Khám phá cộng đồng đàn ông 'phi giới tính' tại Nhật Bản

Vào thời điểm những trói buộc và định kiến đang dần được cởi bỏ, nhiều đàn ông Nhật Bản cho phép mình được lựa chọn những khuôn mẫu mới về ngoại hình.

Lượn quanh những khu phố lắt léo của quận Harajuku thời thượng tại Tokyo, có thể thấy ngày càng nhiều người đàn ông Nhật Bản “phi giới tính” dạn dĩ thể hiện bản thân hơn với quần áo, mỹ phẩm.

Gương mặt được điểm trang kỹ càng, mái tóc được nhuộm màu và tạo kiểu cầu kỳ, chân mày được tỉa gọn, kẻ chuốt, họ đánh hông điệu đà lướt qua từng cửa hàng thời trang.

Ryuchell (phải) dạo bước trên đường phố Tokyo với người vợ Peco.

Từ lâu, Harajuku đã thành sàn catwalk cho jendaresu-kei (hay “phong cách phi giới tính”) tại Nhật. Phụ nữ ăn vận theo phong cách nam tính cũng có thể được xem là “phi giới tính”, nhưng thuật ngữ này lại thường để ám chỉ những nam nhân hơi nghiêng về nữ tính.

Lịch sử của số đông

Một số người, như người mẫu nổi danh Ryuchell, nhấn mạnh rằng họ không nhất thiết là chối bỏ các quy tắc ăn mặc hay là người đồng tính. Họ cũng không phải là những người chuyển giới.

Đối với họ, một cơ thể nam giới không cần phải phù hợp với khuôn mẫu về ngoại hình nam tính. Khi kết hợp với các món đồ và móng tay sặc sỡ cùng nón, ví “kawaii” (dễ thương), họ tạo ra định nghĩa mới về phong cách nam giới.

Nhật Bản có lịch sử lâu dài về nhiều dạng thức giới và hoạt động xóa mờ các lằn ranh giới tính, điều mà gần giống với “phi giới tính” ngày nay. Những người nam nữ tính và người nữ nam tính khá phổ biến trong văn hóa Nhật Bản, được thể hiện trong bối cảnh nghi lễ hay sân khấu (thể hiện qua việc mặc quần áo của nhau).

Các Moga sải bước trên phố Tokyo năm 1928.

Các onnagata (người nam đóng vai nữ trong Kabuki) và otokoyaku (người nữ đóng vai nam trong Takarazuka Revue) rất nổi tiếng ở nước ngoài với các màn trình diễn hoán đổi về giới tính.

Ngoài sân khấu, Nhật Bản là nơi có hàng trăm câu lạc bộ mặc ngược quần áo nam và nữ (như câu lạc bộ Elizabeth nổi tiếng ở Tokyo) với thành viên là công chức trung niên, hoàn toàn là “trai thẳng”. Họ xem đây như môi trường để chuyển đổi từ hình tượng doanh nhân sang các khuôn mẫu nữ tính để giải tỏa stress, và nhiều mục đích khác.

Bên cạnh những câu lạc bộ hay mặc ngược quần áo và truyền thống nhà hát, lịch sử Nhật Bản còn rất nhiều những ví dụ về những người tiên phong đã xóa mờ ranh giới về giới tính.

Cách đây một thế kỷ, cảnh tượng của các cô gái hiện đại theo tư tưởng phương Tây (hay “moga”) dạo bước cùng tóc ngắn, quần ống rộng và kiểu đồ trông như flapper, đã từng khiến nhiều người phải nhướng mày thảng thốt. Vào thời điểm đó, hầu hết phụ nữ đều mặc kimono nơi công cộng.

Thay đổi định kiến

Bị nhế nhạo trên phố và bị gọi là “garcon” (đàn ông) trên mặt báo, các moga bị liệt vào hàng ngũ “không nữ tính”. Tuy nhiên, cư dân thành thị có suy nghĩ thoáng hơn, trong đó có nghệ sĩ, lại xem những cô gái hiện đại này như tầng lớp tiên phong (avan-garde).

Ngày nay, moga có thể được đưa vào hàng ngũ “phi giới tính”, theo nghĩa bác bỏ kimono và chignons truyền thống. Và những người đàn ông “phi giới tính” ngày nay cũng từng có tiền thân là các haikara đầu thế kỷ 20.

Quan tâm về vẻ ngoài bản thân, những người đàn ông này thường xuyên sử dụng phấn trang điểm cũng như mang bên mình các loại khăn tay tẩm nước hoa. Sau này, ngày càng nhiều “thanh niên xinh đẹp” (bishonen) xuất hiện trên các trang tạp chí, với giới tính mơ hồ, gợi tình với cả nam và nữ.

Một người mẫu phi giới tính.

Gần đây hơn, thuật ngữ “thằng ăn cỏ” (soshoku danshi) được đặt ra để mô tả những người đàn ông trẻ, không thích ngoại hình vạm vỡ cơ bắp, xem phụ nữ là bạn chứ không phải đối tượng để làm tình.

Những người nam “phi giới tính” của quận Harajuku ngày nay không quan tâm lắm đến lịch sử. Như người mẫu Ryuchell giải thích, nguồn cảm hứng cho phong cách phi giới tính này bao gồm 3 yếu tố: các nhóm nhạc pop Hàn Quốc; glam-rock thời thập niên 80, và thời trang Mỹ của năm 80-90 (kết hợp quần áo và phụ kiện rực rỡ rất bắt mắt).

Giống như “thằng ăn cỏ” hay là haikara thời trước, phi giới tính đang thành một từ phổ biến. Xu hướng của những người đàn ông này là tránh né bộ com lê. Và họ đang giúp nền thời trang Nhật nở rộ. Giống như một lối sống, biểu hiện của sự phi giới tính cũng xuất hiện ở những nơi cách xa phố Harajuku.

Những biểu hiện được cho là nam tính hay quy chuẩn ăn mặc của đàn ông, từ đó cũng dần bị phớt lờ.

Theo Zing

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/quoc-te/kham-pha-cong-dong-dan-ong-phi-gioi-tinh-tai-nhat-ban-13253