Khám phá chùa Địa Ngục (Tam Đảo) âm u bậc nhất miền Bắc

Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Tự) ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) những năm gần đây đặc biệt thu hút các bạn trẻ bởi vẻ âm u, tĩnh mịch đến 'dựng tóc gáy'. Tuy nhiên, nguồn gốc và chứng tích của ngôi chùa được đặt tên là Chùa Địa ngục vẫn chưa rõ ràng, còn gây nhiều tranh cãi.

Chùa Địa ngục nằm ở đâu?

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 40km, chùa Địa Ngục (Địa ngục tự) theo cách cách gọi của người dân địa phương, nằm sâu trong rừng quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ngôi chùa ẩn hiện trong rừng trúc âm u, sương sớm bảng lảng từ sáng sớm đến chiều tối trở thành địa điểm du lịch bụi được nhiều người lựa chọn.

Đường dẫn vào chùa Địa Ngục âm u khiến không ít người rợn tóc gáy. (Ảnh: Hachi8)

Đường dẫn vào chùa Địa Ngục âm u khiến không ít người rợn tóc gáy. (Ảnh: Hachi8)

Ngay cái tên “chùa Địa Ngục” đã mang đến cho mọi người cảm giác một nơi đầy sự bí ẩn, chút liêu trai và chút hoang mang. Đúng như tên gọi khiến người nghe phải “dựng tóc gáy”, con đường dẫn vào Địa Ngục Tự rậm rạp cây cối, đặc biệt là những cây cổ thụ to.

Clip Buổi sáng ở Rừng ma và chùa Địa ngục - Tam Đảo.

Nguồn: Challenge Me - Hãy Thách Thức Tôi

Chùa Địa ngục được phát hiện khi nào, hiện nay ra sao?

Để đặt chân đến ngôi chùa này, các bạn sẽ phải băng qua khu rừng với tên gọi ma quái - Rừng ma áo dứa. Con đường vào rừng là một lối mòn hun hút, xanh cây, không khí thì lãng đãng sương, gió thổi lạnh qua từng kẽ tóc.

(Ảnh: Hachi8)

Dù đang là mùa hè với ánh nắng chói chang gay gắt, thế nhưng khi bước vào khu rừng này bạn sẽ khó hứng trọn được một tia nắng ấm áp bởi rừng trúc đan xen nhau dày đặc. Ngoài ra, đường vào rừng bạn thấp thoáng sẽ thấy vài lá bùa dán trên những thân trúc dọc trên đường đi. Đây chính là con đường dẫn đến chùa Địa Ngục.

Băng qua rừng trúc bạn sẽ đến với rừng của những gốc cây cổ thụ lâu năm. Qua hết những con đường xanh mê mải của trúc, lại đến những lối đi đầy những thân cây cao lớn, gốc đã già và lâu năm. Bước chân lạo xạo trên lá khô, tiếng chim hót vang khắp bốn bề, tiếng ve rừng râm ran đan xen, tiếng suối chảy róc rách.

Chùa Địa Ngục đổ nát đã được phục dựng tạm sơ sài.

Phía cuối con đường này chính là ngôi chùa với tên gọi “Địa Ngục Tự”.

Được gọi là chùa, thế nhưng thực tế đây chỉ là một gian lán cũ xập xệ được ghép lại bằng những tấm ván cũ và phủ lên trên bởi những tấm bạt lớn. Nếu không thấy tiếng tụng kinh thì không ai nghĩ đây chính là chùa Địa Ngục.

Những ngôi mộ bí ẩn ở Rừng ma áo dứa.

Theo phatgiao.org.vn, người dân làm công quả ở chùa cho biết, chùa Địa Ngục được sư thầy trụ trì Thích Thanh Toàn tìm ra từ năm 2008. Tuy nhiên, chứng tích hay thông tin chính thức về một ngôi chùa có tên là Chùa Địa ngục thì đến nay vẫn chưa ai được biết rõ. Từ đó đến nay, sư thầy chỉ một tháng hai lần vào thỉnh kinh còn trông chùa lo nhang khói chính vẫn là những người làm công quả.

Người dân này cũng cho biết, chuông chùa Địa Ngục chỉ vang lên 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng sớm và chiều. Chuông chùa có trọng lượng 2,2 tấn, một trong những chiếc chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đông Phong

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/kham-pha-chua-dia-nguc-tam-dao-am-u-bac-nhat-mien-bac-88341.html