Khám phá những lễ hội đầu năm ở các quốc gia trên thế giới

Năm mới luôn là thời điểm lý tưởng nhất để người dân các nước tổ chức những lễ hội sôi động, hoành tráng. Đây không chỉ là dịp để mọi người có thể cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới mà còn trở thành nơi để tôn vinh những giá trị văn hóa riêng của từng dân tộc. Hãy cùng khám phá những lễ hội độc đáo nhất được tổ chức vào đầu năm ở các quốc gia trên thế giới.

Lễ hội đèn lồng (Trung Quốc)

Lễ hội đèn lồng là một trong những ngày hội sôi động và lộng lẫy nhất tại Trung Quốc. Sự kiện được tổ chức vào ngày 15-1 âm lịch hàng năm nhằm đánh dấu ngày cuối cùng trong mùa lễ hội mừng năm mới của người dân nơi đây.

Theo quan niệm của người Trung Quốc, ánh sáng từ đèn lồng sẽ xua đuổi ma quỷ và mang lại sự bình yên cho các gia đình.

Theo quan niệm của người Trung Quốc, ánh sáng từ đèn lồng sẽ xua đuổi ma quỷ và mang lại sự bình yên cho các gia đình.

Lễ hội đèn lồng ở Trung Quốc đã có tuổi đời hơn 2000 năm. Đối với người Trung Quốc, hình ảnh chiếc đèn lồng được thắp sáng khắp nơi chính là biểu tượng cho sự sum họp và niềm tin vào điều tươi sáng trong những ngày đầu năm.

Trong dịp này, hàng nghìn chiếc đèn lồng với đầy đủ những màu sắc, hình thù khác nhau sẽ được mọi người thắp sáng và thả lên bầu trời, mang theo đó là ước vọng về một năm mới bình an. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có những tiết mục bắn pháo hoa, biểu diễn múa lân giúp tạo nên một bầu không khí đầy sôi động và náo nhiệt.

Lễ hội té nước Songkran (Thái Lan)

Songkran là ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của người Thái Lan (theo Phật lịch). Trong dịp này, người dân xứ chùa Vàng sẽ cùng nhau đổ ra đường để hòa mình vào lễ hội té nước với mong muốn sẽ thanh tẩy đi những điều không may mắn trong năm cũ.

Sau thời khắc đón tết đầm ấm sẽ là lúc người Thái hòa mình vào những lễ hội té nước sôi động

Lễ hội té nước Songkran có nguồn gốc từ lễ hội Sankranti của người Hindu. Mọi người tham dự lễ hội sẽ dùng mọi vật dụng có thể chứa nước để té lên người nhau với tâm niệm càng được té nhiều nước thì càng may mắn. Ngoài tục té nước, trong thời gian diễn ra Songkran còn có nhiều hoạt động khác như diễu hành, nhảy, múa và các cuộc thi sắc đẹp.

Bên cạnh Thái Lan, một số quốc gia Đông Nam Á cũng tổ chức lễ hội té nước để mừng năm mới theo Phật lịch với những tên gọi khác nhau như Thingyan ở Myanmar, Bunpimay ở Lào và Chol Chnam Thmay ở Campuchia.

Lễ hội câu cá hồi trên băng Hwacheon Sancheoneo (Hàn Quốc)

Hwacheon Sancheoneo là 1 trong 3 lễ hội mùa đông lớn nhất tại khu vực châu Á. Sự kiện thường được tổ chức trung tuần tháng 1 hàng năm trên mặt sông đóng băng tại Hwacheon, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc).

Ngoài câu cá, các trò chơi trên tuyết cũng thu hút được rất nhiều người tham dự

Lễ hội độc đáo này diễn ra trong vòng 23 ngày. Ban tổ chức của Hwacheon Sancheoneo sẽ thả xuống dòng sông khoảng hơn 32 tấn cá để người tham gia lùng bắt. Người chơi sẽ đào trên mặt băng những hố nhỏ để thả dây câu. Người chiến thắng sẽ là người bắt được số lượng cá nhiều nhất.

Lễ hội Ati-Atihan (Philippines)

Ati-Atihan được coi là lễ hội xuân lớn và giàu màu sắc nhất tại Philippines. Lễ hội được người dân tại Kalibo, đảo Panay tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 1 hàng năm nhằm tôn vinh Chúa Hài Đồng Santo Nino - vị thần hộ mệnh của người Philippines.

Ati-Atihan là một trong những lễ hội lâu đời nhất tại Philippines

Đến với Kalibo dịp này, du khách sẽ được tận hưởng một không khí sôi động với tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng khắp nơi. Cùng với đó là những trang phục đầy màu sắc, những vũ điệu hoang dã càng làm tô điểm thêm nét độc đáo rất riêng tại lễ hội Ati-Atihan.

Không chỉ có vậy, Ati-Atihan còn hấp dẫn du khách bởi những cuộc thi nhảy múa ngoài trời sôi động và đặc biệt là màn rước Chúa Santo Nino được tổ chức đầy trang nghiêm.

Không khí cuồng nhiệt tại lễ hội Ati-Atihan giúp người tham dự có thể gạt đi những lo toan thường nhật để thoải mái hòa mình vào trong những tiếng nhạc, những điệu nhảy cùng các bữa tiệc vui vẻ. Tất cả đã tạo nên một không gian của sự gắn kết mà hiếm nơi đâu có được.

Duy Khánh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/kham-pha-nhung-le-hoi-dau-nam-o-cac-quoc-gia-tren-the-gioi/841032.antd