Khám phá mưa sao băng, nguyệt thực toàn phần đẹp nhất tháng 5

Trận mưa sao băng Eta Aquarids xuất hiện từ 19/4 kéo dài tới tận 28/5, và đạt cực đại vào ngày 5-7/5. Nguyệt thực toàn phần sẽ xuất hiện vào ngày 26/5. Đây là hai hiện tượng thiên văn đẹp mắt, không nên bỏ qua.

Eta Aquarid là trận mưa sao băng đặt ở trung tâm chòm sao Aquarius, Việt Nam gọi là Bảo Bình.

Eta Aquarid là trận mưa sao băng đặt ở trung tâm chòm sao Aquarius, Việt Nam gọi là Bảo Bình.

Mưa sao băng Eta Aquarids xảy ra khi Trái đất di chuyển qua đuôi của sao chổi Halley. Chính vì vậy chúng ta có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn ánh hào quang khi mảnh vụn của sao chổi vệt qua Trái Đất.

Đây là trận mưa sao băng cỡ trung bình với mật độ lúc cực điểm khoảng hơn 30 sao băng/giờ. Cực điểm trận mưa sao băng sẽ bắt đầu từ ngày 5- 7/5. Thời điểm quan sát tốt nhất là tầm 2h sáng.

Bạn không cần (và không nên dùng) kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào, hãy dùng mắt thường để quan sát mưa sao băng.

Hãy đứng khoảng 5 phút ngoài trời cho mắt quen dần với bóng tối. Khi đó nếu bạn không nhìn thấy các sao trên trời, có nghĩa là mây và khí quyển ô nhiễm đã cản tầm nhìn của bạn, điều này đồng nghĩa bạn sẽ không thấy được sao băng.

Theo tín ngưỡng dân gian khi gặp mưa sao băng bạn chắp tay ước một điều gì đó, điều ước sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học mưa sao băng không gắn với bất kỳ yếu tố tâm linh nào. Đây là sự kiện thường niên, năm nào cũng xuất hiện.

Cùng với mưa sao băng, trong tháng 5 này còn có nguyệt thực toàn phần xuất hiện vào 26/5.

Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng “Mặt trăng máu” bởi nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng thẳng hàng; bóng của Trái đất che phủ hoàn toàn Mặt trăng.

Ánh sáng Mặt trời khi chiếu qua khí quyển của Trái đất, bị khúc xạ và để lại ánh sáng màu đỏ lên bề mặt Mặt trăng. Kết quả, Mặt trăng sẽ chuyển từ màu xám sẫm sang màu cam đỏ. Hiện tượng này được gọi là “Trăng máu”.

Lần nguyệt thực toàn phần này trùng hợp với lúc Mặt trăng ở gần Trái đất nhất, gọi là hiện tượng “siêu trăng”. Vì thế, lúc này Mặt trăng sẽ to và sáng hơn thông thường. Hiện tượng nguyệt thực một phần bắt đầu lúc 1h44 sáng theo giờ Thái Bình Dương. Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu lúc 3h11 sáng và kết thúc lúc 3h25 sáng.

Mời độc giả xem video:Chuẩn bị kịch bản 30 nghìn người mắc Covid-19/Nguồn: VTV TSTC.

Thu Hà

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kham-pha-mua-sao-bang-nguyet-thuc-toan-phan-dep-nhat-thang-5-1530914.html