Khám phá nơi được coi là 'Gương bầu trời' ở Trung Quốc

Với mặt nước trong xanh và phẳng lặng, hồ muối Chaka ở Trung Quốc còn có biệt danh là 'Gương bầu trời'.

Nằm gần thị trấn Chaka ở huyện Wulan, hồ nước mặn Chaka là một trong những hồ đẹp nhất tại vùng lòng chảo Qaidam ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Hồ Chaka thực chất là một cánh đồng muối lớn với diện tích dài 9km và rộng 15 km. Vào mùa khô, hồ có kích cỡ nhỏ hơn và chỉ mở rộng tới diện tích tối đa vào mùa mưa.

Mực nước trong hồ rất nông, với chỗ sâu nhất chỉ đến mắt cá chân, cho phép du khách có thể đi trên hồ.

Vào thời điểm khi trời quang đãng, mặt nước trong xanh của hồ phản chiếu bầu trời xanh ngắt như một chiếc gương khổng lồ dưới mặt đất. Điều này khiến hồ Chaka được đặt cho biệt danh “Gương của bầu trời”.

Hồ Chaka nằm tại khu vực từng là biển nông. Hoạt động địa chất sau đó đã nâng vùng đất này cao thêm 3.000 m để tạo thành cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Những túi nước mặn trên cao nguyên này biến thành các hồ muối.

Muối từ các ngọn núi chảy theo nước mưa và sông theo mùa đã giúp tăng lượng muối cho các hồ theo thời gian. Hiện tại, lượng muối trong hồ Chaka dày hơn 5m.

Các hồ muối tại vùng lòng chảo Qaidam đã được khai thác suốt 3.000 năm qua. Trong thời kỳ nhà Tây Hán, người dân địa phương phụ thuộc vào muối ở đây. Muối cũng được khai thác ở những nơi khác như hồ Thanh Hải và hồ muối ở huyện Tấn Thành.

Hoạt động khai thác muối quy mô lớn bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ thứ 18. Do trữ lượng lớn, nên việc khai thác dễ dàng bằng cách bóc lớp bùn phủ bề mặt trên hồ.

Ngày nay, công việc khai thác muối được cơ giới hóa cho phép nhà máy muối ở hồ Chaka có thể sản xuất hàng trăm tấn muối chất lượng cao mỗi năm.

Muối khai thác từ hồ Chaka được bán khắp Trung Quốc và thậm chí xuất khẩu sang Nhật Bản, Nepal và Trung Đông.

Theo Huy Phong/Dân Việt

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/du-lich/kham-pha-noi-duoc-coi-la-guong-bau-troi-o-trung-quoc-748834.html