Khám phá nét hoang sơ Cồn Hô

Nằm trên dòng Cổ Chiên, với diện tích 25 ha, được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, Cồn Hô (ở xã Mỹ Đức, huyện Càng Long, Trà Vinh) được các nhà nghiên cứu về du lịch đánh giá là 'viên ngọc thô' trong phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá.

Kế sinh nhai mới

Đoàn các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa - du lịch ra thăm Cồn Hô đúng vào dịp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đang tiến hành khảo sát xây dựng điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Cồn Hô. Từ bến đò xã Mỹ Đức, sau khoảng 5 phút di chuyển, Cồn Hô dần hiện ra với những hàng dừa xanh mát.

Bên chén trà và những món ăn do chính bà con trên cồn chế biến từ các sản vật của địa phương, bà con xúc động kể với chúng tôi về việc lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo điều kiện để bà con tập làm du lịch. Những hình ảnh Bí thư, Chủ tịch xã và lực lượng dân quân tự vệ cùng với bà con dọn dẹp, phát quang cỏ hai bên đường được mọi người khoe với các thành viên trong đoàn. Những tấm bảng vẫn còn chữ viết in dấu của các lớp đào tạo cách làm du lịch tại chỗ do các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch dạy bà con là minh chứng cho những nỗ lực của những nhà làm chính sách và bà con trên Cồn Hô.

Qua từng cử chỉ, trong ánh mắt, nụ cười, chúng tôi hiểu bà con đang kỳ vọng rất lớn vào giải pháp sinh kế mới mà tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai trên Cồn Hô.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức Cao Thị Bích Liên cho biết: Từ bao đời nay, người dân ở Cồn Hô vẫn chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, chuối xứ và dừa… Tình trạng được mùa mất giá, bị thương lái ép giá là câu chuyện không còn xa lạ với người dân. Không những vậy, do thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, nhiều hộ dân chỉ sau một trận mưa lớn, đất đai, nhà cửa, tài sản đều trôi theo con nước. Đó là trường hợp của vợ chồng anh chị Tư Khen. Trước gia đình anh chị ở ngoài đầu Cồn Hô, nhưng do sạt lở nên nhà cửa, đất đai mất, anh chị và con cái phải chuyển về phía cuối cồn dựng nhà sinh sống. Đây cũng là lý do khiến lớp lao động trẻ không mặn mà với việc sống và phát triển trên cồn nữa.

Tuy nhiên, việc tỉnh có chủ trương phát triển du lịch ở Cồn Hô được bà con đón nhận và mong muốn đây sẽ là một hướng đi giúp bà con có kế sinh nhai mới; đồng thời giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa trên Cồn Hô.

Chú Hai Nguyên, người đầu tiên được TS Tạ Duy Linh vận động tham gia làm du lịch phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi chỉ làm nông nghiệp, ai cũng nghĩ làm du lịch thì ở các thành phố lớn chứ ai lại ra du lịch ở một nơi vắng vẻ, hoang sơ, tứ bề là nước, vì thế khi được nghe về việc đi học làm du lịch đa phần chúng tôi đều thấy lạ và không tin. Khi được đến tham quan học cách làm du lịch tại Cồn Chim, chúng tôi nhận ra rằng Cồn Hô quê hương mình cũng sẽ có ngày được nhiều người biết đến và ghé thăm nếu bản thân mỗi người trên cồn thay đổi”.

Khi trở về, gia đình chú và gia đình anh Trãi là hai hộ kết hợp để hình thành điểm đến đầu tiên được quy hoạch để phát triển hình thành một không gian văn hóa đậm chất Nam Bộ. Trong câu chuyện của mình, chú Hai Nguyên bày tỏ mong muốn khi du lịch ở Cồn Hô phát triển thì những sản vật ở địa phương sẽ được du khách biết đến, đón nhận và thưởng thức.

Sớm trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch Tạ Duy Linh cho biết: Từ một ý tưởng ban đầu tưởng chừng như xa vời nhưng sau một thời gian triển khai thực hiện ở Cồn Chim (ở ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh) và những kết quả mang lại cho thấy đây là một hướng đi đúng. Hiện Cồn Chim đã trở thành một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn nhờ tận dụng được tài nguyên tại chỗ để phát triển du lịch, lấy quy luật tự nhiên “thuận thiên” làm định hướng. Nhờ đó, cuộc sống của bà con trên Cồn Chim nhiều năm nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Với Cồn Hô chúng tôi tin rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, nơi đây cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.

Theo TS Tạ Duy Linh, tinh thần của bà con là một trong những yếu tố quan trọng để thành công khi làm du lịch “thuận thiên”, bởi không ai khác mỗi một người dân khi tham gia vào loại hình du lịch này đều phải trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Bởi vậy, các nhà khoa học đã thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, các lớp tập huấn hướng dẫn bà con từ cách giữ vệ sinh môi trường như thế nào, cách tạo ra những món ăn ngon từ sản vật sẵn có…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Trà Vinh được đánh giá là tỉnh giàu về tài nguyên du lịch, trong đó đặc biệt là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái sông nước miệt vườn của hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển mạnh các loại hình du lịch được xem là thế mạnh của tỉnh, trong đó có việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở trên sông và ven biển.

Thực chất, việc phát triển du lịch ở các cù lao trên sông và các cồn nổi trên biển đã có từ rất lâu, tuy nhiên thực sự hoàn chỉnh để đưa vào hoạt động thì năm 2019 Cồn Chim là một trong những cồn đầu tiên được đưa vào khai thác sử dụng. Sau hơn một năm cho thấy đây là một điểm du lịch mang lại hiệu quả ban đầu khá rõ nét, đây là một kiểu mẫu trong loại hình du lịch cộng đồng hay được các chuyên gia gọi là loại hình du lịch "thuận thiên". Loại hình này mang nét đặc trưng riêng của Trà Vinh dựa vào sinh kế của người dân, kể cả mùa nước ngọt và nước mặn bà con đều làm du lịch.

Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh để khai thác, phát triển thêm một số cồn nổi, trong đó có Cồn Hô được đưa vào khai thác năm 2020. Đặc biệt sau dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, tỉnh xem đây là cơ hội để nhìn lại về những mặt làm được, chưa làm được, từ đó củng cố nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, dịch vụ, phục vụ du khách tốt hơn, để Trà Vinh trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước./.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/kham-pha-net-hoang-so-con-ho-559296.html