Khám phá đất Phật Ấn Độ

Đến Ấn Độ, thì không thể không biết sông Hằng, cũng như không thể không biết Bodh Gaya, thành phố thuộc quận Gaya, Bang Bihar. Người Việt ta phiên chữ Bodh Gaya thành Bồ Đề Đạo tràng. Cái tên trên lại chứa trong nó thông điệp về một cây Bồ đề nổi tiếng nơi Đức Phật đã nhập niết bàn, cũng là nơi người Việt và nhiều cộng đồng khác vô cùng tôn kính.

Lễ Phật ở Bồ Đề Đạo tràng.

Lễ Phật ở Bồ Đề Đạo tràng.

Bây giờ, đi lễ Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng, mơ màng với cổ kính Varanasi hay Di sản thế giới - Bài thơ tình bằng đá trác tuyệt Taj Mahal không còn quá vất vả như lần đầu tôi đến Ấn Độ cách đây 10 năm. Thay vì vừa bay, vừa quá cảnh chầu trực cả chục tiếng đồng hồ, khổ như đi “Tây Trúc thỉnh kinh”, các doanh nghiệp du lịch lớn như Vietravel đã thuê máy bay hiện đại, bay thẳng hơn 3 tiếng đồng hồ đã đến thủ phủ của Phật giáo thế giới.

Cây Bồ đề ở Lâm Tỳ Ny.

Người ta bảo, cây Bồ đề cổ thụ ở Bồ Đề Đạo tràng là cái cây đang được thờ cúng, tôn vinh nhiều nhất trên thế gian này. Người ta vừa mới trồng một cây mới sau khi cây cổ bị một tên tàn độc và cuồng dại phóng hỏa giết chết. Các lẵng hoa phủ kín từ đỉnh trời xuống chân tháp, lũ chim rỉa hoa trên đỉnh tháp.

Chim rỉa hoa trên đỉnh tháp.

Tháp Đại Giác đánh dấu nơi Đức Thích Ca chính thức giác ngộ trở thành Phật sau 49 ngày ngồi thiền. Nơi tối linh thiêng với mọi tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Đến đây, tôi đã được cùng vị sư già trụ trì đi dạo qua con hồ với tượng thần rắn nổi lên trên mặt nước. Trong hoàng hôn, lũ chim về đông đúc đến mức, tiếng kêu của chúng át hết cả tiếng tụng kinh gõ mõ, át hết cả câu chuyện của tôi và vị sư trụ trì về lòng Nhân của con người với Mẹ Thiên Nhiên và sự bảo bọc của cây xanh, muông thú với mỗi chúng ta.

Trẻ em Ấn Độ làm quen với rắn từ bé.

Ấn tượng không kém là cảnh sắc mơ màng tuyệt sắc của nông thôn Ấn Độ, như bước ra từ thơ Targo vậy. Cuộc sống đời thường muôn màu sắc. Người thổi bóng màu, người huýt sáo “dạy” rắn độc khiêu vũ, người đóng móng ngựa và giúp khách cưỡi lạc đà, cô bé xinh đẹp bên thành quách Taj Mahal. Đâu đâu cũng giản dị mà hạnh phúc. Có lẽ hạnh phúc nào cũng cần sự giản dị.

Chim bay rợp sông Hằng.

Trở lại sông Hằng. Bình minh nào chúng tôi ghé qua, cũng thấy đen đặc chim trời, các vị đạo sỹ cổ quái bí ẩn ngồi tu tập lầm rầm. Bên cạnh là đứa bé ngồi canh một thi thể người cuốn chăn đỏ, lồng trong gióng tre tươi, để chuẩn bị đốt. Mỗi ngày, vô số vụ thiêu xác người như vậy. Người Ấn Độ nào cũng ao ước, lúc hết việc thế gian thì sẽ được hỏa táng và rải tro cốt trên sông Mẹ. Sông Hằng. Sông Hằng dài 2.500km chảy từ nóc nhà thế giới Himalaya, với hằng hà sa số các cuộc đốt xác người rải tro cốt xuống sông. Con sông linh thiêng trĩu nặng huyền thoại nhiều nghìn năm lịch sử văn hóa tộc người này cũng lại đứng đầu danh sách các dòng nước ô nhiễm nhất thế giới.

Hành hương nơi thánh địa của Phật giáo.

Varanasi, thành phố ba nghìn năm tuổi, được coi là thánh địa của Phật giáo, thánh địa của cả tỷ người Hindu, giống như Jerusalem của người Thiên Chúa giáo, giống như đất thiêng Mecca. Thành phố đang cuộn xiết tắc tị với các đoàn người hành hương này từng được nhà văn nổi tiếng Mark Twain xưng tụng: “Cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cổ hơn cả huyền thoại, và trông già hơn tất cả những điều vừa nêu trên cộng lại với nhau!”

Bên dòng sông Hằng lịch sử.

Sử cũ chép, từ hơn ba nghìn năm trước Varanasi đã quần tụ đông người bên dòng sông Hằng. Và, khi Đức Phật đi giảng bài kinh đầu tiên ở vườn Lộc Uyển từ 25 thế kỷ trước, thì có lẽ, Varanasi, rồi Gaya vẫn là những xứ hoang rậm ngoài sức tưởng tượng của con người. Còn bây giờ, từ khắp nơi trên trái đất, người ta đi máy bay vù sang thánh địa Phật giáo đi đủ tứ động tâm linh cứ như đi chơi. Họ cùng thành kính lễ Phật với lòng mộ đạo vô biên. Bên ngoài, chim và sóc nhởn nhơ vui đùa, trời đất sum vầy an lạc.

Chúng tôi đi charter (máy bay thuê nguyên chiếc) trên chuyên cơ do Vietravel thuê với một đoàn hành lễ được bố trí đón tiếp hết sức trang trọng. Được gặp vị sư trụ trì danh tiếng của Bồ đề Đạo tràng. Được chuẩn bị cả mũ, pháp phục (áo thâm đi lễ), miếng lót để ngồi thiền trên nền đá lạnh giữa đêm hoặc lúc trời gần sáng. Hàng trăm người Việt Nam kính cẩn trước cội Bồ đề linh thiêng và Tháp Đại giác cổ kính.

Người dân từ nhiều quốc gia đến đây, họ trùm màn kín người, có khi đội mũ phủ vải trắng để tuyệt đối tĩnh tâm, hướng tới Đức Phật và thứ mà họ coi là năng lượng siêu việt có thể đem lại an lành. Xúc động nhất là hình ảnh trẻ em vùng Tây Tạng, Bhutan, Thái Lan thành kính bên đền tháp. Ấn tượng không kém là bà con theo Phật giáo Tạng truyền, họ đi ba bước lại nằm dài để năm bộ phận vị trí trên cơ thể chạm xuống đất để lễ (gọi là tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa).

Thiên nhiên hoang sơ ở Ấn Độ.

Trời khuya, lũ chim vẫn lúc lỉu trên ngọn cây chưa thèm ngủ, tháp Đại Giác sáng rực giữa trời lạnh và mờ ảo sương đêm miền Bắc Ấn. Lòng người như chùng xuống, muốn sống chậm hơn, để tận hưởng từng sát na (khoảnh khắc nhỏ nhất) của kiếp phận mình. Tôi thầm cảm ơn trời đất và tổ tiên, đã cho mình diện kiến một xứ sở kỳ thú, mỗi bước chân một biển trời khám phá và xúc cảm.

Theo Hoàng Quân/Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kham-pha-dat-phat-an-do/20200127052138050