Khám phá Phong Nha - Kỳ quan đệ nhất động

Với hệ thống thạch nhũ tráng lệ, dòng sông ngầm huyền bí, Phong Nha là danh thắng tiêu biểu nhất của hệ thống hang động thuộc quần thể danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây cũng được xem là 'Kỳ quan đệ nhất động'.

Động Phong Nha thuộc vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, nằm ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách TP Đồng Hới khoảng 45km. Sau khi đến Trung tâm du lịch Phong Nha, du khách có thể xuống bến thuyền sông Son, men theo dòng sông này để đến tham quan động. Được xem là "Kỳ quan đệ nhất động", đây là điểm đầu tiên được đưa vào khai thác phục vụ du khách tại Phong Nha - Kẻ Bàng.

Động Phong Nha thuộc vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, nằm ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách TP Đồng Hới khoảng 45km. Sau khi đến Trung tâm du lịch Phong Nha, du khách có thể xuống bến thuyền sông Son, men theo dòng sông này để đến tham quan động. Được xem là "Kỳ quan đệ nhất động", đây là điểm đầu tiên được đưa vào khai thác phục vụ du khách tại Phong Nha - Kẻ Bàng.

Sông Son rộng chừng 35-40m, nước sông xanh ngắt, trong có thể nhìn thấu đáy. Trên thuyền máy theo dòng sông Son đến động Phong Nha, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống thanh bình của người dân nơi này. Thi thoảng gặp vài thuyền nhỏ đánh cá, vớt rong. Đôi chỗ thấy cảnh lũ trẻ tắm sông,...

Thiên nhiên khéo ban tặng cho hai bên dòng sông Son phong cảnh hữu tình, không khí trong lành hiếm nơi nào có được.

Từ thuyền máy phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể ngắm những ngọn núi trùng điệp, quanh năm xanh tốt.

Mất chừng 45 phút, thuyền máy đưa du khách đến cửa động Phong Nha. Động Phong Nha được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1899, và sau đó nó được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Động có chiều dài 7.729m với rất nhiều nhánh hang phụ lớn nhỏ. Đây là loại hình động nước chảy ngầm trong lòng núi với nhiều thạch nhũ đặc trưng. Năm 1995, động được đưa vào khai thác phục vụ du lịch.

Là động ướt lớn nhất thế giới với hệ thống sông ngầm rộng lớn, hang động này được chia thành ba phần, mỗi phần là ngôi nhà của nhiều loài động vật khác nhau và có sự khác biệt lớn về nhiệt độ.

Cửa động và vài mét đầu tiên bên trong động được gọi là vùng lối vào. Đây là ngôi nhà của tất cả các loài động vật sinh sống dưới ánh mặt trời, khu vực gần mép cửa động.

Vùng trung gian là phần giữa hang khá tối, nơi các khối thạch nhũ được chiếu sáng bởi hệ thống ánh sáng nhân tạo nhằm phục vụ khách tham quan. Không có nhiều động vật sinh sống trong vùng này vì có rất nhiều du khách tham quan mỗi ngày. Nếu có, thì chủ yếu được tìm thấy trong nước như: cua, tôm, lươn, và các loài cá khác nhau.

Bước vào lòng hang là những khối thạch nhũ, măng nhũ hiện ra sừng sững tựa như lạc vào thế giới của người khổng lồ. Các khối thạch nhũ trong hang muôn hình vạn trạng, tạo cho du khách sự choáng ngợp và tò mò.

Khi đi qua hết vùng trung gian là là phần hang tối không hề có sự xuất hiện của ánh sáng, cũng là nơi phát hiện các loài cá mù, nhện mù, dơi, và các loài sinh vật sống trong bóng tối khác.

Là động ướt lớn nhất thế giới với hệ thống sông ngầm rộng lớn. Tuy nhiên, trong động có một vài nơi vừa cao vừa rộng mà nước không thể chảy tràn đến được. Nơi đó du khách tha hồ thả bộ, thoải mái chiêm ngưỡng sự tráng lệ của thạch nhũ mà thiên nhiên tạo ra với tất cả sự kỳ diệu.

Khi thuyền cập bến trong lòng hang cũng là lúc du khách sẽ được đi bộ tham quan, tận mắt chiêm ngưỡng những cột thạch nhũ khổng lồ, sát kề nhau tạo nên một thế giới hoàn toàn khác biệt.

Phong Nha từng được bình chọn là một trong những hang động đẹp nhất thế giới với các tiêu chí: Sông ngầm dài nhất, Hồ nước ngầm đẹp nhất. Cửa hang cao và rộng nhất, Các bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất, Hang khô rộng và đẹp nhất, Hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, Hang động nước dài nhất.

Không chỉ có vẻ đẹp tráng lệ, động Phong Nha đã sớm trở thành một huyền thoại, một biểu tượng mang tính lịch sử của Việt Nam, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến để được chiêm ngưỡng.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kham-pha-phong-nha-ky-quan-de-nhat-dong-20190819191858421.htm