Khám phá nghề làm hoa cúc khô truyền thống ở Hưng Yên

Không chỉ nổi tiếng bởi những vườn hoa cúc chi vàng đượm, thôn Nghĩa Trai (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) còn được biết đến hàng trăm năm nay với nghề làm thuốc nam, đặc biệt là dược liệu từ hoa cúc sấy khô.

Thôn Nghĩa Trai được biết đến với những cánh động hoa cúc chi trải bạt ngàn, tuy nhiên nghề truyền thống ở nơi đây là nghề thuốc, dược liệu. Theo thông tin, thôn Nghĩa Trai có 560 hộ thì 80% số hộ tham gia trồng cây dược liệu. Đây là nghề truyền thống, nhiều đời cha ông để lại nên cũng chỉ áng chừng đã tồn tại vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Trong đó, dược liệu từ cúc chi sấy khô đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất Phố Hiến. Để từ những bông cúc chi xinh đẹp thành món cúc khô sấy, người làm phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Thôn Nghĩa Trai được biết đến với những cánh động hoa cúc chi trải bạt ngàn, tuy nhiên nghề truyền thống ở nơi đây là nghề thuốc, dược liệu. Theo thông tin, thôn Nghĩa Trai có 560 hộ thì 80% số hộ tham gia trồng cây dược liệu. Đây là nghề truyền thống, nhiều đời cha ông để lại nên cũng chỉ áng chừng đã tồn tại vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Trong đó, dược liệu từ cúc chi sấy khô đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất Phố Hiến. Để từ những bông cúc chi xinh đẹp thành món cúc khô sấy, người làm phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Cúc chi sau khi được thu hoạch, tùy theo mục đích sử dụng sẽ được phơi trực tiếp hay đồ qua một lần.

Hoa cúc chi cần được phơi đủ khoảng 3-4 nắng trước khi đưa lên lò sấy ra thành phẩm hoa cúc khô.

3 năm trở lại đây, dược liệu làng Nghĩa Trai sản xuất luôn được giá, đặc biệt là cây cúc chi. Sản phẩm dược liệu Nghĩa Trai được xuất bán khắp cả nước.

Những ngày này, đi dọc thôn Nghĩa Trai sẽ thấy các lò sấy hoạt động liên tục. Hiện nay, người dân làng có 3 cách sấy cho những mục đích sử dụng khác nhau là sấy than đá lò truyền thống, sấy diêm sinh và sấy lò điện. Trong đó, sấy lò than đá truyền thống vẫn là phương thức được nhiều người sử dụng cho đến nay.

Theo cô Chu Thị Hương (chủ một lò sản xuất cúc sấy): "Sấy lò điện có những ưu điểm riêng nhưng khá tốn điện, hơn nữa sấy theo cách này sẽ làm hoa khô kiệt đến mức thấp nhất, nhiều khi sẽ làm mất đi đặc tính của hoa cúc chi. Sấy lò than đá như thế này tuy có cực hơn nhưng hoa tuy có khô nhưng vẫn giữ lại trọn vẹn đặc tính dược liệu, lại có một lượng ẩm vừa đủ".

Cũng theo cô Hương, sấy bằng lò than đá sẽ tốn khoảng 9-10 tiếng đồng hồ mới cho ra lò được một mẻ cúc khô. "Ngày trước, các cụ làm cúc khô chỉ có phơi khô bằng nắng tự nhiên, vì thế sản lượng cúc không được cao vì lượng hoa bị héo, biến chất nhiều. Sấy bằng lò than đá có thể tự chủ được hơn, không phụ thuộc vào thời tiết, sản lượng tốt do nhiệt lượng nhận được đều hơn" - cô Hương chia sẻ.

Sấy diêm sinh là phương pháp xử lý để dành cho chế biến cúc khô làm dược liệu. Cúc sau khi sấy sẽ được đem phơi tiếp trước khi đưa lên lò sấy khô.

Cô Đỗ Thị Thảo (thôn Nghĩa Trai) chia sẻ: "Hiện nay chẳng còn nhà nào phơi thuần túy bằng ánh nắng mặt trời nữa vì hoa dễ bị thiu và đen hoa nếu không đủ nắng. Vì thế, các hộ làm cúc sấy luôn đầu tư làm lò sấy, nhưng phần lớn làm theo khách đặt chứ không có nhiều hộ làm để trữ hàng bán"

Tốn nhiều mồ hôi, công sức nhưng sản phẩm làm ra không được nhiều. Bởi lẽ khi sấy khô thì hoa cúc đã mất đi phần lớn lượng nước, trung bình phải mất 9-10kg hoa tươi mới ra được thành phẩm 1kg hoa cúc khô.

Giá cúc khô dược liệu khoảng 350.000-400.000 đồng. Cúc khô làm trà có giá khoảng 600.000-800.000 đồng.

Những năm gần đây, trà hoa cúc được người Hà Nội yêu thích và sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, ít người biết trà hoa cúc từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền để bồi bổ sức khỏe và làm dịu một số triệu chứng bệnh thông thường. Khi pha trà, nước trà có hương thơm tinh tế, nhẹ nhàng và hương vị ấm áp, dễ chịu. Không chỉ vậy, trà hoa cúc còn có nhiều tác dụng như an thần, giải nhiệt, giải độc nhuận gan, ngăn ngừa ung thư, giải cảm, cải thiện tim mạch...

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kham-pha-nghe-lam-hoa-cuc-kho-truyen-thong-o-hung-yen-174224.html