Khám phá nơi hội tụ hào khí 'địa linh, nhân kiệt' tại Hải Dương

Nhắc đến Hải Dương, chắc hẳn du khách gần xa không thể nào quên được vùng đất Chí Linh với phong cảnh sơn thủy, hữu tình. Một vùng cổ tích, khu danh thắng nổi tiếng của miền Đông Bắc gắn liền với những truyền thuyết, những nhân vật nổi tiếng, huyền thoại. Nơi đây còn được coi là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam.

Lễ hội đền Côn Sơn

Lễ hội đền Côn Sơn

Chí Linh nằm ở phía đông bắc tỉnh Hải Dương và cách trung tâm tỉnh 40km. Phía bắc và đông bắc của Chí Linh là vùng đồi núi thuộc cánh cung Đông Triều, ba mặt còn lại được bao bọc bởi sông Kinh Thầy, sông Thái Bình và sông Đông Mai. Mảnh đất Chí Linh xưa kia thuộc huyện Phương Nhân, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, đã từ lâu không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan kỳ thú mà còn bởi vị trí địa lý hiểm yếu về mặt quân sự của nó, gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Duệ, Chu Văn An, Nguyễn Trãi.

Người dân thắp hương ở đền Côn Sơn

Trên mảnh đất ấy còn lưu giữ được một quần thể những di tích, kỳ quan và những công trình xuyên suốt thời gian lịch sử, để lại cho thế hệ chúng ta hôm nay nhiều giá trị vô cùng quý giá. Trong đó, “Chí Linh bát cổ” gồm 8 di tích: Trạng Nguyên cổ đường, Thượng Tể cổ trạch, Tiều Ẩn cổ bích, Huyền Thiện cổ tự, Tinh Phi cổ tháp, Nhạn Loan cổ độ, Phao Sơn cổ thành, Dược Lĩnh cổ viện.

Ngoài ra, nơi đây còn có một hệ thống “đậm đặc” những đền, chùa cùng các di tích danh thắng nổi tiếng như: Côn Sơn – Kiếp Bạc, Đền Cao, Đền Sinh – Đền Hóa, núi Ngũ Nhạc, Phượng Hoàng. Xét về giá trị lịch sử văn hóa cùng bề dầy lịch sử của Hải Dương, ít có mảnh đất nào hội tụ các danh nhân và văn vật lịch sử như mảnh đất này.

Đền Kiếp Bạc

Bởi thế, ngoài các di tích “bát cổ”, Chí Linh còn có những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như Bến Bình Than – nơi các vương hầu tướng lĩnh nhà Trần mở hội nghị bàn kế sách kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ 2. Bên kia là bến Bình Than, bên này sông là bến Nhạn Loan. Trên bờ sông có đền Gốm thờ danh tướng Trần Khánh Dư. Đây cũng là một di tích đã được xếp hạng quốc gia... Tuy vậy, dẫu trải qua nhiều thời đại với những hưng vong, thăng trầm, nhưng mảnh đất này vẫn bừng lên khí phách của các bậc tiền nhân với nhiều truyền thuyết, huyền thoại về những công trình danh lam cổ tự.

Đặc biệt, điển hình nhất là khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc với những công trình đặc biệt quan trọng có tầm cỡ quốc gia. Đó là đền thiêng Vạn Kiếp trên bến sông Lục Đầu nơi đã từng gắn với người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hay chùa Côn Sơn nằm bên dưới chân núi Côn Sơn, nơi vốn nổi danh là ngôi chùa “được trời ban phước lành”. Chùa có lịch sử rất lâu đời, được xây dựng dưới thời vua Lê. Đến đây, du khách sẽ được vãn cảnh chùa với không gian cổ kính, yên bình cùng mùi trầm, mùi nhang thơm ấm áp.

Theo sử sách ghi lại, đây cũng là mảnh đất còn lưu lại âm vang những chiến công lừng lẫy qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh thế kỷ XV.

Vẻ đẹp thanh tịnh, cổ kính của chùa Côn Sơn

Với địa thế rồng chầu hổ phục, long phượng trình tường, sơn thanh thủy tú, từ lâu Côn Sơn đã trở thành một vùng văn hóa lịch sử, nơi di dưỡng tinh thần của bao bậc hiền triết. Các tạo nhân mặc khách và muôn vàn kẻ sĩ của mọi triều đại đều tìm về Côn Sơn như tìm về căn nhà vũ trụ để thực hiện cuộc sống tâm linh trong sự hòa hợp tột cùng của âm - dương, sơn - thủy và trời - đất.

Mang trong mình một vẻ đẹp thanh bình, tĩnh lặng, u tịch và cổ kính, Côn Sơn còn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt do vua Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIV. Và từ lâu đã trở thành một vùng văn hóa lịch sử, nơi di dưỡng tinh thần quốc gia.

Ở đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ. Tất cả đều thấm đẫm bản sắc thuần Việt, để lại nhiều dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, bia đá, tượng thờ… Ngoài những di tích hiện hữu trên mặt đất, Côn Sơn còn lưu giữ nhiều cổ vật trong lòng đất. Với những giá trị đặc sắc cùng cảnh quan thiên nhiên huyền ảo, nơi đây là điểm đến tâm linh lý tưởng cho hàng ngàn du khách trong và ngoài nước.

Bởi vậy, mỗi dịp hành hương về với vùng đất Chí Linh “địa linh nhân kiệt”, du khách không chỉ được tìm về cội nguồn của dân tộc mà còn có thể am hiểu hơn về lích sử nước nhà. Cảnh sắc nơi đây tuy không quá hoa lệ nhưng lại khiến lòng người cảm thấy an yên đến kỳ lạ mỗi khi đặt chân đến. Các du khách thập phương về đây, có thể tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ, tri ân các bậc hiền tài khai quốc công thần, kinh bang tế thế. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Dương Tươi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-lo/kham-pha-noi-hoi-tu-hao-khi-dia-linh-nhan-kiet-tai-hai-duong-476874.html