Khám phá lễ hội nơi vùng sông nước xứ Thanh

Nếu đã từng hòa mình trong những lễ hội nổi tiếng nơi vùng sông nước xứ Thanh, hẳn bạn sẽ cảm nhận được niềm tin tín ngưỡng tâm linh mãnh liệt mà cư dân nơi sóng nước gửi gắm ở đấy. Những lễ hội Cầu Ngư; lễ hội Ba Bông; lễ hội Lạch Bạng... dù diễn ra ở từng thời điểm khác nhau, nhưng ước vọng được chở che, phù trợ của con người trước mẹ thiên nhiên là điều rất rõ.

Độc đáo di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu Ngư

Xứ Thanh với hơn 102 km đường bờ biển kéo dài qua 6 huyện, thị xã ven biển. Văn hóa biển được xem là một trong những nét đặc trưng của vùng đất Thanh Hóa. Hệ thống đền thờ, lễ hội gắn liền với tín ngưỡng văn hóa dân gian của cư dân vùng biển chính là nguồn sức mạnh để ngư dân thêm vững tin trước bão tố trùng khơi, mưu sinh bám biển tự ngàn vạn năm qua. Và nhắc đến tín ngưỡng văn hóa vùng biển xứ Thanh, chắc chắn không thể bỏ qua vùng đất Diêm Phố (xã Ngư Lộc) nơi diễn ra lễ hội Cầu Ngư - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đặc sắc bậc nhất.

Phố biển Diêm Phố vốn chật chội với mật độ dân số được xếp vào nhóm cao bậc nhất cả nước. Những con đường nhỏ, nhà cửa chen chúc, mặn mòi vị biển phả vào không gian khiến cho kẻ viễn khách ấn tượng ngay từ lần ghé thăm đầu tiên. Người chưa hiểu vẫn thường tự hỏi vì sao người dân Diêm Phố không tìm chốn khác mưu sinh, dựng nghiệp? Tại sao lại cứ nhất định phải bám trụ lấy phố biển chật hẹp? Điều này thật khó để nói rõ ràng, chỉ biết với nhiều người, biển như mẹ, như cha. Cuộc sống mưu sinh trước biển, nơi đầu sóng ngọn gió dù không dễ dàng nhưng nó dường như đã trở thành một thứ mạch ngầm văn hóa chảy trong huyết quản. Sống ở đây dẫu nhọc nhằn nhưng đi xa thì nhớ đến cồn cào, da diết. Bởi thế nên người ta đã trở về với Diêm Phố, trở về để xây dựng kinh tế, làm giàu theo cái cách mà phố biển vẫn đang chuyển mình từng ngày.

Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017.

Lễ hội Cầu Ngư diễn ra từ 22 - 24 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, thu hút hàng vạn người dân và du khách trở về trẩy hội. Cuộc sống gắn liền với biển cả khiến cho người dân nơi đây vẫn hằng tin rằng, sự may mắn trong mỗi chuyến ra khơi của mình có sự phù trợ của những vị thần nơi biển cả. Chẳng biết tự bao giờ vào mỗi dịp đầu năm, những cư dân ngư nghiệp lại bắt đầu tổ chức thực hiện nghi lễ cầu mát (cầu ngư) trước vị thần biển với ước vọng cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, lộc biển về đầy khoang mỗi chuyến ra khơi, cuộc sống no đủ. Trải qua thời gian, nghi thức dần trở thành lễ hội lớn bậc nhất trong năm với người dân làm nghề đi biển ở Diêm Phố và vùng lân cận.

Lễ hội Cầu Ngư ở Diêm Phố được chuẩn bị và tổ chức với tất cả sự thành kính, công phu để gửi gắm những ước vọng gắn liền với đời sống của người dân sống bằng nghề bám biển. Dù là lễ hội truyền thống song trước mỗi mùa lễ hội đều sẽ có một hội nghị với sự tham gia của chính quyền địa phương và các bậc bô lão trong làng bàn họp về công tác tổ chức để mọi thứ được chuẩn bị chu toàn và cẩn trọng nhất. Lễ hội diễn ra với rất nhiều nghi thức cùng vật cúng tế, trong đó, thuyền Long Châu được xem là trung tâm của lễ hội.

Thuyền Long Châu là một chiếc thuyền cúng tế do chính các nghệ nhân trong làng tạo nên. Cứ vào đầu tháng 2 âm lịch, hàng chục nghệ nhân có kinh nghiệm của làng Diêm Phố lại bắt tay vào làm thuyền. Thuyền Long Châu được tạo nên từ việc lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất (tre, luồng, giấy...). Và thuyền nhất định phải hoàn thành trước ngày 22/2 (âm lịch) để kịp vào lễ hội. Thuyền dài hơn 10m, được làm giống như mô hình thuyền thật song rất lộng lẫy, rực rỡ. Để rước được thuyền phải dùng đến sức của khoảng 50 trai tráng có sức khỏe trong làng. Bắt đầu vào lễ hội Cầu Ngư, thuyền Long Châu được di chuyển về trung tâm văn hóa xã. Tại đây, người dân sẽ tập trung về dâng lễ và tham gia vui hội. Đến sáng ngày 24/2, nghi thức cúng lễ Cầu Ngư được cử hành và chính thức khai hội. Mọi nghi lễ trong lễ hội sẽ kết thúc vào buổi chiều cùng ngày sau khi thuyền Long Châu được rước ra bên ngoài bờ biển. Tại đây, thuyền được hóa với sự chứng kiến, dõi theo của đông đảo người dân và du khách. Khi thuyền được hóa thành công, ngư dân tin rằng tấm lòng của họ đã được vị thần biển cả chứng thực. Để từ đây, thần linh sẽ phù trợ cho ngư dân một năm làm nghề no đủ, bội thu, yên lành.

Nói về lễ hội Cầu Ngư, cụ ông Nguyễn Văn Minh - Phó Ban Quản lý cụm di tích lịch sử Diêm Phố cho biết: “Đây là lễ hội linh thiêng bậc nhất của cư dân Diêm Phố. Lễ hội được trao truyền qua hàng trăm năm, gắn liền với đời sống người dân biển Ngư Lộc. Tùy vào điều kiện kinh tế của người dân mà lễ hội được tổ chức. Song đã thành thông lệ, vào năm chẵn, năm tròn thì sẽ là đại lễ với quy mô và nghi thức có những khác biệt nhất định”.

Không thể so sánh về mức độ quy mô như lễ hội Cầu Ngư ở Diêm Phố song lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển cửa Lạch Bạng xã Hải Thanh, Hải Bình (TX Nghi Sơn) cũng hấp dẫn không kém. Theo đó, lễ hội diễn ra vào trung tuần tháng tư âm lịch hàng năm ngay tại di tích đền Lạch Bạng, bên sóng nước mênh mông. Bắt đầu bằng nghi thức rước cỗ từ xã Hải Bình đến cảng cá Lạch Bạng, rồi rước về đình làng Thanh Đình và cuối cùng trở về đền Lạch Bạng - nơi thờ tứ vị thánh nương. Trong quan niệm dân gian của người dân biển, họ luôn tin rằng tứ vị thánh nương đã phù trợ, giúp đỡ và chở che cho ngư dân mưu sinh trên biển.

Được xem là một trong những trung tâm nghề biển của xứ Thanh, Lạch Bạng vì thế thu hút lượng lớn tàu thuyền của ngư dân ở nhiều tỉnh thành về đây giao thương. “Có lẽ vì thế mà trong lễ hội Cầu Ngư ở Lạch Bạng, vẫn thường có sự tham gia của khá đông ngư dân ở Quảng Ngãi trở ra” - ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Ban Quản lý cụm di tích Lạch Bạng chia sẻ.

Ngã ba sông có lễ hội Ba Bông

Có một nơi ở xứ Thanh mà chỉ tiếng gáy thôi cũng 6 huyện cùng nghe, đó là ngã ba sông - ngã ba Bông, nơi gặp gỡ, giao thoa và tách dòng của sông Mã và sông Lèn, tạo nên một ngã ba sông huyền thoại với hiện hữu thắng tích Hàn Sơn - Ba Bông đắm say lòng người.

Về với lễ hội Ba Bông diễn ra vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm, người đi lễ thường không quên dâng lên cô Ba Bông những loại hoa màu trắng.

Tương truyền, đền Ba Bông là nơi thờ cô Bơ Bông vốn là con gái vua thủy tề, được vua cha phái truyền lên giúp đỡ nhân dân và nghĩa quân Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Cô Bơ hóa thân thành cô gái thuyền chài khỏe khoắn, dẻo dai chuyên chở quân lương, thảo dược và binh lính qua sông. Cuộc kháng chiến chống Minh thành công, vì lưu luyến trần gian nhiều sắc màu, lại thương cho cuộc sống nhân dân còn khó khăn, đến hạn trở về chốn thủy cung mà cô vẫn âm thầm giúp đỡ, phù trợ để mỗi tàu bè qua đây được sóng yên biển lặng, bình yên trở về sau. Nhớ ơn cô nhân dân đã lập đền thờ ngay bên bờ sông, hương khói phụng thờ. Đặc biệt, với những người làm nghề sông nước, đi qua ngã ba Bông, sao có thể không neo đậu bến thuyền lên dâng hương để cầu cô Bơ phù trợ cho may mắn, bình an.

Cũng như đền Ba Bông, đền Hàn Sơn gắn với truyền thuyết về mẫu Hàn Sơn. Tương truyền, thánh mẫu Hàn Sơn đã nhiều lần giúp cho nhà Lê trong cuộc nội chiến với nhà Mạc. Nhớ ơn mẫu Hàn Sơn, tướng Lê Thọ Vực đã cho lập đền thờ Mẫu trên đỉnh núi Chúa. Qua thời gian, để tiện cho việc dâng hương, hành lễ, nhân dân đã dời đền từ đỉnh xuống dưới chân núi, nằm ở vị trí “nhị sơn hạ thủy” (hai bên là núi, ở dưới là sông).

Ngưỡng vọng và tưởng nhớ công ơn của mẫu Hàn Sơn và cô Bơ Bông hàng năm nhân dân lại đổ về đây trẩy hội. Không ai biết rõ nguồn gốc về thời gian diễn ra lễ hội. Nhưng đến hẹn lại về, tháng 6 âm lịch hàng năm, dù nắng nóng cháy da hay mưa dầm dề ướt đẫm cũng chẳng thể ngăn những bước chân mộ đạo. Khoảng thời gian này, không khí cả khúc sông náo nhiệt, sôi động lạ thường. Lễ hội Hàn Sơn - Ba Bông diễn ra trong cả tháng 6 và chính hội vào ngày 12/6.

Theo truyền thuyết và tín ngưỡng văn hóa dân gian, lễ hội Hàn Sơn - Ba Bông là một trong những lễ hội lớn bậc nhất trong tín thờ Mẫu không chỉ ở xứ Thanh. Theo đó, mẫu Hàn Sơn và cô Ba Bông là những vị thánh đại diện của Thủy phủ nằm trong hệ thống tứ phủ. Mẫu Hàn Sơn (mẫu Đệ tam) và cô Bơ Bông (hàng cô) là những vị thánh đại diện cho Thủy phủ.Trong đó, vì có công giúp vua nên khi cô thác, nhà vua đã ban cho nhân dân lập đền thờ cô. Cô Bơ Bông với tài sắc vẹn toàn, khi thác đã hiển linh giúp đỡ nhân dân trong buôn bán, làm ăn, chữa bệnh, giúp người, giúp đời. Bởi vậy, lượng du khách trở về đây tham dự lễ hội đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình... Và tự xa xưa, Hàn Sơn - Ba Bông đã là khu vực có đời sống sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu sôi động bậc nhất.

Tìm về những lễ hội dân gian nơi vùng sông nước xứ Thanh không chỉ để hiểu hơn tín ngưỡng văn hóa của người dân cư ngụ nơi ấy. Đó còn là hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa của mỗi vùng đất, con người. Ta một lần nữa cảm ơn tạo hóa đã ưu ái ban tặng, tiền nhân nương theo đó mà sáng tạo, vun đắp. Để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đặc sắc và vô giá, nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho mỗi người dân!

Thu Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/kham-pha-le-hoi-noi-vung-song-nuoc-xu-thanh-77853