Khám phá 'ngã tư quốc tế' Tạ Hiện giữa lòng phố cổ Hà Nội

Đã có không ít lần phố Tạ Hiện (Hà Nội) xuất hiện trên trang CNN và được nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng dành lời khen ngợi, đồng thời cũng là điểm đến được rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi ngày. Tuy nhiên, lý do vì sao con phố này lại thu hút đến vậy, có lẽ chỉ vì 'yêu thích' - một khái niệm vô cùng mơ hồ thôi chưa bao giờ là đủ.

Trong không gian nhỏ hẹp nơi phố cổ chật chội, có một Hà Nội về đêm rất khác với dáng vẻ trầm mặc, tĩnh lặng của thành phố ngàn năm văn hiến…

Phố Tạ Hiện - nơi được xem là "viên ngọc quý" của kiến trúc phố cổ

Phố Tạ Hiện dài khoảng 266 mét với một đầu phố thông ra phố Hàng Bạc, nối liền với phố Đinh Liệt; đầu còn lại thông ra phố Hàng Buồm. Nguyên là đất phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc, con phố này có tên là Giê-rô (rue Géraud). Tuy nhiên, người dân vẫn gọi là ngõ Quảng Lạc vì ở giữa phố có rạp hát Quảng Lạc - nơi diễn tuồng nổi tiếng nhất nhì Hà Thành lúc bây giờ. Và cái tên Tạ Hiện mới chỉ được đặt từ sau cách mạng tháng Tám.

Nhiều người thường nhầm Tạ Hiện thành Tạ Hiền. Bởi thế mà người ta dễ dàng bắt gặp các biển hiệu đề tên lẫn lộn, chỗ này ghi Tạ Hiện nhưng góc kia lại ghi là Tạ Hiền. Nhiều cuộc tranh luận vì cái tên này cũng từ đó mà xuất hiện.

Tuy nhiên, theo Từ Điển đường phố Hà Nội thì con phố này được đặt theo tên của Tạ Quang Hiện, vị thủ lĩnh trong phong trào Cần vương chống Pháp ở Thái Bình, Nam Định. Ông đã cùng Lưu Vĩnh Phúc dẹp quân Cờ vàng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng kháng chiến ở đồng bằng.

Phố Tạ Hiện trong quy hoạch là một trong những con phố quan trọng và giá trị thuộc hạng bậc nhất trong khu phố cổ, với lối kiến trúc đặc biệt là một tổng thể hài hòa, bao gồm những ngồi nhà có diện tích khá hẹp với mặt tiền kiểu thuộc địa. Con phố được chia thành hai dãy nhà, một bên là dãy chẵn và bên còn lại là dãy lẻ.

Trong đó, dãy chẵn bao gồm những ngôi nhà có kiến trúc giống nhau nhưng mang nét kiến trúc truyền thống Việt Nam, tầng 2 thường được xây lùi vào, tầng 1 đưa ra sát mặt đường. Còn dãy lẻ của khu cải tạo bao gồm 10 ngôi nhà liền khối được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20, quy mô 2 tầng, mái ngói dốc, giống nhau, mang ảnh hưởng của kiến trúc Pháp.

Dẫu vậy, chính nét độc đáo này đã khiến cho phố Tạ Hiện được xem là "viên ngọc quý" của kiến trúc phố cổ. Đồng thời, đây cũng là một trong số ít những con phố còn gìn giữ được nét kiến trúc ban đầu sau biết bao thăng trầm của thời gian.

Có lẽ giờ đây, ít ai quan tâm đến những điều này, cũng như việc nơi đây đi sâu vào tiềm thức của người Việt Nam như thế nào. Thay vào đó, chỉ cần nhắc đến Tạ Hiện là người ta sẽ nhớ ngay đến danh từ "Ngã tư quốc tế", "phố Tây", "phố bia" và sử dụng hàng loạt tính từ như: trầm mặc, tĩnh lặng, bình yên hay rêu phong, cổ kính vào ban ngày và đông đúc, nhộn nhịp khi màn đêm buông xuống để khắc họa con phố này, giống như những gì mà người ta có thể dễ dàng tìm hiểu về nó thông qua các tạp chí, trangweb về du lịch vẫn thường viết. Ấy thế mà, dù bạn là một người yêu nét đẹp cổ điển và sự an yên trong tâm hồn, khát khao tìm lại dòng kiến thức lịch sử, thậm chí là một người có lối sống phóng khoáng với tất thảy chất hiện đại trong con người thì đều có thể tìm tới con phố này.

Bởi thế nên có lẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người nói rằng, phố Tạ Hiện là điểm đến yêu thích nhất của họ khi ở Hà Nội, thậm chí trở thành một trong những nơi nhất định phải đến khi tới Việt Nam của nhiều du khách Tây. Nhưng, để lý giải cho việc tại sao con phố này luôn thu hút đông đảo du khách mỗi ngày, đặc biệt là dịp cuối tuần thì có lẽ, cái lý do với khái niệm mơ hồ, có phần đơn giản, chỉ là "thích" thôi thì chẳng bao giờ là đủ.

"Ngã tư quốc tế" Tạ Hiện giữa lòng phố cổ

"Ngã tư quốc tế" Tạ Hiện khi thành phố lên đèn.

Ẩn mình vào một góc nhỏ giữa lòng phố cổ, con phố chỉ dài vài trăm mét nhưng vô cùng sôi động và náo nhiệt có tên "Ngã tư quốc tế" Tạ Hiện luôn là tụ điểm không chỉ của giới trẻ Hà Thành.

Cái tên "Ngã tư quốc tế" được nhiều người "ưu ái" gọi riêng cho con phố lúc nào cũng tấp nập một không khí huyên náo, có sức hút kỳ lạ với khách nước ngoài, đặc biệt là với những du khách Tây bình dân, mà người Việt Nam vẫn quen gọi là "Tây ba lô", là bởi, đây không chỉ là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm bạn đa quốc tịch, đủ màu da mà còn là nơi giao thoa của nhiều ngôn ngữ cùng nhiều nét văn hóa khác nhau.

Đến phố Tạ Hiện, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh du khách Tây ngồi uống bia đầy hai bên đường, họ vui vẻ nói cười rôm rả, ngồi sát nhau đến nỗi, cảm giác như chỉ cần huých nhẹ cánh tay là có thể va ngay phải người kia, nhưng điều đó cũng chẳng khiến mọi người thấy khó chịu hay nề hà chút nào.

Đến phố Tạ Hiện, bạn dễ dàng có thể bắt gặp du khách Tây ngồi uống bia đầy hai bên đường. Tây - ta lẫn lộn, rôm rả tiếng nói cười. Tuy nhiên, chỉ cần dạo qua một vòng, bạn cũng chẳng gặp mấy khó khăn khi thấy rằng, trên môi ai nấy cũng đều nở nụ cười tươi rói, chẳng chút u sầu buồn bã dù đang ở giữa không gian xô bồ và chật chội.

Đến đây, bạn cũng thấy vô cùng thú vị khi chủ quán có cách giao tiếp với khách khá lạ, lúc bằng tiếng Việt, khi lại bằng tiếng Anh, thậm chí lại có những lần chỉ cần ra ký hiệu bằng tay mà người ta vẫn hay nói là "ngôn ngữ hình thể".

Tuy nhiên, chính vì thu hút đông đảo khách Tây như thế nên đây cũng là tụ điểm đặc biệt dành cho những người đang có nhu cầu trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ của mình.

Con đường đi vào phố Tạ Hiện dịp cuối tuần hay những buổi tối thường ngày của mùa hè đều luôn vô cùng đông đúc. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, nơi mà nỗi buồn và sự yên lặng chẳng có chỗ dừng chân.

Chưa kể, phố Tạ Hiện cũng là sự giao thoa, hòa trộn của nhiều giai tầng. Tới đây bạn có thể gặp đủ các "kiểu người" khác nhau, từ người trẻ đến người già, từ dân thành thị đến người nông thôn, từ dân công sở cho đến người làm kinh doanh,... Không phân biệt tầng lớp, không quan trọng xuất thân, chỉ cần điều đó thôi có lẽ cũng đủ khiến nhiều người đưa con phố này vào danh sách điểm đến yêu thích của bản thân mình.

Phố Tạ Hiện là sự hòa trộn của nhiều giai tầng với những gương mặt đầy hào hứng.

Những người bán hàng rong lang thang dọc khắp con phố nhỏ để mưu sinh.

Ngoài phố Tạ Hiện, Hà Nội cũng xuất hiện thêm một vài con phố khác kinh doanh theo hình thức này, như chợ Gạo (chủ yếu bán trà chanh thay vì bia như ở Tạ Hiện)... Tuy nhiên, con phố này dù đã qua nhiều năm hoạt động nhưng vẫn không thể tạo được nét riêng và thu hút đông đảo du khách như ở con phố mang danh khác là "Ngã tư quốc tế".

Có thể thấy, ở Tạ Hiện, ngồi uống bia trên những chiếc ghế nhựa thấp, mang đến cảm giác gần gũi, thoải mái và dễ chịu chính là một trong những nét khác biệt so với phố Tây Bùi Viện ở TP. HCM.

Không chỉ có bia, ở Tạ Hiện còn có trà chanh, trà đá, cà phê…, thế nhưng bia vẫn là loại đồ uống đắt khách nhất của cả con phố mà không chỉ người Việt mà khách nước ngoài đến Tạ Hiện cũng thưởng thức bia vỉa hè cũng rất nhiều. Đây cũng là lý do khiến khu phố này bỗng chốc được đặt cho cái tên là “phố Tây” của Hà Nội.

Ngoài ra còn có một điểm thú vị nữa là đồ "nhắm" ở đây khá đơn giản, được bán với mức giá khá bình dân, không hề "chặt chém". Ngoài món nhắm "đặc trưng" là lạc rang húng lìu gia truyền, phố Tạ Hiện có bán thêm một số món ăn khác như: khoai chiên, nem chua, chân gà,... đều là những món quen thuộc và được bày bán ở rất nhiều nơi. Thế nhưng, chỉ có Tạ Hiện mới bán được những loại đồ "nhắm" này chạy đến thế.

Đồ ăn ở đây khá đơn giản, có ở nhiều nơi tại Hà Nội nhưng chỉ riêng nơi này là bán được nhiều và chạy nhất. Có lẽ là bởi, người ta yêu cái không khí ở nơi này, nên đồ ăn cũng vì thế mà trở nên ngon hơn.

"Đêm không ngủ vì tiền không bao giờ là đủ"

Đấy được coi là một câu "châm ngôn" của những người đang kinh doanh trên con phố này. Sở dĩ là bởi, khoảng thời gian đêm khuya, khi những người khác đang ngon giấc thì những bán hàng ở đây vẫn tất bật chạy ngược, chạy xuôi, hò hét nhau mang đồ ăn thức uống phục vụ "thượng đế".

Dẫu vậy, người ta cũng chẳng cảm thấy phiền phức hay mệt mỏi, ngược lại, như một quy luật bất thành văn của những người làm kinh doanh, càng đông lại càng vui, càng mệt lại càng có thêm động lực để làm việc!

Khắp mọi ngõ ngách đều rất đông đúc. Đủ loại mặt hàng được bày bán ở đây, từ đồ ăn, đồ uống cho tới may mặc hay các mặt hàng lưu niệm, trải dọc cả con phố nhỏ.

Hầu hết, vào các ngày cuối tuần, đội an ninh sẽ tăng cường kiểm tra, giữ gìn trật tự an toàn cho người dân và du khách vui chơi. Lúc này, con phố Tạ Hiện lại trở nên láo loạn, người chạy ngược, kẻ chạy xuôi để tránh bị thu giữ đồ đạc. Và đương nhiên, điều này sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của người bán hàng trong khu vực này. Tuy nhiên, họ cũng chẳng lấy làm khó chịu với điều này.

Chú Lâm (chủ quán tại một cửa hàng trong con phố Tạ Hiện) nói: "Người ta làm vậy cũng đúng mà. Không dọn dẹp lại thì lấy đâu ra đường đi cho du khách qua lại. Con phố này lúc nào cũng đông như thế, mà không làm vậy thì loạn mất!"

Thông thường, vào buổi tối cuối tuần, đội an ninh sẽ tăng cường kiểm tra và yêu cầu mọi người ngồi gọn lại để trả cho khu phố cổ không gian để vui chơi.

Ở đây còn có các tiết mục đường phố độc đáo được biểu diễn suốt buổi tối với đa dạng các thể loại, từ nhạc cổ truyền dân gian đến những bản tình ca của giới trẻ, hoặc những màn diễn tấu nhạc cụ vô cùng đặc sắc, thu hút mọi sự chú ý đầy hào hứng.

Thế nhưng, đến sáng, con phố này lại bình yên khác thường, khiến những người lần đầu đặt chân tới đây đều cảm thấy bất ngờ.

Tạ Hiện là thế. Khi thì là con phố nhỏ sôi động nhất Thủ đô, lúc lại yên tĩnh, trầm lắng đến lạ. Người yêu Tạ Hiện đến đây có lẽ không chỉ vì bia ngon, mà còn vì đã quá quen với một không gian gần gũi chỉ ở Tạ Hiện mới có.

Xem thêm

An Tuệ

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/kham-pha-nga-tu-quoc-te-ta-hien-giua-long-pho-co-ha-noi-74926.html