Khám phá rừng ba kích tự nhiên lớn nhất Quảng Nam

Trong khi tỉnh Quảng Nam đang dành nhiều nguồn lực để mở rộng diện tích dược liệu, trong đó có cây ba kích tím thì mới đây, người dân và lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Đắk Mi đã phát hiện một quần thể ba kích tím tự nhiên mọc trong rừng nguyên sinh thuộc lâm phận H. Phước Sơn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập trạm bảo vệ, canh giữ và lên phương án bảo tồn, nhân rộng nguồn gen loại dược liệu quý này.

Ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra rừng ba kích tím.

Ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra rừng ba kích tím.

Ngành Kiểm lâm cho biết, sở dĩ thời gian qua cơ quan chức năng chưa mạnh dạn công bố quần thể ba kích tím ở Phước Sơn vì sợ các đối tượng, người dân sẽ vào rừng tận diệt, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng chúng tôi cũng được chủ rừng là BQL RPH Đắk Mi chấp thuận đưa vào khám phá rừng ba kích tím mới được phát hiện. Hơn một giờ đi thuyền trên hồ thủy điện Đắk Mi, nhóm phóng viên chúng tôi được lãnh đạo BQL RPH Đắk Mi đưa đến ghi hình rừng ba kích tím tự nhiên. Dưới tán rừng nguyên sinh, cây ba kích tím mọc khắp nơi. Theo cán bộ bảo vệ rừng, hiện nay ba kích tím mọc tự nhiên rất khan hiếm. Do vậy việc phát hiện ra quần thể ba kích có diện tích lớn tại RPH Đắk Mi là một bất ngờ và thú vị. Đây được xem là quần thể ba kích tím tự nhiên lớn nhất ở Quảng Nam được phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Tình- Hạt trưởng, kiêm Giám đốc BQL RPH Đắk Mi cho biết, qua quá trình tuần tra, rà soát thì phát hiện ra quần thể ba kích tím có diện tích lên đến hàng ngàn héc-ta này. Sau khi lấy mẫu đem đi kiểm tra và đánh giá chất lượng tốt, UBND H. Phước Sơn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã giao cho ban BQL, Hạt Kiểm lâm RPH Đăk Mi quản lý, bảo tồn. "Cùng với việc phát hiện quần thể cây sâm ba kích tự nhiên, đơn vị đang xây dựng kế hoạch bảo tồn và nhân giống đại trà để cung cấp cho người dân trồng ở những khu rừng khác trên địa bàn H. Phước Sơn, từ đó phát triển vùng dược liệu kết hợp với việc bảo vệ rừng. Với giá sâm ba kích tím tự nhiên hiện nay khoảng 500 ngàn đồng/1kg, nếu mở rộng diện tích trồng thì 4-5 năm thu hoạch sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con, qua đó góp phần phát triển kinh kế. Đặc biệt, cây sâm ba kích thuộc loại dây leo có thể nhân giống bằng thân, dây bám vào những cây nhỏ nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái rừng. Ngoài ra, sau khi nhân giống thành công, cây sâm ba kích sẽ được trồng trên diện tích 170ha dưới tán rừng trồng thay thế đầu nguồn lòng hồ, kết hợp bảo vệ rừng và phát triển vùng dược liệu", ông Tình thông tin.

Lực lượng chức năng lấy mẫu ba kích tím để kiểm tra.

Ngay khi phát hiện rừng ba kích tự nhiên quý hiếm, ngoài vận động người dân tham gia bảo vệ theo hình thức khoán bảo vệ rừng, BQL RPH Đắk Mi đã xây dựng một trạm bảo vệ rừng kiên cố ở cửa rừng. BQL RPH Đắk Mi cũng đã cắt cử 4 cán bộ Kiểm lâm túc trực 24/24 giờ để giám sát, hạn chế người dân vào khu rừng ba kích tím quý hiếm này.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng vừa có chuyến khảo sát rừng ba kích tự nhiên trên. Qua đó ông Thanh nhận định, ba kích tím mọc tự nhiên rất khan hiếm, đặc biệt với quần thể lớn như thế này thì cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Song song với đó, việc bảo tồn và nhân giống hiệu quả sẽ tạo tiền đề cho phát triển vùng dược liệu của quốc gia, kết hợp công tác bảo vệ rừng với bảo vệ vùng dược liệu sẽ góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho đồng bào miền núi...

Được biết, Quảng Nam hiện có hơn 2.400 ha dược liệu quý. Tỉnh này cũng mới vừa thông qua Đề án bảo tồn và phát triển 9 loại cây dược liệu, trong đó có cây ba kích tím. Theo đó, diện tích dược liệu sẽ mở rộng lên đến gần 40.000 ha. Dược liệu sẽ là cây trồng chủ lực không chỉ xóa đói mà còn là cây làm giàu cho người dân tại 9 huyện nghèo miền núi của Quảng Nam. Việc phát hiện ra quần thể dược liệu ba kích tím nằm trong RPH Đắk Mi mở ra cơ hội mới để người dân sở tại có nguồn thu nhập ổn định dưới tán rừng, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng.

BÃO BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_207113_kham-pha-rung-ba-kich-tu-nhien-lon-nhat-quang-nam.aspx