Khám phá Nepal - Quốc gia có hình quốc kỳ đặc biệt thế giới

Nằm ở dãy Himalaya, thuộc châu Á, quốc gia có 3/4 biên giới giáp Ấn Độ, 1/4 còn lại giáp Tây Tạng, Nepal là quốc gia với địa thế núi non hùng vỹ nhất ở Nam Á. Nơi đây hứa hẹn là điểm dừng chân không thể nào quên với những ai thích 'xê dịch'.

Nepal được mệnh danh là "Amazon của châu Á" (Ảnh: Internet)

Nepal được mệnh danh là "Amazon của châu Á" (Ảnh: Internet)

Theo the Factfile, Nepal trồng 5.980 loài thực vật có hoa, trong đó có 2% các loài lan (hơn 360 loài), 6% các loài đỗ quyên trên thế giới và 250 loài đặc hữu không thấy ở bất cứ đâu khác trên trái đất. Đây là một trong những lý do Nepal được mệnh danh là Amazon châu Á. Với gần 870 loài chim khác nhau, Nepal trở thành nhà của 8% các loài chim trên thế giới. Nepal cũng là quê hương của hơn 650 loài bướm khác nhau cũng như loài bướm đêm lớn nhất thế giới (Atlas) và một số loài ong mật hoang dã lớn nhất.

Nằm ở dãy Himalaya, thuộc châu Á. Nepal là quốc gia trong lịch sử chưa từng bị đô hộ, hay là thuộc địa của cường quốc nào. Đặc biệt, quốc kỳ Nepal là quốc kỳ duy nhất ở thời điểm hiện tại không phải là một hình chữ nhật như các nước khác mà là hai hình tam giác chồng lên nhau. Quốc kỳ này tượng trưng cho Ấn Độ Giáo và Phật giáo. Màu đỏ tượng trưng cho đỗ quyên, quốc hoa của Nepal, đồng thời nó còn là ký hiệu của chiến thắng và hòa hợp. Mặt trăng nói về sự thanh thản và thời tiết mát mẻ trên dãy núi Himalaya, còn mặt trời đại diện cho hiện thân sức nóng của các khu vực thấp ở Nepal.

Nepal - Quốc gia có hình quốc kỳ đặc biệt nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Người Nepal chào nhau như thế nào?

Người Nepal thường áp hai lòng bàn tay vào nhau và để trước ngực rồi cúi đầu nói "Namaste" (tôi cúi đầu chào bạn) như cách làm ở nước láng giềng Ấn Độ, theo Culturalatlas. Cách chào này được xem là thể hiện của sự tôn trọng và biết ơn. Đôi khi người chào chỉ cần nói "Namaste" mà không cần phải dùng cử chỉ.

Trong tín ngưỡng, Nepal là quốc gia duy nhất thờ các nữ thần sống gọi là Kumari. Nữ thần Kumari được cho là hiện thân của Nữ thần Teleju, người có sức mạnh thần kỳ, có khả năng chữa bệnh, thực hiện những điều ước và ban phước lành cho người dân. Kumari là từ trong tiếng Nepal, có nghĩa đen là 'nữ thần đông trinh", là nữ thần sống duy nhất được người theo đạo Hindu và Phật giáo tôn thờ.

Theo truyền thống, người được chọn làm Kumari là những bé gái có độ tuổi từ 2-4 tuổi, sau quá trình lựa chọn sẽ đến ở tại một ngôi nhà riêng tại thủ đô Kathmandu. Mỗi dịp lễ tế, Kumari sẽ đượ trang điểm và mặc trang phục truyền thống của Kumari. Kumari sẽ hoàn thành nhiệm vụ khi đến tuổi dậy thì và sẽ có bé gái khác để kế nhiệm và lặp lại như thế.

Nepal là quốc gia duy nhất thờ các nữ thần sống gọi là Kumari. (Ảnh: Internet)

Tại Nepal, 81,3% người dân theo Ấn Độ giáo, 9% theo Phật giáo, 4,4% là người Hồi giáo, hơn 4% còn lại là những người theo Mundhum giáo, Kitô giáo và các tôn giáo khác. Tuy nhiên, du khách thường biết đến Kathmandu từ lâu được coi là cái nôi của Phật giáo với bảo tháp Boudhanath nằm ở phía tây bắc thành phố, dẫn tới lầm tưởng về tôn giáo của người dân Nepal. Nhiều ngôi chùa cho phép cả người Ấn Độ giáo và Phật giáo vào thờ cúng.

Người Nepal thường áp hai lòng bàn tay vào nhau và để trước ngực rồi cúi đầu nói "Namaste" (tôi cúi đầu chào bạn) như cách làm ở nước láng giềng Ấn Độ. (Ảnh: Internet)

Mặt khác, quốc gia này có mật độ tập trung di sản cao, riêng thung lũng Kathmandu có tới 7 di sản văn hóa thế giới nằm trong bán kính 15 km. Những di sản được UNESCO công nhận tại Kathmandu. Chúng bao gồm điện thờ Bouddhanath Stupa, đền Pashupatinath, đền khỉ Swayambhunath Stupa, đền Changunarayan, 3 quảng trường Kathmandu Durbar, Bhaktapur Durbar và Patan Durbar.

Nepal là một bức tranh văn hóa bí ẩn và sự đa dạng sắc tộc với những truyền thống phong phú mới lạ. Theo lời của Vua Prithvi Narayan Shah, Nepal là khu vườn chung của bốn lâu đài và 36 dân tộc, là nơi tất cả mọi người đều sống trong hòa bình trong nhiều thế kỷ. Chắc chắn không ngoa khi nhận xét Nepal là nơi giao thoa của nhiều chủng tộc, bộ tộc khác nhau. Nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo là một phần không thể thiếu trong nét đặc trưng của người dân Nepal. Đó là những nét đặc trưng khó có thể hòa lẫn với những cách thể hiện khác nhau từ tôn giáo, lễ hội, thức ăn, đồ uống, ngon ngữ, âm nhạc, văn học dân gian, triết học,...

Đỉnh Annapurna I với độ cao trên 8000 mét là một trong những đỉnh núi nguy hiểm nhất thế giới đối với những người leo núi với độ dốc lớn và bề mặt gồ ghề khó leo trèo ở Nepal. (Ảnh: Internet)

Người Tây Tạng- Burmans từ phía bắc và người Indo- Aryans từ phía nam là hai nhóm người ảnh hưởng nhiều phong tục của nhau nhất. Người Sherpa là những người sinh sống chủ yếu ở vùng Himalaya. Họ đến Tây Tạng để buôn bán gạo và giao lưu văn hóa và bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa của Tây Tạng. Người Bà La Môn và người Chettris sinh sống trên khắp đất nước, họ chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi. Người Newars thì trái ngược, họ kinh doanh nhiều hơn, tập chung chủ yếu ở thung lũng Kathmandu và các thị trấn trên khắp Nepal./.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/kham-pha-nepal-quoc-gia-co-hinh-quoc-ky-dac-biet-the-gioi-44036/