Khám phá bóng bay 'khủng' phủ sóng internet đến châu Phi

Hãng công nghệ Mỹ Alphabet cho rằng hệ thống nhiều bong bóng cỡ lớn có thể đưa kết nối internet đến với hàng trăm triệu người.

Bong bóng của hãng Loon - Ảnh: Loon

Theo Bloomberg, cung cấp internet nhanh chóng, rộng khắp ở châu Phi đã và đang là bài toán đau đầu với nhiều doanh nghiệp. Họ thử khá nhiều, từ chiến lược máy bay không người lái cho đến vệ tinh, nhưng phần lớn thất bại. Giờ đây, công ty chị em với Google có câu trả lời mới từ bong bóng.

[VIDEO] Dùng bong bóng bay để phủ sóng 4G, tại sao không?

Loon, hãng tách ra từ phòng thí nghiệm đổi mới X của Google hồi tháng 7, đang hợp tác với Telkom Kenya để xây dựng mạng lưới bong bóng bay có thể giúp người dân ở quốc gia châu Phi kết nối internet từ năm sau. Quả ngọt mà Alphabet, công ty mẹ của Google, gặt hái sẽ là cơ hội thu lợi nhuận từ quảng cáo và nhiều hoạt động kinh doanh khác gắn liền với web ở vùng cận Sahara châu Phi, nơi hàng trăm triệu người vẫn chưa được kết nối mạng.

Loon đặt một quả bóng bên trong một quả bong bóng - Ảnh: Loon

Dự án ở Kenya của Loon được thực hiện trên mô hình công nghệ dùng để kết nối tạm thời người dân ở Puerto Rico sau khi cơn bão Maria năm ngoái tràn vào, khiến cả vùng mất điện và dịch vụ điện thoại. Tại Kenya, Loon khởi động với khoảng một chục quả bóng, đủ để phủ sóng 10% đất nước, sau đó tái đánh giá số lượng bong bóng cần thiết. Hãng đã bắt đầu làm việc với nhà điều hành để lắp đặt các trạm trên mặt đất ở Nairobi và thành phố Nakuru ở phía tây. Đây là hai nơi phát tín hiệu tới bóng bay.

Các quả bóng có hình bí ngô, nằm ở độ cao khoảng 20 km trong tầng bình lưu, phía trên máy bay, chim chóc và bão. CEO Loon Alastair Westgarth cho biết mỗi quả mang theo vài chục kg router, pin, ăng-ten, rơ-le và các thiết bị điện tử khác. Nó có thể phục vụ internet cho 5.000 km vuông diện tích đất, gấp 30 lần diện tích phục vụ internet của một tháp viễn thông bình thường.

Trạm trên mặt đất để thông tin liên lạc với bóng bay - Ảnh: Loon

Tín hiệu được chuyển lên bóng bay để có thể tiếp tục được đưa qua thiết bị bên dưới hay truyền sang bong bóng khác. Các quả bóng có nhiều tấm pin mặt trời để sạc pin, có thể bay vài tháng trước khi phải được đưa xuống để xem xét dịch vụ. Loon từ chối tiết lộ chi phí, nhưng cho biết công nghệ này rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng đường dây điện và tháp để đến từng khu dân cư thưa thớt trên nhiều địa hình khó tiếp cận.

Thiết kế của Loon đặt một quả bóng trong một quả bóng. Túi bên ngoài được thổi lên bằng khí heli để nhẹ, bay được, trong khi phần bên trong thì được làm đầy với không khí, vốn nặng hơn song có thể được thêm vào hay rút ra để điều chỉnh độ cao. Loon có thể chỉnh vị trí của bóng bằng cách tăng hoặc giảm độ cao của nó để bắt hướng gió mà trôi theo nhiều hướng khác nhau, tại nhiều tầng khác nhau của tầng bình lưu.

Một bong bóng được phóng lên trời - Ảnh: Loon

Westgarth cho biết dự án này vấp phải không ít thách thức trong những năm đầu vì công ty khởi đầu sai với hàng trăm ý tưởng khác nhau. “Những quả bóng đầu tiên có thể bay trong một ngày, sau đó một tuần, rồi chúng tôi phải đợi mãi để cuối cùng giúp nó bay được hơn một tháng. Hiện bóng bay được hơn 100 ngày, và có một quả bóng có thời gian bay kỷ lục là 198 ngày”, ông Westgarth cho hay.

Loon muốn tạo mạng lưới toàn cầu của nhiều tháp di động bay trên trời. Đây là mảng mà hãng kỳ vọng có thể trở thành hoạt động kinh doanh nhiều tỉ USD. Ông Westgarth chia sẻ mình đang liên lạc với nhiều nước ở châu Phi, Mỹ Latin và châu Á để đạt thỏa thuận phủ sóng internet bằng bóng bay tương tự như ở Kenya. Dù vậy năm ngoái, Alphabet hủy kế hoạch bao phủ toàn cầu bằng bóng bay, thay vào đó tập trung vào số lượng nhỏ bóng bay ở những vùng đặc biệt để tăng tốc thương mại hóa.

Nơi phóng bóng bay - Ảnh: Loon

Loon đang cùng nhiều hãng khác thực hiện vô số dự án tham vọng để giúp dân châu Phi kết nối với internet. Hồi tháng 6, Facebook bỏ chương trình làm máy bay không người lái có kích thước ngang máy bay phản lực để đưa internet đến nhiều vùng trên toàn cầu. Thay vào đó, hãng sẽ làm việc với Airbus để thực hiện kết nối trên cao.

Nhiều nhà mạng cũng nỗ lực giải quyết vấn đề kết nối kém tại vùng nông thôn dù không phải hãng nào cũng thành công. Đơn cử, Vodacom Group xây dựng nhiều trạm gốc năng lượng mặt trời và tháp di động tại Cộng hóa dân chủ Congo, Mozambique và Lesotho.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/kham-pha-bong-bay-khung-phu-song-internet-den-chau-phi-1024130.html