Khám phá không gian văn hóa dân tộc Tày

Trong 54 dân tộc anh em, người Tày chiếm một số lượng khá lớn. Họ sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và làm nông nghiệp lúa nước. Vì vậy mà văn hóa của người Tày cũng đậm chất văn hóa nông nghiệp, điển hình thông qua ngôi nhà, trang phục, dân ca và bếp lửa của người Tày.

Lối lên nhà người Tày trên các bậc thang

Lối lên nhà người Tày trên các bậc thang

Vào nhà người Tày

Người Tày từ lâu đời đã cư trú thành từng bản làng, tập trung chủ yếu ở các núi thấp và thung lũng. Tùy từng bản mà có số hộ khác nhau, trung bình khoảng 20 hộ một bản, có quan hệ huyết thống với nhau. Nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, họ thường vào rừng tìm các loại gỗ quý, chắc chắn về dựng nhà.. Mái nhà được lợp thường bằng lá cọ và được thay thường xuyên qua các năm.

Người Tày xây nhà theo hình xương cá, trục giữa là đường làng. Muốn lên nhà người Tày, du khách cần phải leo lên cầu thang, chuyện này tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không đúng phép tắc bạn sẽ nhận được sự không hài lòng từ chủ nhà. Đối với người Tày, cầu thang tượng trưng cho sự kết nối giữa đất, con người và trời vì thế mà không được để bất cứ vật cản nào ở cầu thang, không đi dép lên cầu thang và đặc biệt nếu có cả nam cả nữ thì người nam giới phải đi trước, nữ giới đi theo sau. Người Tày quan niệm, đàn ông là trụ cột gia đình, là người dẫn dắt gia đình, vợ con nên chỉ khi nào không có đàn ông đi cùng thì người phụ nữ mới được phép đi trước. Một điểm thú vị nữa trước khi vào nhà người Tày đó là phải rửa tay bằng nước mưa để gột rửa đi sự đen đủi, tạo sự thanh mát cho cuộc gặp gỡ giữa chủ và khách.

Bà Nguyễn Thị Nam, một người Tày ở Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết: Người Tày rất dễ nhận biết qua trang phục. Nam giới thường mặc quần chân què, dung rộng, cạp lá tọa, áo ngắn, may năm thân và có màu đen tuyền. Đối với nữ giới thường có thêm khăn quấn kín đầu và đeo thêm quả cầu may mắn ở đai lưng. Ngoài ra, người phụ nữ Tày thường đeo một vòng cổ bằng bạc, tuy khá nặng nhưng cô gái nào cũng muốn đeo.

Một căn nhà sàn của người Tày

Người đàn bà giữ lửa

Trong nhà người Tày lúc nào cũng có một bếp lửa đang âm ỉ cháy. Người đàn ông được ngồi vào khu trên, gần bàn thờ gia tiên còn người phụ nữ ngồi ở khu dưới gần bếp lửa, đặc biệt không ai được ngồi quay lưng vào bàn thờ tổ tiên. Trong nhà, sẽ có một sàn dài cạnh cửa sổ, đó chính là nơi nghỉ trưa, khách đến chơi có thể ngồi lên nhưng không được ngồi nửa trên nửa dưới mà phải ngồi cả chân lên sàn.

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, người phụ nữ Tày là người cai quản việc bếp núc và biểu tượng cho nó chính là bếp lửa. Bếp lửa lúc nào cũng được duy trì cháy hoặc ấm, tuyệt đối không để tắt hẳn trừ khi tất cả mọi người trong nhà đi vắng. Bếp lửa ấm tượng trưng cho gia đình ấm áp, hòa thuận, người phụ nữ cũng được đánh giá khả năng quán xuyến gia đình, bếp núc qua việc giữa hơi ấm cho bếp hàng ngày.

Thường thường, khách đến chơi nhà người Tày sẽ được mời rượu, hạn hữu lắm không uống được rượu chủ nhà sẽ mời nước lá, không ít thì nhiều phải uống hết một chén. Trong tiếng Tày, “kỉn” khi chạm ly có nghĩa là uống hết, uống cạn, sau khi uống xong cả chủ và khách sẽ úp chén lên lòng bàn tay xong rồi mới bắt đầu câu chuyện.

Khách đến nhà thường được chủ nhà mời rửa tay trước khi lên nhà

Việc cưới xin rất quan trọng

Người Tày rất kỵ kết hôn cùng hoặc gần dòng họ, bởi theo họ như thế là vi phạm đạo đức, không có tôn ti trật tự.

Việc kết hôn đối với người Tày cũng như nhiều dân tộc khác hết sức quan trọng và phải được tổ chức linh đình, chi tiết. Theo ông Chu Văn Sủi, một người Tày ở Lục Ngạn, Bắc Giang, một đám cưới của người Tày, phải đầy đủ chi tiết dạm, ăn hỏi, lễ sêu tết, lễ cưới, lễ đưa dâu… cho dù nghèo cũng không được thiếu lễ nào, có những đám cưới mà người Tày ăn cỗ cả tháng trời. Khi cưới xong, cô dâu mới ở nhà bố mẹ đẻ sống cùng chàng rể. Khi nào có mang, sắp đến ngày sinh nở thì mới về hẳn nhà chồng. Từ đây người phụ nữ chính thức là con dâu nhà chồng và là người cai quản bếp lửa nhà chồng.

Đàn tính được người Tày chơi mọi lúc mọi nơi

Nghe điệu hát đàn tính

Người Tày có điệu hát Then đặc trưng cùng với cây đàn tính. Họ yêu hát Then đàn tính đến nỗi có thể hát bất cứ lúc nào, có khách đến nhà hoặc ở nhà một mình, hát ở Khám phá không gian văn hóa dân tộc Tày lễ hội, ở chợ, hát đầy tháng con, hát cho mùa màng được vụ…

Đàn tính như vật báu trong nhà, được treo ở chỗ trang trọng nhất, cả đàn ông và phụ nữ hầu như ai cũng biết hát Then gảy đàn. Đàn tính có 3 dây, 3 cung, tùy vào từng bài hát mà người hát sẽ chọn cung gẩy cho phù hợp. Bầu đàn tính được làm bằng quả bầu, một loại quả trong văn hóa người Tày rất linh thiêng. Họ không bao giờ đốt đàn, cũng không bao giờ vứt bỏ quả bầu, chẳng có ai dám ăn trộm đàn tính bởi người Tày tin rằng luôn có một vị thần trong mỗi cây đàn, nếu ăn trộm sẽ bị thần phạt hoặc gặp đen đủi.

Bên cạnh đàn tính, người Tày còn có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác như thơ ca, truyện cổ tích, múa nhạc, hát lượn, hát hội (hội Lồng Tồng, phổ biến ở Thái Nguyên), hát đám cưới (hát cổ lầu), hát văn ca (hát trong đám ma)… Đặc biệt hát lượn là nam nữ hát đối đáp về cuộc sống thường nhật với nhau, tình yêu đôi lứa, nhiều điệu hát lượn nổi tiếng như lượn Then, lượn Nàng Hai, lượn Slương…

Nguyễn Văn Công

baodulich.net.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/kham-pha-khong-gian-van-hoa-dan-toc-tay-564029.html