Khám phá nghề trèo hái 'cánh kiến trắng' trên đỉnh Hoàng Liên Sơn

Để thu hoạch nhựa cây bồ đề, người dân phải trèo lên những ngọn cây cao chót vót. Nghề trồng và thu hoạch nhựa bồ đề đã và đang đem lại nguồn thu nhập mới cho đồng bào vùng cao tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Hiện toàn huyện Văn Bàn có diện tích rừng trên 111 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,41%, chủ yếu là rừng tự nhiên, trong đó diện tích rừng bồ đề là trên 480ha. Cây bồ đề vốn là cây lâm sản thuộc loại gỗ tạp, giá trị kinh tế ít. Tuy nhiên, từ năm 2017, người dân đã được hướng dẫn chuyển hướng sang trồng cây bồ đề khai thác nhựa, cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện toàn huyện Văn Bàn có diện tích rừng trên 111 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,41%, chủ yếu là rừng tự nhiên, trong đó diện tích rừng bồ đề là trên 480ha. Cây bồ đề vốn là cây lâm sản thuộc loại gỗ tạp, giá trị kinh tế ít. Tuy nhiên, từ năm 2017, người dân đã được hướng dẫn chuyển hướng sang trồng cây bồ đề khai thác nhựa, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Triệu Kim Chu (thôn Vàng Mầu, xã Nậm Kha, huyện Văn Bàn, Lào Cai) cho biết: “Trước đây, cây bồ đề không được người dân chúng tôi coi trọng vì hiệu quả kinh tế thấp. Gỗ bồ đề từ khi trồng đến thu hoạch phải mất hàng chục năm nhưng giá bán chỉ xếp vào loại cấp thấp, trên dưới 2 triệu đồng/m3 so với gỗ keo chỉ bằng 1/10 nên nhiều hộ đã chặt bỏ”.

Nhựa cây bồ đề là sản phẩm từ cây bồ đề còn được gọi là nhựa cánh kiến trắng, loại này có tác dụng kháng khuẩn in vitro trên một số vi khuẩn thông thường và có tác dụng lợi đờm, nhựa còn dùng làm thuốc chữa viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, ho đau bụng, lạnh… ngoài ra nhựa cánh kiến trắng dùng chữa vết thương mau lành, xua đuổi côn trùng.

Để chiết xuất nhựa bồ đề, thay vì chặt cả cây, người dân sẽ cắt một khoảng nhỏ trên thân cây để lấy nhựa. Sau 2 tháng, nhựa cây sẽ khô và cứng lại, được sơ chế và mang đi xuất khẩu. Thu nhập từ nhựa bồ đề cao hơn nhiều so với thu nhập từ gỗ và thân thiện hơn với môi trường.

Theo tính toán của các ngành chuyên môn, nếu khai thác đúng kỹ thuật, 1 cây bồ đề có thể cho khoảng 500-700 gram nhựa/năm, 1ha cây bồ đề có thể cho thu hoạch khoảng 300kg nhựa. Cây bồ đề cho thu hoạch nhựa có độ tuổi từ 7-8 năm trở lên.

Chất lượng nhựa bồ đề tại Văn Bàn được doanh nghiệp thu mua đánh giá cao, giá thu mua hiện nay là 350.000 đồng/kg. Như vậy, với 1ha cây bồ đề, ngoài thu hoạch gỗ thì mỗi năm người dân có thể thu nhập thêm 100 triệu đồng từ khai thác nhựa.

Ông Trần Văn Đính (Phó giám đốc Kỹ thuật – Công ty Đức Phú) cho biết, công ty đã và đang hỗ trợ việc trồng, bao tiêu sản phẩm nhựa cây bồ đề tại 10 tỉnh ở Việt Nam, trong đó có huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) là vùng trồng mới, hiện nay tổng sản lượng của toàn tỉnh cũng đã đạt trên 1 tấn/năm.

Năm 2019, được Dự án GREAT (của Chính phủ Úc) hỗ trợ, Hạt Kiểm lâm Văn Bàn đã đề xuất thực hiện “Xây dựng vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây Bồ đề sản xuất “cánh kiến trắng” huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai”, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sản xuất “cánh kiến trắng” tại huyện Văn Bàn. Đến nay, diện tích trồng cây bồ đề tăng lên, mô hình trồng cây bồ đề khai thác nhựa cũng dần được người dân tiếp nhận khi nhìn thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

"Thu nhập từ nhựa bồ đề cao hơn nhiều so với thu nhập từ gỗ và thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, cần có thời gian để nông dân làm quen với phương thức sản xuất mới và được đào tạo các kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nhựa. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia tích cực vào quá trình sản xuất nhựa bồ đề bao gồm chăm sóc cây và sơ chế nhựa" - bà Trương Thị Quỳnh Phương, cán bộ dự án GREAT cho biết.

Nhựa cánh kiến trắng có nhiều chất hương nên còn được dùng nhiều trong hóa mỹ phẩm và công nghiệp thực phẩm, hiện nay rất nhiều Công ty, tập đoàn trên thế giới đã quan tâm đến loại nhựa này, và đã bắt đầu thu mua, chế biến nhựa loại cây này làm nước hoa cao cấp.

Hiện nay, sản phẩm nhựa cây bồ đề tại Việt Nam nói chung và huyện Văn Bàn nói riêng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Pháp làm nguyên liệu nước hoa. Tiềm năng sản phẩm nhựa cánh kiến trắng trên thế giới là rất lớn, trong đó sản phẩm từ Việt Nam được đánh giá ưu thế về chất lượng và sản xuất an toàn do là vùng trồng hữu cơ.

Từ một loại gỗ lâm sản hạng 8, cây bồ đề đang được người dân huyện Văn Bàn, Lào Cai chuyển đổi thành mô hình giảm nghèo bền vững, mang giá trị kinh tế tốt hơn.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kham-pha-nghe-treo-hai-canh-kien-trang-tren-dinh-hoang-lien-son-232174.html