Khám phá không gian văn hóa vùng biển xứ Thanh (Bài 4): Nơi sông Yên - cửa Lạch Trường

Nếu Hoằng Hóa sở hữu đường bờ biển dài 14 km với cửa Lạch Trường nối liền vùng biển Hậu Lộc thì gần 18 km đường bờ biển ở Quảng Xương (Thanh Hóa), nơi con sông Yên xuôi mình ra biển lớn cũng là khẳng định quan trọng về không gian sinh tồn gắn với biển cả của người dân. Từ bãi tắm Hải Tiến (Hoằng Hóa), đến Tiên Trang (Quảng Xương) cảnh sắc hoang sơ đang dần chuyển mình phát triển du lịch. Qua bao đời, vị mặn mòi của biển cả đã ăn sâu vào đời sống, thấm trong hơi thở, tạo nên tính cách của những cư dân biển. Và đặc biệt, 'dấu chân' của các vị anh hùng thuở trước, để lại cho hậu thế hôm nay hệ thống di tích, đền, bia, lễ hội văn hóa truyền thống.

Sông Yên, nơi trở về neo đậu của tầu thuyền sau mỗi chuyến vươn khơi.

Về Lạch Trường - Hải Tiến

Tôi vẫn nhớ, lần đầu mình đặt chân đến vùng biển Lạch Trường (xã Hoằng Trường) vào đúng thời điểm khánh thành tượng đài Lão quân Hoằng Trường. Nơi ấy, có núi Linh Trường tiếp nối dãy Kim Chuế kéo dài ra mũi Hòn Bồ với độ cao hơn 200m so với mực nước biển đã tạo nên một vị trí chiến lược quan trọng cho nhiệm vụ bảo vệ không phận, hải phận của Tổ quốc. Chính tại nơi đây, ngày 5/8/1964, trước mưu đồ bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, lực lượng Hải quân Việt Nam phối hợp với dân quân tự vệ Lạch Trường làm nên một sự kiện chấn động: bắn rơi máy bay của đế quốc Mỹ. Lạch Trường là thắng lợi đầu tiên của Hải quân Việt Nam trong cuộc đối đầu khốc liệt với đế quốc Mỹ. Sự kiện không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn đem theo cả niềm tin để nhân dân ta quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc chiến tưởng chừng không cân sức.

Song, Lạch Trường không chỉ là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử. Nơi đây, từ xa xưa, với lợi thế cửa biển, Lạch Trường vốn là điểm dừng chân trên những chuyến thuyền tuần du của vua, chúa và cả thuyền buôn. Trần Phu, một sứ thần nhà Nguyên khi sang nước ta đã viết trong An Nam tức sự, đại ý: các phiên thuyền ở hải ngoại tụ tập ở đấy (Lạch Trường - PV), họp chợ ngay trên thuyền, thật là một thị trấn lớn... Nhận định này càng được củng cố khi nhiều năm về trước, trong một lần khảo cổ ở vùng đất Lạch Trường, các nhà khoa học đã tìm thấy cây đèn bằng đồng với yếu tố văn hóa Ấn Độ. Cùng với đó là nhiều ngôi mộ táng trang trọng thuộc niên đại Đông Hán (thế kỷ I-III) bên trong có nhiều cổ vật mang ảnh hưởng văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Từ đây, các nhà nghiên cứu đã xác định, từ xa xưa, khi giao thông đường biển, đường sông giữ vị trí quan trọng, các nhà sư truyền đạo đã theo các thuyền buôn đến cửa biển Y Bích (Lạch Trường) để truyền đạo và giáo lý nhà Phật.

Với lợi thế ấy, cũng thật dễ hiểu khi Lạch Trường rất sớm đã trở thành vùng đất quần cư của người Việt thuở xưa. Con người nơi đây đã dựa vào biển cả để bám biển, mưu sinh, xây làng dựng ấp, tạo dựng cuộc sống ấm no. Để bảo vệ mình, ngoài sự cẩn trọng và những kinh nghiệm trao truyền, người dân biển cũng gửi gắm niềm tin với những vị thần tối linh trong trời đất. Theo đó, dưới chân núi hòn Bồ là đền Tam quan. Không ai biết chính xác về thời gian ngôi đền thiêng xuất hiện. Nhưng có một điều chắc chắn, bao đời nay, trước mỗi chuyến vươn khơi, ngư dân đều dừng chân vào đến dâng lễ, cầu xin thần linh phù trợ, giúp đỡ cho mỗi chuyến thuyền được trở về bình an, đầy khoang tôm cá. Niềm tin tâm linh ấy, ví như mạch nước ngầm nuôi dưỡng hi vọng, khát khao sống, mưu sinh của con người trước biển cả.

Từ Lạch Trường xuôi về phía Nam khoảng 7 km theo con đường ven biển, du khách sẽ bắt gặp bãi biển Hải Tiến - điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong mùa hè. Sự chuyển mình phát triển của biển Hải Tiến với bãi biển hoang sơ, giầu tiềm năng gắn liền với hệ thống dịch vụ phụ trợ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng Hải Tiến không chỉ có biển. Cách bờ biển Hải Tiến chưa đầy 1km là đền thờ Tô Hiến Thành - di tích kiến trúc nghệ thuật vô cùng đặc sắc với những mảng chạm khắc, đắp nổi hiển hiện trên từng thớ gỗ, bức phù điêu của người nghệ nhân tài hoa xưa kia. Cùng với đó, bên trong đền hiện còn lưu giữ một số hiện vật quý, sắc phong qua các triều vua.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Tô Hiến Thành ở xã Hoằng Tiến mang vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống.

Nói về di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Tô Hiến Thành, bác Bùi Trí Đương, thủ từ đền thờ cho biết: “Theo thần phả địa phương, Tô Hiến Thành là đại quan thời Lý, khi ông làm quan trong Thanh Hóa, công lao của ông gắn với việc giúp dân khai hoang, lấn biển, lập làng. Bởi vậy, sau khi ông mất, đến thời Trần, nhân dân trong vùng đã cùng nhau đóng góp khởi dựng ngôi đền và tôn ông làm Thành hoàng muôn đời phụng thờ. Trong chiến tranh, dù bom đạn ác liệt nhưng đền thờ vẫn đứng vững. Di tích xưa kia nằm sâu trong làng, tuy nhiên, quá trình xâm thực của sóng biển khiến cho di tích giờ đây chỉ cách bờ biển chưa đầy 1 km”. Mỗi năm, vào ngày 6/2 (âm lịch) người dân trong vùng cùng trở về di tích tổ chức lễ hội Cầu Phúc. Tiếp đó, vào tháng 6 âm lịch với thời tiết chính hạ gay gắt, hạn hán, các cụ già trong làng lại tới đền sắm sửa lễ vật để “cầu vũ” mong mưa cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Năm 2018, đền thờ Tô Hiến Thành đã được mở rộng khuôn viên nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách khi về du lịch Hải Tiến.

Trải qua thời gian, một số di tích gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân biển Hoằng Hóa đang dần được khôi phục, trùng tu, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân và phục vụ du khách khi về với vùng biển Lạch Trường - Hải Tiến: lễ hội Cầu Ngư; công viên văn hóa tâm linh Lạch Trường...

“Làng Mom hình tựa quả bầu / Đền trên, đình dưới, sông sâu trước làng”

Trong số các xã ven biển của huyện Quảng Xương, Quảng Nham có lẽ là địa phương có đời sống, tín ngưỡng tâm linh của cư dân vùng ven biển đặc trưng nhất. Sau những ngày căng buồm với sóng biển, tầu thuyền lại trở về nằm neo đậu nghỉ ngơi nơi bến sông quê yên bình, tĩnh lặng. Dưới khoang tầu, người đàn ông vùng biển đang trần mình kiểm tra ngư lưới cụ, chuẩn bị vật dụng cho chuyến đi tiếp theo. Cứ như vậy, nghề biển đã trở thành sinh kế cho những thế hệ con người sinh ra bên bờ sông Yên. Như hầu hết địa phương ven biển, với dân số trên 16.000 người, Quảng Nham cũng là xã có mật độ dân quần cư cao. Trong đó, ở thời điểm hiện tại, có khoảng 50% dân số xã biển vẫn theo nghề truyền thống.

Bia Tây Sơn trong cụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn xã Quảng Nham.

Người ta nói, muốn biết lịch sử một vùng đất, hãy tìm đến với di tích, đó chắc chắn là kho tư liệu sống động cho kẻ viễn khách. Với xã Quảng Nham, cụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn được xem như một cuốn “sử làng” thu nhỏ.

Ông Trần Nhân Tâm - Trưởng Ban Thường trực di tích đền Phúc và bia Tây Sơn hồ hởi chia sẻ, giới thiệu cho tôi nghe về làng và di tích: xã Quảng Nham xưa kia vốn có tên là Cự Nham và tên tục thường gọi là “làng Mom”. Mom được hiểu là phần đất bồi lấp nằm ở rìa sông với đặc thù “trong sông ngoài biển”. Vừa nói, ông vừa chỉ tay “đây là sông Yên và kia là biển”. Tiện thể, ông lại cất lời đọc câu ca cổ “Làng Mom hình tựa quả bầu / Đền trên, đình dưới sông sâu trước làng” cùng lời diễn giải đầy tự hào: chỉ có một cặp lục bát mà bao quát, giới thiệu hết đặc trưng của làng chúng tôi rồi đấy!

Người dân Quảng Nham tin rằng, lịch sử hình thành làng “Mom” có từ thời Lý, gắn liền với sự xuất hiện ngôi chùa làng được khởi dựng cùng sự phát triển của đạo Phật. Đến thời Trần, trong ba lần nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông, vùng biển trên địa bàn làng Mom là một trong những vị trí ghi nhận trận chiến ác liệt của quân dân nhà Trần với giặc ngoại xâm. Nơi đây, danh tướng Trần Nhật Duật - Đô đốc thủy quân huấn luyện quân sĩ đã chỉ huy quân sĩ và nhân dân ta chặn đánh kẻ thù tiến vào Thanh Hóa theo đường bờ biển, bảo toàn lực lượng cho vua quan nhà Trần. Ngưỡng vọng tài năng của vị tướng tài danh nhà Trần, nhân dân làng Mom đã lập ngôi đền, thờ: Trần Hưng Đạo; Trần Nhật Duật và Trần Khát Chân. Khởi nguồn từ đấy, ngôi đền đến nay đã có lịch sử ra đời 7 thế kỷ.

Tương truyền, anh em nhà Tây Sơn trên đường tiến quân ra Bắc đánh tan quân Thanh, khi hành quân qua đây, đã xuống thuyền lên đền dâng hương lên các vị tiền nhân cầu xin giúp đỡ. Thắng trận trở về, lên ngôi, vua Quang Trung đã sắc phong đổi tên di tích là “đền Phúc”, sắc phong “Thượng thượng đẳng thần” đồng thời hạ lệnh cho người dân khắc bia ghi nhớ và trùng tu ngôi đền ngày một khang trang. Qua hơn 200 năm, bia Tây Sơn đến nay vẫn hiện diện tại di tích đền Phúc, nội dung văn bia ca ngợi công lao phù trợ của thánh thần và nhân dân Quảng Nham đã giúp nghĩa quân đánh giặc.

Cũng theo ông Trần Nhân Tâm, di tích đền Phúc và bia Tây Sơn là sự hiển hiện đồng hành của các loại hình tín ngưỡng tâm linh của người Việt nói chung và người dân biển nói riêng: thờ Phật; thờ Thánh; thờ Cá Ông (cá voi)... Cũng tại đây, để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu, nhân dân trong làng còn lập nên ngôi đền thờ Mẫu. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng những biến động lịch sử, di tích đã xuống cấp không ít. Ở thời điểm hiện tại, với sự hỗ trợ kinh phí chống trùng tu xuống cấp của Nhà nước, di tích đền Phúc và bia Tây Sơn đang được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân phối hợp đóng góp trùng tu, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng.

Gắn liền với di tích, người dân Quảng Nham có đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh hết sức đặc sắc. Theo đó, bắt đầu từ ngày mùng 2 đến16 tháng Giêng hàng năm, tại di tích đền Phúc và bia Tây Sơn diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động lễ hội hết sức ý nghĩa: khai hội Cầu Ngư; chèo chải; dâng mã; đánh cờ người; múa võ Tây Sơn... với tất cả sự hân hoan, niềm vui cùng ước vọng cho một năm mới may mắn, thuận lợi và bình an.

Thu Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/kham-pha-khong-gian-van-hoa-vung-bien-xu-thanh-bai-4--noi-song-yen--cua-lach-truong-70892