Khám phá nơi giữ 'bí kíp' làm mặt nạ bồi duy nhất còn lại ở phố cổ Hà Nội

Trên căn gác chưa đầy 15 m2 ở ngôi nhà cổ cuối phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) cùng bà Đặng Hương Lan (60 tuổi) tất bật hơn với những chiếc mặt nạ giấy bồi khi Tết Trung thu tới gần.

Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi từng rất được yêu thích, nhất là trong dịp Trung thu. Đến nay, món đồ chơi truyền thống này đã dần mai một do các loại đồ chơi hiện đại lấn át, chỉ còn rất ít người tìm mua.

Ở khu phố cổ Hà Nội, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa là hộ gia đình duy nhất vẫn còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Để làm một chiếc mặt nạ giấy bồi, trước tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp trước được dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.

“Nghề này phải tỉ mỉ từng công đoạn mới đẹp được, nếu làm ẩu thì mặt nhăn nhó, không còn cái hồn vốn có. Mặt nạ phơi khô thì vẽ nhưng không được vội vàng vì nếu nét vẽ không chuẩn sẽ xấu ngay”, ông Hòa chia sẻ. Giấy báo xé nhỏ sẽ được xếp chồng 5-6 lớp vào khuôn đúc để tạo hình. Khi hình phôi cứng, sắc nét mới đem phơi khô rồi mới vẽ, sơn trang trí cho từng mẫu.

Hàng chục năm gắn bó với nghề, vợ chồng ông Hòa tự tạo dựng cho mình thương hiệu truyền thống, mà khi nhắc đến mặt nạ giấy bồi, ai ai cũng biết đến cơ sở cặp vợ chồng lớn tuổi ở phố Hàng Than.

Theo ông Hòa, mỗi ngày vợ chồng ông chỉ làm được 10-15 chiếc. Sản phẩm làm ra phức tạp, tỉ mỉ là thế song chỉ bán với giá 30.000 đồng/chiếc.

Những ngày lễ tết, Trung thu số lượng hàng bán ra sẽ nhiều hơn, có lúc lên đến 2.000 chiếc nhưng giá bán không tăng. Nhiều người mua mặt nạ vì tò mò đã đến tận nhà để tận mắt nhìn nghệ nhân làm ra từng sản phẩm rồi mua làm kỷ niệm. Với lái buôn quen mối thì đặt số lượng trước cả tháng, đến ngày hẹn thì lấy về mang đi khắp miền Bắc, miền Trung bán lại.

Sau khi tô mầu, mặt nạ được phơi khô dưới nắng tự nhiên.

Bà Lan cho biết, muốn mặt nạ đẹp thì cứ mỗi một lần tô một loại mầu lên là lại phải phơi, chứ ko tô hết mầu lên rồi mới phơi được. Công đoạn này kì công và phức tạp, chỉ cần sai một chút thôi là phải bỏ đi"

"Nhớ về thời hoàng kim, người nghệ nhân có hàng chục năm theo nghề kể ngày trước cứ dịp Trung thu là khắp phố phường Hà Nội chỉ toàn bày bán mặt nạ đủ hình thù. Hàng làm ra lúc ấy nhiều đến đâu cũng không kịp để bán,Trẻ con lúc ấy cũng chỉ mong đến lễ tết là lại ríu rít đòi bố mẹ mua cho bằng được chiếc mặt nạ giấy bồi và cả đèn kéo quân để đi chơi đêm trăng rằm." Bà Lan chia sẻ.

"Cái cảnh tượng ấy giờ hiếm hoi lắm, ít ai còn nhớ đến thứ đồ đã từng là những thứ không thể thiếu trong ngày trăng rằm, thay vào đó là những món đồ chơi hiện đại. Mặt nạ giấy đã dần xa lạ với trẻ em, chúng còn không biết nó là cái gì thì sao hiểu hết ý nghĩa của nó", bà Lan buồn bã nói.

Dù chịu sự cạnh tranh của nhiều loại mặt nạ Trung Quốc nhưng với thương hiệu lâu đời và chất lượng các sản phẩm tốt, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa vẫn chiếm được niềm tin với người tiêu dùng và đứng vững trên thị trường trong nhiều năm qua. Những năm gần đây xu hướng người tiêu dùng lại quay về với những mặt hàng truyền thống.

Bảo Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/kham-pha-noi-giu-bi-kip-lam-mat-na-giay-boi-con-lai-duy-nhat-o-pho-co-ha-noi-362959.html