Khám phá mới về chu kỳ mặt trăng và sức khỏe con người

Mặt trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất và là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt trời. Giống như Mặt trời, hoạt động của Mặt trăng có tác động không nhỏ đến sự sống trên Trái đất, đặc biệt là con người.

Tuần trăng và bệnh rối loạn lưỡng cực

Từ lâu, con người đã đúc rút kinh nghiệm, phát hiện thấy, chu kỳ tuần trăng có tác động tới tâm trạng và tinh thần con người. Theo nghiên cứu do Đại học Y khoa Washington (Mỹ) vừa công bố, thì chu kỳ Mặt trăng liên quan mật thiết tới giấc ngủ cũng như tâm trạng con người. Nó mang tính "trùng hợp hoàn hảo và bí ẩn", nhất là các giai đoạn hưng cảm. Đây là phát hiện đầu tiên liên quan đến vấn đề này, giúp khoa học giải mã đồng hồ sinh học cơ thể, đặc biệt là tác động của tuần trăng tới tâm tính con người, trong đó, bệnh rối loạn lưỡng cực phát triển đỉnh điểm vào dịp trăng tròn.

Rối loạn lưỡng cực hay rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một chứng bệnh gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm). Bệnh có tính chu kỳ xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.

Hiệu ứng kỳ lạ của Mặt trăng tới thực - động vật

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuần trăng còn có một số hiệu ứng kỳ lạ tới các loài thực vật. Theo các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, chu kỳ Mặt trăng và sự phát triển của thực vật có nhiều liên hệ phức tạp và kỳ thú. Ví dụ, sự phát triển rễ của một loài cây ở châu Phi có tên A. thaliana, liên quan tới chu kỳ Mặt trăng. Rễ của loài cây này phát triển mạnh vào dịp trăng tròn. Bí ẩn này khoa học vẫn chưa hiểu rõ.

Tuần trăng còn có tác động chưa lý giải hết với nhiều động, thực vật (Ảnh minh họa)

Tuần trăng còn có tác động chưa lý giải hết với nhiều động, thực vật (Ảnh minh họa)

A. thaliana hay Arabidopsis thaliana là loại cây có hoa nhỏ thuộc Họ Cải nguồn gốc từ vùng bắc châu Phi, có vòng đời tương đối ngắn. A. thaliana có một bộ gene nhỏ, chỉ có 157 cặp megabase (MBP), nhỏ nhất trong số các loài thực vật có hoa. Ngoài A. thaliana, một số nghiên cứu còn phát hiện thấy sự tăng trưởng lá của một số loài cây cũng bị tác động rất mạnh bởi Mặt trăng, nhất là giai đoạn trăng tròn.

Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Journal of the American Veterinary Medical Association (Mỹ), vào dịp trăng tròn, các bác sĩ thú y phát hiện thấy loài vật nuôi như chó mèo dễ bị tổn thương và cần tới sự chăm sóc của con người nhưng không rõ lý do. Một số nghiên cứu còn phát hiện thấy, đây là giai đoạn các loài vật trở nên hung dữ, dễ cắn người cũng như đồng loại.

Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí PloS ONE, vào giai đoạn trăng tròn, cách săn mồi của các loài động vật ăn thịt, như hổ, báo, sư tử... cũng thay đổi rất lạ. Ví dụ, sư tử châu Phi hung dữ hơn thường ngày. Mặc dù nguyên nhân chưa rõ nhưng khoa học cho rằng, dịp trăng tròn, có nhiều ánh sáng hơn nên các loài vật đã tìm cách lẩn trốn, khiến sư tử trở nên "đói mồi" và hung dữ hơn so với ngày thường.

Chu kỳ "đèn đỏ" của phụ nữ "copy" chu kỳ Mặt trăng?

Từ lâu, chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ diễn ra hợp với chu kỳ Mặt trăng. Một vài nghiên cứu khoa học phát hiện thấy mối liên hệ nói trên. Theo các nghiên cứu này, vào thời điểm trăng tròn, cơ thể phụ nữ có mức hormone tăng cực đại. Charles Darwin, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên người Anh lập luận, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ trùng với chu kỳ Mặt trăng hàng tháng. Darwin cho rằng con người đầu tiên đến từ đại dương nên đồng hồ sinh sản của cơ thể được điều chỉnh dựa theo chu kỳ mặt trăng.

Giấc ngủ của con người và hiệu ứng từ Mặt trăng

Mọi người đều có những cơn buồn ngủ. Cơn buồn ngủ được gây ra bởi một loạt yếu tố, như căng thẳng, thời tiết, ăn uống... Hầu hết nguyên nhân gây buồn ngủ thường được phát hiện và điều chỉnh nên không để lại những hệ lụy bất an. Tuy nhiên có một điều người ta vẫn chưa hiểu rõ, vì sao con người ngủ không ngon giấc, ngủ chập chờn hay thức trắng... lại liên quan đến chu kỳ Mặt trăng.

Nghiên cứu của Đại học Basel (Thụy Sỹ) phát hiện thấy, Mặt trăng có liên quan đến các kiểu ngủ của con người. Theo đó, vào dịp trăng tròn, người ta phải mất thêm 5 phút để tìm đến giấc ngủ, thời gian ngủ giảm trung bình 20 phút. Trong giai đoạn trăng tròn, mức độ melatonin trong cơ thể thấp hơn bình thường. Ngoài ra, trong giai đoạn trăng tròn, tần suất hoạt động của não cũng giảm đi đáng kể.

Nguồn: (Theo HMO/LC/RN)

Nam Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/kham-pha-moi-ve-chu-ky-mat-trang-va-suc-khoe-con-nguoi-20201006163142834.htm