Khám phá đội tàu bay Pháp lần đầu đến Việt Nam

Chiều 27-8, tức một ngày sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, đội bay Pháp đã tổ chức bay biểu diễn chiếc vận tải A400M trên bầu trời Hà Nội và một vài địa phương khác gồm Hải Dương, Hải phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Thái Nguyên.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Olivier Sigaud (ở giữa) chụp ảnh với các thành viên đội bay Pháp tại sân bay quốc tế Nội Bài

Nằm trong Chiến dịch triển khai đội hình không quân tầm cỡ tại Đông Nam Á (PEGASE) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương kéo dài từ 19- 8 đến 4-9, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1954 đến nay, một đội hình gồm 100 thành viên, 3 máy bay chiến đấu Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135 và một máy bay A310 của Không quân Pháp tới Việt Nam.

Đội hình máy bay Pháp lần đầu tới Việt Nam

Tướng không quân Patrick Charaix- người dẫn đầu đội bay trong Chiến dịch PEGASE cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam (kéo dài từ 26 đến 29 tháng 8), Không quân Pháp gặp các quan chức địa phương, họp đội hình bay và bay trình diễn và đón tiếp công chúng. Hành trình tới châu Á - Thái Bình Dương của đội bay Pháp diễn ra sau đợt diễn tập quân sự mang tên Pitch-Black ở Australia từ 27-7 đến 17-8.

Trước khi đến Việt Nam, đội hình bay của Pháp đã ghé thăm Indonesia, Malaysia và dự kiến sẽ tiếp tục thăm Singapore, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tướng Patrick Charaix khẳng định, Chiến dịch PEGASE góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp tại Châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực có lợi ích chiến lược quan trọng, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Pháp với các đối tác chiến lược chính trong khu vực.

Chiến đấu cơ Rafale dũng mãnh nhất của Pháp trên sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: ĐSQ Pháp tại Việt Nam

Ngoài ra, chiến dịch cũng cho phép duy trì năng lực tác chiến đội bay của không quân Pháp, phát huy năng lực triển khai sức mạnh không quân Pháp và ngành công nghiệp hàng không quốc phòng của Pháp.

Về đội hình bay, Tướng Patrick Charaix cho biết, Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ cánh tam giác, hai động cơ rất nhanh nhẹn của Pháp, được thiết kế và chế tạo bởi hãng Dassault Aviation. Hãng này đã sử dụng khái niệm 'Omni Role' (tất cả các nhiệm vụ) làm thuật ngữ tiếp thị nhằm phân biệt loại máy bay này với các loại máy bay chiến đấu 'đa nhiệm vụ' (multi-role) khá, trong đó có phân biệt nhiệm vụ chính và các nhiệm vụ phụ khác.

Dassault Aviation cũng sử dụng thuật ngữ này để chỉ khả năng chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác của Rafale trong từng phi vụ, dù thuật ngữ này mang nhiều ý nghĩa tóm gọn khả năng thực sự của Rafale thay thế được hoạt động của bảy loại máy bay khác nhau.

Rafale đang được chế tạo để sử dụng cho cả các căn cứ trên mặt đất của Không quân Pháp cũng như trên tàu sân bay của Hải quân Pháp và là một trong số những tiêm kích đáng sợ nhất hành tinh. Tiêm kích này vừa có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ của một chiến đấu cơ, vừa có thể thay thế được hoạt động của 7 loại máy bay.

Rafale có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, hàng hải và ném bom hạt nhân chiến thuật với 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy thô 50 kN/chiếc, 70 kN có đốt sau. Hai động cơ này đủ sức đưa Rafale di chuyển ở tốc độ tối đa 1.912 km/h ở cao độ lớn và 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển.

Rafale mang được vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất. ảnh: Getty

Một điểm đáng chú ý nữa là Rafale có tới 14 điểm treo vũ khí dưới cánh với phiên bản B/C, 13 điểm treo vũ khí với phiên bản hải quân. Tổng tải trọng vũ khí mà Rafale mang theo thông thường là 6-8 tấn nhưng nếu cần thiết, có thể lên đến 9,5 tấn. Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ như tên lửa đối không và đối đất, bom dẫn đường, tên lửa chống hạm, tên lửa hạt nhân và các cụm thiết bị trinh sát…

Trong khi đó, chiếc vận tải A400M đang biểu diễn trên bầu trời một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam lại là một máy bay 4 động cơ phản lực cánh quạt, được thiết kế bởi hãng Airbus nhằm đáp ứng các yêu cầu của những nước châu Âu về loại máy bay vận tải quân sự.

Airbus bắt đầu sản xuất hàng loạt A400M này vào tháng 11 năm 2010 và chiếc đầu tiên được giao cho Không quân Pháp vào tháng 8 năm 2013. Ba tháng sau, A400M này đã có chuyến bay thực tế đầu tiên tới Mali. Ở phiên bản ban đầu năm 2009,

A400M còn có biệt danh là “Con gấu” do hình dáng mập mạp nhưng đến nay, để đáp ứng nhu cầu mới nhất là khi cất cánh ở sân bay ngắn, A400M đã được “chỉnh dáng” gọn ghẽ hơn với trọng lượng kể cả hàng hóa và nhiên liệu là khoảng 100 tấn. Nghĩa là, A400M có thể mang theo hai chiếc bọc thép hạng nhẹ của thủy quân lục chiến hoặc một chiếc máy bay trực thăng CH-47, hai xe bọc thép hạng nặng hoặc 1 chiếc thuyền cứu hộ, 116 lính nhảy dù.

Chiếc vận tải A400M thuộc biên chế Không quân Pháp từ năm 2013

A400M có thể cất cánh 980m và hạ cánh 770m trên phi đạo đất mềm. Chong chóng có 8 cánh, và quay ngược chiều nhau ở hai động cơ trên một bên cánh. Nét đột phá của A400M là loại máy bay vận tải quân sự hỗn hợp, tức là có thể chở hàng, triển khai dù, trạm tác chiến trên không. Buồng lái của vận tải cơ này được trang bị nhiều màn hình hiển thị đa năng, thay thế các hệ thống đồng hồ cơ trên những máy bay đời cũ, giúp phi công nắm bắt tình trạng máy bay trong quá trình vận hành. Trị giá mỗi chiếc A400M khoảng 100 triệu Euro.

Còn chiếc C-135 là loại máy bay tiếp nhiên liên trên không với biệt danh “thùng xăng bay” do hãng Boeing sản xuất. Với giá trị khoảng 40 triệu USD, C-135 hiện đang phục vụ trong lực lượng không quân nhiều nước như Pháp, Chile, Singapore, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

C-135 có trọng lượng cất cánh tối đa 146.000 kg, chiều dài 41,53 m và sải cánh 39,88 m. Máy bay được trang bị 4 động cơ CFM International CFM56 (F108-CF-100) kiểu turbofan công suất 96,2 kN mỗi chiếc cho phép nó đạt tốc độ tối đa 933 km/h và tốc độ hành trình 853 km/h trên độ cao 9 km. C-135 có thể mang tối đa 90.719 kg nhiên liệu và tầm bay đạt 2.419 km với 68.039 kg nhiên liệu. Trần bay của máy bay là 15.200 m.

"Thùng xăng bay" C-135 của Không quân Pháp

Thành viên cuối cùng của đội bay là A310 – một máy bay chở đầu tiếp nhiên liệu trên không, được phát triển dựa trên mẫu máy bay dân dụng Airbus A310. Những sửa đổi bao gồm: lắp đặt thêm 2 thiết bị (pod) AAR (air-to-air refueling) dưới mỗi cánh; thêm 4 thùng nhiên liệu phụ (tăng thêm 28.000 kg) với tổng sức chứa gần 78.000 kg; Fuel Operator Station (FOS - Trạm điều khiển nạp nhiên liệu) để điều khiển việc tiếp nhiên liệu, các camera..., radio quân sự và các đèn hiệu bên ngoài. Máy bay cũng có một hệ thống video có thể nhìn đêm giám sát từ xa quá trình tiếp cận/tiếp nhiên liệu với các máy bay khác.

Huyền Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vu-khi-chien-tranh/kham-pha-doi-tau-bay-phap-lan-dau-den-viet-nam-507926/