỡ nhỏ RR Type Kawasaki RM1C công suất 9.900 mã lực (7,4 MW) cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h); thủy thủ đoàn 220 người.

Vào năm 1982 và 1990, Hải quân Nhật quyết định thí điểm triển khai bổ sung hệ thống CIWS Phalanx và sonar kéo trên 2 tàu Matsuyuki DD-130 và Hatsuyuki DD-122 sau đó nhân rộng cho các tàu khác (bao gồm cả những tàu huấn luyện Shimayuki ngày nay).

Từ chiếc DD-129 Yamayuki trở đi, vật liệu nhôm đã được sử dụng để thay thế thép trong các bộ phận quan trọng của cấu trúc thượng tầng nhằm giảm trọng lượng tổng thể.

Vũ khí trang bị của các khu trục hạm lớp Hatsuyuki sau khi bổ sung và nâng cấp gồm: 1 pháo Otobreda 76 mm, 8 tên lửa hành trình đối hạm RGM-84 Harpoon, 2 hệ thống CIWS Phalanx 20 mm.

Ngoài ra trên tàu còn có 1 bệ phóng Mk 29 tương thích tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow, tên lửa chống ngầm ASROC và 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi cỡ 324 mm HOS-301.

Nhìn chung sức mạnh của các khu trục hạm lớp Hatsuyuki cũng như tàu huấn luyện Shimayuki là rất đáng gờm, nó đảm nhiệm tốt cả vai trò chống hạm, chống ngầm lẫn phòng không.

Ngoài việc hoán cải thành tàu huấn luyện chiến đấu lớp Shimayuki, chính phủ Nhật còn thông qua kế hoạch chuyển đổi 4 tàu khu trục nhỏ lớp Hatsuyuki cho lực lượng tuần duyên.

Trước khi chuyển giao chúng sẽ được tháo bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí (ví dụ như tên lửa Harpoon) và đổi phân lớp thành tàu tuần tra cỡ lớn mang trực thăng (PLH - Patrol Vessel Large With Helicopter).

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-kham-pha-suc-manh-bo-doi-chien-ham-nhat-ban-vua-toi-tham-viet-nam/801674.antd