Khám phá không gian văn hóa vùng biển xứ Thanh (Bài 1): Cửa Thần Phù và truyền thuyết nơi đảo hoang

Tạo hóa ưu ái đã ban tặng cho xứ Thanh hơn 100 km đường bờ biển với những bãi biển tuyệt đẹp cùng nguồn lợi thủy hải sản phong phú, cửa lạch, vũng, đảo... Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để hình thành nên những cộng đồng dân cư vùng biển từ ngàn đời nay. Với người dân vùng biển, dù là bậc phụ lão hay ấu nhi thì dường như hơi vị mặn mòi của biển cả với thuyền đầy cá tôm hay cuồng phong, sóng dữ cũng chỉ là những điều bình dị thân quen thấm sâu vào trong huyết quản, tạo nên tính cách và con người vùng biển 'ăn sóng nói gió' chẳng thể lẫn lộn. Nhưng đời sống của người dân biển đâu chỉ có những nhọc nhằn mưu sinh. Ở đó, trải qua trăm năm, ngàn năm còn là sự chắt chiu, gom nhặt, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của cha ông với những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng tâm linh: di tích, lễ hội, nghi thức thờ cúng... tạo nên một không gian văn hóa biển đặc trưng, gửi gắm ước mơ, khát vọng của con người.

Tượng thiền sư Nguyễn Minh Không trên đỉnh Hàn Sơn.

Chính hạ, vùng đất cổ tích Nga Sơn đang mùa thu hoạch cói, những cánh đồng cói xanh thẳm mướt mắt với hương thơm nhẹ quện lẫn trong màu nắng hạ tạo nên một “hương vị” vô cùng đặc trưng. Đứng giữa không gian đồng bằng tươi tốt, làng quê trù phú, yên bình thật khó để tưởng tượng nơi đây xưa kia vốn là biển cả cuộn trào sóng dữ. Vậy nhưng, hàng loạt địa danh, di tích, lễ hội... được hình thành cùng quá trình khai hoang, lấn biển lập làng của người dân đã dẫn dụ, giúp hậu thế hôm nay ngược thời gian trở về quá khứ, thêm tự hào về lịch sử cha ông.

Nhắc đến vùng biển Nga Sơn, có thể nào bỏ qua một di tích - địa danh vô cùng nổi tiếng từ thuở xa xưa: cửa Thần Phù. “Lênh đênh qua cửa Thần Phù; khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”. Không ai biết câu ca dao có từ bao giờ, cũng giống như sự linh ứng của di tích. Tuy vậy, những huyền tích và cả sự kiện lịch sử có liên quan đến di tích thì cứ đan xen, nối dài vô cùng huyền ảo.

Là hậu sinh, chúng tôi cũng tìm đến địa danh cửa Thần Phù theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương. Di tích nằm ở làng Chính Đại, xã Nga Điền (Nga Sơn), khu vực giáp ranh giữa hai huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) và Yên Mô (Ninh Bình). Không có sự phân định địa giới thực sự rõ ràng, nhưng người dân địa phương đều hiểu, chỉ cần “bước chân sang đó” là đất Ninh Bình. Đứng giữa một vùng lau sậy, trước mặt là con sông Hoạt (sông Nhà Lê), xung quanh có núi... và người dân khẳng định: đây chính là cửa Thần Phù xưa kia!

Chùa Hàn Sơn nằm ngay vị trí cửa Thần Phù xưa kia.

Cảnh vật ở thời điểm hiện tại khiến cho hậu thế thật khó tưởng tưởng đây chính là khu vực sóng biển cuộn trào xưa kia. Vậy nhưng, đó lại là sự thật. Với sự bồi lấp của Phù Sa, mỗi năm vùng đất nơi đây xâm lấn ra biển trung bình khoảng 100 m. Nếu lấy khoảng cách này nhân với hàng nghìn năm lịch sử đất nước thì tưởng chừng cũng là điều dễ hiểu. Và cửa Thần Phù giờ đây, khoảng cách tới biển ước ước chừng trên 10km.

Cơn gió thổi nhẹ mát lạnh giữa ngày hè làm bừng tỉnh những suy tư. Bác Hoàng Văn Trường, một người dân làng Chính Đại chất phát nhưng luôn say mê với lịch sử vùng đất dẫn chúng tôi tham quan một vòng di tích. Vừa đi, bác vừa giới thiệu: “Kia là núi Cồn Xe, tương truyền là nơi yên nghỉ của Áp Lãng chân nhân; đây là núi Hàn Sơn (núi lạnh) có ngôi chùa cổ Hàn Sơn; còn kia là khu vực thờ tự được người dân đắp nổi trên đá núi Hàn Sơn hình ảnh sóng dữ ở cửa Thần Phù xưa kia"...

Bắt đầu từ câu chuyện vị đạo sĩ đang yên nghỉ ở núi Cồn Xe. Tương truyền, vua Lê Đại Hành trên đường xuôi về phương Nam dẹp giặc Chiêm Thành, khi thuyền quân đi qua vùng biển Nga Sơn sóng to gió lớn buộc phải dừng lại. Bất ngờ, từ trên núi xuất hiện vị đạo sĩ tên La Thế Viện. Ông nói sẽ giúp nhà vua vượt qua sóng dữ. Quả nhiên sau đó, những chiến thuyền đã vượt qua biển cả trùng khơi an toàn. Khi trở về qua đây, nhớ ơn vị đạo sĩ, nhà vua đã phong hiệu cho ông là Áp Lãng chân nhân (người dẹp yên được sóng dữ). Câu chuyện về vị Áp Lãng chân nhân cũng gắn liền với những cuộc hành quân chinh phạt giặc Chiêm Thành của các vị vua nổi tiếng trong lịch sử: Lý Thái Tông; Lê Thánh Tông... nhiều ý kiến cho rằng, tên gọi “cửa Thần Phù” được chính thức gọi tên từ thời Lê Sơ. Và xưa kia, dù là đấng quân vương hay dân thường, khi di chuyển qua đây, đều phải kính lễ nghiêm cẩn, cầu mong thần linh phù hộ. Có như vậy, mới hi vọng bình an mà vượt qua sóng dữ.

Không chỉ truyền thuyết, sử sách cũng nhắc đến cửa Thần Phù với những sự kiện và nhân vật lịch sử cụ thể: tướng nhà Hán là Mã Viện khi xâm lược nước Việt năm 43 đã dẫn theo 2 vạn quân trên 2 nghìn chiến thuyền lớn nhỏ tiến vào Cửu Chân (Thanh Hóa). Khi đến vùng biển Thần Đầu (Thần Phù) gặp phải sóng dữ không cách nào qua được, hắn đành phải sai quân đào sông qua núi đá để đi đường vòng, về sau thư tịch cổ gọi nơi đó là Tạc Khẩu; trong giai đoạn Lê Trung Hưng (nội chiến Lê - Mạc; thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh), cửa Thần Phù cũng được xem là một vị trí quan trọng, nơi diễn ra những cuộc chiến quan trọng trong lịch sử.

Chữ “Thần” khắc trên vách đá thuộc núi Thần Đầu.

Và, ở vị trí cửa Thần Phù ngày nay, còn cả ngôi chùa cổ mang tên Hàn Sơn được khởi dựng từ thời Lý, gắn liền với tên tuổi của thiền sư Nguyễn Minh Không (tức Lý Quốc Sư). Theo đó, ông vốn người Ninh Bình. Trước khi xuất gia, ông đã đến vùng biển Điền Hộ - Thần Phù (nay là xã Nga Điền) làm nghề chài lưới. Tại đây, ông dạy nhân dân trong vùng mưu sinh dựa vào biển cả. Nhớ ơn, khi ông xuất gia, nhân dân Điền Hộ đã lập chùa thờ Phật và tưởng nhớ công đức của vị thiền sư họ Nguyễn. Bởi vậy, chùa Hàn Sơn còn được biết đến với tên gọi chùa Không Lộ. Theo đó, trên đỉnh Hàn Sơn, nơi chùa dựa lưng vào đá núi vẫn còn đó bức tượng vị quốc sư triều Lý ngự ở đấy để nhân dân chiêm bái, phụng thờ. Trải qua cả ngàn năm từ khi khởi dựng, chùa Hàn Sơn đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đến nay, chùa vẫn là địa điểm thờ Phật được nhân dân xa gần biết đến.

Một điều thú vị, cách Hàn Sơn tự không xa, người dân trong vùng còn phát hiện một chữ “Thần” lớn khắc trên vách đá thuộc núi Thần Đầu. Nhân dân tin rằng, chữ “Thần” hẳn nhiên có mối liên hệ với địa danh cửa Thần Phù cùng những truyền thuyết đầy huyền thoại, hấp dẫn về những vị thần tối linh.

Có lẽ, ít có nơi nào mà truyền thuyết và lịch sử lại có sự đan xen kì thú như vùng đất Nga Sơn. Câu chuyện về vị Hoàng tử Mai An Tiêm vì thẳng thắn, cương trực mà bị đày ra nơi đảo hoang đến nay vẫn khiến hậu thế không khỏi ngưỡng mộ. Vậy nhưng, cũng như bao người Việt kiên cường, vị hoàng tử không đầu hàng nghịch cảnh và từ bỏ khát vọng được sống, được khẳng định chính mình. Bởi vậy, nơi đảo hoang, sự sống đã bắt đầu được ươm mầm. Và sự tích dưa hấu cũng bắt đầu từ thuở ấy, để lại cho người dân Việt Nam hôm nay một câu chuyện thật đẹp lại rất đời.

Khẳng định về sự xác tín của một truyền thuyết là điều chẳng thực sự cần thiết. Nhưng còn đó, một di tích và lễ hội Mai An Tiêm trường tồn cùng lịch sử cha ông. Đến thăm di tích đền thờ Mai An Tiêm thuộc xã Nga Phú (Nga Sơn). Quá trình lấn biển cùng bàn tay, khối óc tiền nhân đã biến đảo hoang ngày nào giờ thành vùng đất trù mật. Giống như cửa Thần Phù hiểm yếu, cuộn trào sóng dữ bây giờ cũng chỉ còn là địa danh được nhắc nhớ qua truyền thuyết, ca dao. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta, hậu thế hôm nay được phép “quên” đi công lao của cha ông.

Nếu không có những chiến thuyền dám lênh đênh vượt cửa Thần Phù, liệu giờ đây, lãnh thổ đất nước sẽ kết thúc ở đâu? Cũng như, nếu không có những trái tim dám sống, dám đấu tranh, khát vọng giống như hoàng tử Mai An Tiêm thì liệu đảo hoang có thể trở thành vùng quê trù mật, nơi sự sống sinh sôi nảy nở? Ghé thăm địa danh, di tích... đã in dấu chân cha ông thuở trước, ta không đơn thuần chỉ là thưởng lãm cảnh đẹp hay say sưa trong những câu chuyện truyền thuyết. Lắng lòng, mở rộng tâm hồn, cùng nghe lời “đồng vọng” từ quá khứ. Hào hùng, anh dũng mà rất đỗi thiêng liêng. Để nhắc nhớ mình, dù không thể làm nên những điều vĩ đại, nhưng là người Việt, ta sao có thể không trân quý lịch sử!

Thu Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/kham-pha-khong-gian-van-hoa-vung-bien-xu-thanh-bai-1--cua-than-phu-va-truyen-thuyet-noi-dao-hoang-70827