Khám phá hương vị bánh Trung thu của các nước châu Á

Không chỉ Việt Nam, nhiều nước ở châu Á cũng có những loại bánh đặc trưng để nhâm nhi vào dịp Trung thu, cùng khám phá món ẩm thực đặc trưng mùa trăng tháng 8 dưới đây.

Nhật Bản: Cứ đến dịp rằm tháng 8 Âm lịch, người Nhật Bản lại tự tay trộn bột nếp với nước rồi giã thành bánhTsukimi Dango. Hình dạng bánh tùy thuộc vào văn hóa của từng khu vực nhưng phổ biến nhất vẫn là bánh hình tròn. Nguồn gốc bánh xuất phát từ câu chuyện xa xưa, người dân nhìn thấy trên mặt trăng một chú thỏ ngọc đứng giã bột để làm bánh. Chính vì vậy, thỏ ngọc và bánh Tsukimi Dango đã trở thành hình tượng quen thuộc trong văn hóa đất nước mặt trời mọc. Ảnh: Bonamatcha.

Người dân xứ hoa anh đào thường bày bánh theo tháp hình tam giác trên kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki. Bánh làm ra để cúng thần linh dịp trăng tròn và cầu mong cho mùa lúa gặt sắp tới vào mùa sẽ được bội thu. Ảnh: Tomotcha.

Người dân xứ hoa anh đào thường bày bánh theo tháp hình tam giác trên kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki. Bánh làm ra để cúng thần linh dịp trăng tròn và cầu mong cho mùa lúa gặt sắp tới vào mùa sẽ được bội thu. Ảnh: Tomotcha.

Hàn Quốc: Xứ sở kim chi cũng có một loại bánh đặc biệt dành cho ngày Trung thu là Songpyeon. Theo quan niệm người Hàn Quốc, “trăng khuyết rồi sẽ tròn” là sự sinh sôi, nảy nở. Đây là lý do tại sao những chiếc bánh nặn theo hình lưỡi liềm được ra đời. Bánh làm bằng cách trộn bột gạo với nước nóng, sau đó nhồi bột, bắt với nhân đậu xanh, mè đen... và hấp chín. Ảnh: Banhtrungthuhanquoc.

Người dân nước này truyền rằng thiếu nữ nào làm bánh vừa đẹp lại vừa ngon thì sẽ gặp được ý trung nhân như ý, phụ nữ có gia đình thì sẽ sinh được con gái xinh xắn. Vào ngày Tết Trung thu, các gia đình ở Hàn Quốc thường quây quần bên nhau để cùng làm những chiếc bánh Songpyeon thơm ngon. Ảnh: Koreansafari.

Philippines: Hopia là tên gọi của món bánh Trung thu truyền thống Philippines. Vỏ bánh Hopia không được ép khuôn viền tinh tế hay trang trí phức tạp. Lớp vỏ ngoài bọc với nhân làm từ đậu xanh, đậu đỏ... sau đó được nướng vàng óng. Ảnh: Ang sarap.

Lớp vỏ bột giòn bên ngoài chính là nét độc đáo và tạo nên hương vị cho bánh Trung thu ở đất nước này. Có thể không cầu kỳ về màu sắc, nhưng Hopia vẫn là món bánh đặc sắc của "xứ sở nghìn đảo" trong dịp trăng tròn. Ảnh: Danupancu.

Singapore: Bánh dẻo lạnh hay bánh dẻo tuyết là loại bánh đặc trưng của Singapore mỗi dịp Trung thu. Bánh có vỏ ngoài mềm và dai, bên trong là phần nhân quánh dẻo thơm mát. Người dân đảo quốc sư tử ưa chuộng hình thức đẹp mắt nên bánh màu sắc rất đa dạng và phong phú. Ảnh: Pan Pacific.

Vỏ bánh làm từ bột dẻo và mềm mịn, vẻ ngoài bắt mắt và ép khuôn sang trọng. Bánh luôn được giữ lạnh, hương vị mang đến cảm giác ngọt dịu, dễ chịu. Ảnh: Marriot Wan Hao.

Đài Loan (Trung Quốc): Đối với người dân xứ Đài, Trung thu là dịp quan trọng để mọi người có dịp đoàn tụ, quây quần bên nhau. Những chiếc bánh nghìn lớp ghi điểm bởi sự tinh tế, nét thanh đượm mang hương vị hiện đại. Hình dáng bánh tròn, vỏ ngoài được làm thành nhiều lớp cuộn lấy nhau. Nhân bên trong bánh thường là khoai môn và đậu đỏ. Ảnh: Cookpad.

Nhờ sự sáng tạo, hiện nay phần nhân trứng muối và trứng chảy được ra đời, trở thành cơn sốt cho các tín đồ sành ăn. Ảnh: Dacsandailoan, Voso.

Trung Quốc: Bánh Trung thu ở đất nước tỷ dân có lớp vỏ mỏng được nướng vàng ruộm. Nhân bánh truyền thống bao gồm hạt sen, đậu xanh, trứng muối... Từng chiếc bánh được ép khuôn họa tiết tỉ mỉ, hoa văn cầu kỳ. Ảnh: Tuku.

Trên mặt bánh Trung thu của đất nước này thường in những chữ cái mang thông điệp tốt lành. Mỗi chiếc bánh được làm ra thể hiện nỗi nhớ về quê hương và niềm hy vọng trong cuộc sống. Ảnh: Chinatown London.

Mai Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/kham-pha-huong-vi-banh-trung-thu-cua-cac-nuoc-chau-a-post986112.html