Khám phá gia đình trong văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam

Hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề 'Gia đình trong truyền thống Văn hóa các dân tộc Việt Nam'.

Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, trong đại gia đình Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em. Họ đã cùng chung sống trên dải đất này, từ miền núi phía Bắc, đến mũi đất miền Nam, từ sườn Đông dãy Trường Sơn đến các hải đảo ngoài biển Đông. Truyền thuyết xưa kể rằng: mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển. Từ đó, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với ý thức tự chủ, quật cường đã cùng nhau kề vai sát cánh bên nhau, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Từ xưa tới nay, truyền thống văn hóa Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử luôn đề cao các giá trị văn hóa gia đình, bởi đó là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, là cơ sở, nền tảng để phát triển xã hội. Những chuẩn mực đạo đức gia đình được kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ đã trở thành các chuẩn mực đạo đức của dân tộc, được mỗi gia đình trân trọng gìn giữ như hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên; con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; vợ chồng chung thủy, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau. Những giá trị chuẩn mực truyền thống đó được thể hiện trong nhận thức, suy nghĩ, việc làm của mỗi người, từ ăn nói, đi đứng cho đến cung cách ứng xử, kính trên nhường dưới, lễ phép, hiếu nghĩa trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình và là bản sắc văn hóa sâu đậm của dân tộc Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Gia đình trong truyền thống Văn hóa các dân tộc Việt Nam".

Với hơn 300 tài liệu hiện vật thể khối và tài liệu khoa học phụ, trưng bày về văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ của một số dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh sự đóng góp to lớn của hàng triệu gia đình Việt Nam, những tế bào xã hội của 54 dân tộc anh em luôn đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi gia đình được hình thành đã làm tốt chức năng của mình là bồi đắp giá trị văn hóa truyền thống, qua hàng ngàn năm lịch sử và trở thành cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục đạo đức, cách làm, cách ứng xử, phát triển nhân cách, hoàn thiện đạo hiếu, đạo nghĩa của mỗi thành viên trong gia đình, làm cho xã hội phát triển bền vững.

Ban tổ chức hy vọng, thông qua trưng bày giúp người xem hiểu được giá trị của gia đình trong văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy, ứng xử tốt đẹp trong mỗi gia đình. Đây cũng là thông điệp gửi đến các gia đình Việt Nam, hãy biết trân trọng và giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta để lại.

TSKH. Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là một trong những khách tham quan không gian triển lãm chia sẻ: "Đằng sau giá trị vật chất là cả một nền tàng văn hóa của dân tộc ta mấy nghìn năm. Các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và giá trị gia đình nói riêng là tài sản vô giá. Nếu như mất văn hóa truyền thống là mất tất cả. Việc Ban tổ chức trưng bày giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một trong những hoạt động vô cùng ý nghĩa giúp người xem hiểu được, trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đó".

Theo nội dung trưng bày gồm 4 phần cụ thể như sau: Trưng bày khối biểu tượng thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam cùng tham gia Ngày hội Gia đình Việt Nam - năm 2020; Gia đình trong phát triển kinh tế và nghề thủ công truyền thống; Gia đình với việc chăm sóc, nuôi dạy con cái trong chu kỳ đời người; Văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống Việt Nam.

Một số hình ảnh trưng bày tại triển lãm:

Lễ cấp sắc của người Dao.

Lễ cấp sắc của người Dao.

Nghề rèn truyền thống của dân tộc Nùng - huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Lễ trao vòng cầu hôn trong đám cưới của dân tộc Ê Đê huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

Lễ cầu tự của dân tộc Nùng huyện Võ Nhai - Thái Nguyên

Nghề gốm truyền thống của dân tộc Chăm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Phụ nữ Mông, Dao ngồi thêu, dệt vải

Làn đựng đồ của dân tộc Tày, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn

Lễ dâng tấm vải khô ướt trong đám cưới của dân tộc Tày.

Trích đoạn Lễ đặt tên của dân tộc Nùng, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

Trích đoạn Lễ mừng sinh nhật cho người già của dân tộc Nùng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Bàn thờ tổ tiên của người Kinh vùng Đồng bằng Bắc Bộ

Không gian Triển lãm của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thu hút đông đảo khách tham quan.

Lan Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kham-pha-gia-dinh-trong-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-viet-nam-20200626162134113.htm