Khám phá ngôi chùa có bức tượng phật lớn nhất Đông Nam Á

Chùa Khai Nguyên (Sơn Tây, Hà Nội) hay còn được gọi là chùa Tản Viên tên hiệu đầy đủ là Tản Viên Sơn Quốc Tự, là một ngôi chùa có quy mô bề thế cùng bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á.

Từ trung tâm thành phố di chuyển đến đây chỉ khoảng chừng 45km. Du lịch Hà Nội để đi đến chùa Khai Nguyên bạn có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện khác nhau như: xe buýt, xe taxi, xe máy và ô tô cá nhân,... Tuy nhiên, phương tiện cá nhân được gợi ý với sự tiện lợi, nhanh chóng.

Cung đường phổ biến nhất mà người dân Thủ đô vẫn thường lựa chọn vẫn là cung đường Quốc lộ 32 hoặc cùng đường đại lộ Thăng Long.

Cả hai cung đường đều rộng rãi, bằng phẳng, phù hợp cho cả xe máy lẫn ô tô. Bạn có thể xem chi tiết hướng dẫn di chuyển đến chùa Khai Nguyên Sơn Đông- Sơn Tây- Hà Nội trên Google Maps.

Nếu muốn di chuyển bằng phương tiện công cộng thì có thể tham khảo tuyến buýt 74 xuất phát từ bến xe Mỹ Đình và đưa bạn đến điểm dừng gần chùa nhất. Giá vé mỗi chuyến 9,000 VND/lượt, tần suất di chuyển khoảng 30 phút/chuyến.

Sau gần hai thập kỷ, đến nay, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng chùa Khai Nguyên đã “hiện diện” với một quy mô hoành tráng cùng lối kiến trúc mang nét kim – cổ giao hòa. Đó là lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, các gian thờ chính được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ”, cuối là Tăng đường cùng tả vu, hữu vu, tháp Báo Ân, gác chuông, gác trống… Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Sau gần hai thập kỷ, đến nay, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng chùa Khai Nguyên đã “hiện diện” với một quy mô hoành tráng cùng lối kiến trúc mang nét kim – cổ giao hòa. Đó là lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, các gian thờ chính được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ”, cuối là Tăng đường cùng tả vu, hữu vu, tháp Báo Ân, gác chuông, gác trống… Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Phía trước chùa là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh như ngọc. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột. Đây là gian thờ Địa Tạng vương Bồ tát, nơi có bộ kinh Địa tạng quý, thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Điểm nhấn của chùa chính là bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á, cao 72m, đường kính bệ tượng lên tới 1.200m2, được khởi dựng từ năm 2015, hiện vẫn trong quá trình hoàn thiện. Bên trong pho đại tượng Phật gồm 13 tầng, trong đó 12 tầng được bố trí cho khách tham quan thờ Bồ Tát và tầng âm được xây dựng thành lục đạo luân hồi gồm nhiều cõi như a tu la, địa ngục, quỷ ngã…. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Trên tay trái của tượng Phật chùa Khai Nguyên này là 1 đóa sen hồng đang chớm nở, tay phải Ngài ở tư thế giáo hóa thủ ấn. Giữa hai lòng bàn tay của Đức Phật đều có hình bánh xe pháp luân đắp nổi, thể hiện hàm ý sâu xa của phật giáo. Riêng phần đế là bông sen khổng lồ với 3 lớp gồm có 56 cánh hoa. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đại tượng chùa Khai Nguyên Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội được thiết kế gồm 16 tầng với chiều cao 72m, trong đó có 12 tầng được thiết kế đặc biệt có thang máy, thang bộ. Mỗi tầng được trang trí 1 phong cách thờ phụng riêng. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Dưới tầng hầm của pho đại tượng này tại chùa Khai Nguyên có khu vực mô phỏng 18 tầng địa ngục nhằm truyền tải ý nghĩa của lục đạo luân hồi, giúp phật tử hiểu nhiều về luật nhân quả để tu thân tích đức. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Chính điện chùa Khai Nguyên là một dãy nhà 2 tầng với tổng diện tích lên đến 400 m2. Nổi bật trong chính điện chính là tôn tượng Tây Phương Tam Thánh cao gần 10m, trang nghiêm sừng sững như đang ngày đêm trải hết lòng từ để cứu rỗi chúng sinh, mong cho tất cả chúng sinh được phá mê khai ngộ đều được an vui hạnh phúc. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh bức đại tượng, chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách bởi hệ thống tượng Phật gồm 1.975 pho lớn nhỏ trong gian Tam bảo, tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một số di vật có giá trị như: Hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1815), 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870). Đây là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của chùa Khai Nguyên. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kham-pha-ngoi-chua-co-buc-tuong-phat-lon-nhat-dong-nam-a/292266.html