Khám phá nét độc đáo của Tết người Hoa tại TP HCM

Dù hội nhập vào cộng đồng Việt nhưng người Hoa vẫn giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhất là những phong tục ngày Tết.

Người Hoa sinh sống nhiều nơi tại Việt Nam, đặc biệt là quận 5, TP HCM. Dù ở nước ta qua nhiều thế hệ nhưng đến nay, họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất riêng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Tết của người Hoa cũng bắt đầu vào những ngày đầu năm mới tính theo Âm lịch. Tuy nhiên, trong một số phong tục, lễ nghi và ẩm thực, người Hoa lại có nhiều điểm độc đáo, khác biệt.

Những phong tục ngày Tết

Như đã nói, trong sự giao thoa, tiếp biến với văn hóa Việt, cộng đồng người Hoa vẫn giữ được nhiều nét riêng, đầu tiên là cúng ông Táo. Người Việt thường cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên, người Hoa lại đưa ông Táo về trời vào sáng 24. Họ thường dùng trái quýt đơm lên mâm cỗ, bởi lẽ, trong tiếng Hán, “quýt” đồng âm với “cát” (sự may mắn, cát tường).

Bắt đầu từ ngày 26 trở đi, người Hoa trang trí nhà cửa bằng cách thay câu đối liễn mới có giấy đỏ chữ vàng với thông điệp tốt lành như “Xuất nhập bình an”, “Kim ngọc mãn đường”, “Tân xuân đại cát”… Vật dụng cũ kĩ bị bỏ đi, bụi bẩn cũng được lau sạch sẽ với hy vọng rũ bỏ những điều không may để nhường chỗ cho điềm lành, chuyện vui.

Bà Trương Minh Thuận, một người Hoa gốc Quảng Đông cho biết, nếu như đêm 30 Tết, những gia đình người Việt chỉ thắp hương, cúng trà, nước thì người Hoa, lễ nghi lại có phần phức tạp hơn nhiều. Ngày này, mâm cúng thường có bánh, mứt, bình hoa, trái cây và vàng mã. Bà Thuận cũng nói thêm, số vàng thường sẽ tương ứng với số tháng trong năm. Ví dụ năm nhuận, trên mâm sẽ để 13 miếng vàng. Thêm vào đó, bên cạnh trà và rượu, họ cũng thường cúng thêm dầu ăn với hy vọng mọi việc sẽ tươi sáng, trơn tru.

Những ngày trong Tết như Mùng 1, Mùng 2, Mùng 3, người Hoa vẫn thắp hương cho tổ tiên, ông bà và đi chùa cầu may mắn, bình an. Vào Mùng 1, họ thường coi hướng và giờ xuất hành để đón Thần Tài, gặp vận may. Trong khi người Việt có quan niệm “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy”, người Hoa cho rằng Mùng 2 là ngày “Khai niên”, Mùng 3 “Xích khẩu” tránh cãi vã, tranh chấp.

Những ngày này, một số gia đình tại quận 5 sẽ có bóng dáng hoa mai, hoa đào, nhưng đó là sự tiếp nhận văn hóa Việt Nam, người Hoa chính gốc, họ sẽ không chưng những loại hoa này vào dịp Tết.

Về việc kiêng kỵ, người Hoa sẽ không tranh cãi, nợ nần trong năm mới. Đặc biệt nhất, gia đình nào có người lớn tuổi, con cháu trong nhà không được mặc quần áo trắng, đen - màu sắc đại diện cho Hắc Bạch, Vô Thường, hai tay sai của Diêm Vương chuyên bắt hồn người chết theo quan niệm tâm linh.

Ẩm thực Tết độc đáo

Người Hoa vốn được biết đến có nền ẩm thực đa dạng, phong phú và cầu kỳ trong cách chế biến. Với họ, bữa cơm không đơn giản chỉ là ăn để no, nó còn chứa đựng nhiều giá trị, bao gồm cả những giá trị gia đình và truyền thống văn hóa.

Dù giàu dù nghèo hay bận rộn đến đâu, ngày 30 Tết, những người con trong gia đình nhất định đều phải có mặt để cùng ăn với nhau bữa cơm tất niên. Mâm cỗ tất niên của người Hoa thường có lạp xưởng, lạp dục, gà, tôm, thịt heo, cải xanh sống. Tuy nhiên, hai món ăn gần như không thể thiếu là “cù lao” và cá chiên chua ngọt.

Cù lao - món ăn không thể thiếu của người Hoa trong bữa cơm tất niên

Cù lao - món ăn không thể thiếu của người Hoa trong bữa cơm tất niên

Những ngày đầu năm, người Hoa gốc Quảng Ðông kiêng kỵ ăn thịt vịt, thịt ngỗng vì sợ làm ăn chậm chạp. Trái lại, người Hoa gốc Triều Châu lại thích ăn thịt vịt ram khô nguội và dùng nước luộc vịt để nấu xôi.

Riêng về món thịt kho, nếu như người Việt Nam thường kho với trứng vịt, trứng cút thì người Hoa, cả gốc Quảng lẫn Triều Châu lại kỵ trứng. Với họ, hình dạng trứng giống số không sẽ khiến cả năm xui xẻo, không phát đạt.

Người Hoa không kho thịt với trứng vào dịp Tết

Bên cạnh đó, bánh tổ và bánh củ cải là hai món ăn gần như không thể thiếu trong ngày Tết của người Hoa. Bánh tổ được làm bằng bột nếp trộn với đường đã nấu loãng, sau đó đổ vào khuôn hình tròn đem hấp. Còn bánh củ cải được làm từ củ cải trắng và một số nguyên liệu khác như bột gạo, tôm khô, thịt ba rọi, nấm đông cô, cần và tỏi tây.

Bánh tổ đặc trưng của người Hoa

Bánh củ cải

Riêng về những loại bánh dâng lên tổ tiên, ông bà, người Hoa cũng có nhiều điểm khác biệt. Đầu tiên phải kể đến kẹo trái đào và kẹo vàng thỏi. Trái đào tượng trưng cho sự trường thọ, thỏi vàng đại diện cho tiền bạc, sự giàu có, phát tài. Tất cả đều được làm bằng đường, có thể bảo quản đến nửa năm.

Tiếp đến là bánh phát tài hay còn có tên gọi khác là phát cao. Nguyên liệu chính của bánh là bột gạo lên men, được nướng hoặc hấp cho đến khi xòe thành bốn múi như bông hoa. Tên bánh trong tiếng Hoa đồng âm với từ “phất lên”. Theo quan niệm, múi bánh nở càng to, năm đó gia chủ càng phát đạt.

Cùng ý nghĩa về tài lộc, người Hoa còn có bánh trái lựu được làm từ bột gạo hoặc bột mì và mạch nha. Nhân bánh gồm đường thẻ, đậu phộng rang,… Loại bánh này được người Hoa dùng cúng giao thừa, ngày rằm, thờ trời đất, tổ tiên và một số vị thần thánh với mục đích cầu tiền tài, lộc phúc cho gia đình trong năm mới.

Bánh trái lựu cầu tiền tài, lộc phúc cho gia đình

Cho đến thời điểm hiện tại, việc giữ gìn gần như nguyên vẹn những nét riêng biệt trong phong tục Tết của người Hoa đã tạo nên sự đa dạng trong văn hóa dân cư của Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Cứ mỗi dịp xuân về, sắc đỏ lại nhuộm thắm cả quận 5, làm ai ngang qua cũng thấy lòng vui đến lạ.

Xuân Tuyền

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/kham-pha-net-doc-dao-cua-tet-nguoi-hoa-tai-tp-hcm-6854457.html