Khám phá chương trình phát triển 'máy nghiền' tên lửa đạn đạo của Nga

Nga đã phát triển thành công hệ thống chống tên lửa đạn đạo chiến lược duy nhất trên thế giới, từ đó hình thành một mạng lưới phòng thủ không gian đa tầng lớp đối phó với sự đe dọa từ tên lửa của Mỹ.

Theo báo cáo của truyền thông Nga, năm 2020 đánh dấu 25 năm hệ thống chống tên lửa đạn đạo chiến lược A135 của Moscow phụ trách thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Đây là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo chiến lược duy nhất trên thế giới, hệ thống A135 bắt nguồn từ cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, phiên bản 2.0 của hệ thống A135 là hệ thống A235 đang được phát triển mạnh mẽ và được gọi là “lá chắn vàng” của lực lượng phòng không và không gian Nga.

Mỗi radar cảnh báo tên lửa đạn đạo của Nga có tầm quan sát tới 10.000 km. Nguồn: people.com.cn.

Mỗi radar cảnh báo tên lửa đạn đạo của Nga có tầm quan sát tới 10.000 km. Nguồn: people.com.cn.

A135 sinh ra từ cạnh tranh quân sự giữa Mỹ và Liên Xô

Hệ thống A135 được phát triển trên cơ sở hệ thống A35 thời Liên Xô. Vào thời điểm đó, “trò chơi” chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô đã kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo báo cáo, hơn 60 đầu đạn của Mỹ với tổng đương lượng nổ lên đến 1 triệu tấn TNT “nhắm vào Moscow”, vượt xa khả năng đánh chặn của hệ thống A35. Trong bối cảnh đó, Liên Xô đã quyết định phát triển hệ thống tên lửa chống đạn đạo thế hệ mới có tên mã là A135 trên cơ sở A35.

Năm 1989, hệ thống A135 được triển khai, các thành phần cốt lõi của hệ thống này bao gồm tên lửa đánh chặn 51T6 và 53T6, radar cảnh báo sớm DON và một sở chỉ huy có tên mã 5K80P. Trong số đó, các tên lửa đánh chặn 51T6 và 53T6 chịu trách nhiệm “đánh chặn kép”, phân biệt là đánh chặn bên ngoài bầu khí quyển và trong khí quyển. Chúng sử dụng đầu đạn hạt nhân để tạo ra sát thương diện rộng và đánh chặn tên lửa đạn đạo bay tới thông qua vụ nổ hạt nhân.

Tên lửa đánh chặn 53T6 tiến hành thử nghiệm. Nguồn: people.com.cn.

Hệ thống A135 là trọng điểm điều chỉnh cải cách

Sau khi Liên Xô tan rã, do thiếu kinh phí duy trì, hệ thống A135 và đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm của nó đã bị “phân mảnh”. Đến cuối năm 1995, hệ thống A135 mới tiếp tục đưa vào trực chiến ở gần Moscow, nhiệm vụ của hệ thống này là chống tên lửa đạn đạo nhằm vào Moscow. Năm 2001, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (Hiệp ước ABM) nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ tấn công đa đầu đạn tên lửa liên lục địa và nhiều loại hệ thống phòng thủ tên lửa.

Để đối phó với Mỹ, Tổng thống Nga Putin yêu cầu tăng cường xây dựng năng lượng hạt nhân và hy vọng sẽ tiếp tục duy trì vị thế của một cường quốc thông qua chiến lược hạt nhân. Trong đó, đã yêu cầu đẩy nhanh việc nâng cấp và chuyển đổi hệ thống A135. Tuy nhiên, vấn đề tài chính tiếp tục là một thách thức không nhỏ đối với kế hoạch này của Tổng thống Putin, và trong một thời gian dài tiếp theo, hệ thống A135 đã gần như trở thành “hệ thống chết”.

Trạm radar mạng pha kiểm soát chiến trường Don-2N trong hệ thống A135. Nguồn: people.com.cn.

Trong cuộc cải cách “diện mạo mới”, Quân đội Nga đã quyết định tăng cường xây dựng “lá chắn vàng” này để đối phó với mối đe dọa không gian ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2012 - 2015, Quân đội Nga đã tăng tốc xây dựng và nâng cấp mạng lưới radar cảnh báo sớm chiến lược, sáp nhập Không quân và Lực lượng phòng thủ không gian và giao cho lực lượng này chức năng phòng thủ tên lửa.

Hệ thống A135 chính thức được biên chế cho Tập đoàn quân phòng thủ tên lửa số 1 của lực lượng không gian Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu nói rằng: “Trên cơ sở các hệ thống tiên tiến như A135 và S-400, phải xây dựng hệ thống chống tên lửa tường đồng vách sắt”. Trong giai đoạn này, tên lửa đánh chặn 53T6 đã hoàn thành chuyển đổi đầu đạn thông thường.

Vị trí xe chỉ huy và bệ phóng di động thuộc tổ hợp tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh A-235 của Nga. Nguồn: people.com.cn.

Trong những năm gần đây, hệ thống A135 đã tham gia vào nhiều cuộc tập trận cấp chiến dịch và chiến lược như diễn tập tấn công hạt nhân toàn quân, diễn tập trao đổi thông tin tình báo và cảnh báo sớm, diễn tập mô phỏng thiệt hại và đánh giá hiệu quả... Trong các cuộc tập trận, nhiều vấn đề về A135 đã được giải quyết, như nâng cấp kỹ thuật cho tên lửa đánh chặn 53T6, sử dụng hệ thống S-400 để bổ sung các “điểm mù” trong tác chiến. Đồng thời, các quỹ đặc biệt đã được đầu tư để xây dựng phiên bản 2.0 của hệ thống A135 là hệ thống A235.

Tích hợp vào hệ thống phòng thủ không gian đa cấp

Theo báo cáo, hệ thống A135 có thể đánh chặn hiệu quả các tên lửa đạn đạo tấn công vào khu vực từ Moscow đến St. Petersburg. Hệ thống A235 thế hệ mới được phát triển trên cơ sở này bao gồm 3 lớp đánh chặn. Ngoài lớp đánh chặn bằng tên lửa 51T6 và 53T6, còn có tên lửa đánh chặn mới 58R6 sử dụng đầu đạn thông thường với phạm vi đánh chặn rộng hơn. Ngoài ra, việc thay thế một hệ thống chỉ huy và điều khiển máy tính mới sẽ giúp nâng cao đáng kể mức độ hiện đại hóa của hệ thống này.

Mô hình hệ thống S-500 của Nga. Nguồn: people.com.cn.

Truyền thông Nga dẫn lời các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, dù là hệ thống A135 hay hệ thống A235 trong tương lai, đều không phải là hệ thống phòng thủ tiến hành “chiến đấu độc lập”, mà được tích hợp vào hệ thống phòng thủ không gian của Nga. Theo đó, hệ thống A135 sẽ phối hợp với hệ thống phòng không S-400/S-500, hệ thống phòng chống tên lửa đạn đạo – vệ tinh PRO-PSO Nudol A235 và hệ thống chống tên lửa tầm xa để tạo thành một hệ thống phòng thủ không gian nhiều tầng lớp. Trong đó, hệ thống A135 chịu trách nhiệm chính trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo bay xuyên qua bầu khí quyển.

Với sự đổ vỡ liên tiếp của một số thỏa thuận chiến lược giữa Mỹ và Nga, nhất là thông báo gần đây của Mỹ về “khả năng tấn công hạt nhân chiến thuật”, Nga đã đưa ra hệ thống A135 và các phiên bản nâng cấp mới, coi đây như một biện pháp đáp trả. Hành động của Nga cũng thể hiện rằng, “gia tộc” chống tên lửa chiến lược của Nga với đại diện là hệ thống A135 sẽ trở thành “lá chắn” an ninh của Moscow để chống lại các hành động khiêu khích chiến lược của Mỹ.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/kham-pha-chuong-trinh-phat-trien-may-nghien-ten-lua-dan-dao-cua-nga-post335818.info