'Chiếc lá đầu tiên' đã bay đi…

'Từ bây giờ, mãi mãi chẳng còn bao giờ được nghe tiếng anh nói nữa rồi. Chẳng còn được nhìn thấy cái dáng hao gầy hơi liêu xiêu của anh, chẳng còn những chuyến đi cùng nhau nữa...'.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 07 tháng 2 năm 1952, vừa qua đời vào hồi 16h30 phút ngày 19 tháng 4 năm 2021 tại Hà Nội sau một cơn tắc nghẽn phổi mãn tính. Suốt nhiều năm qua, anh là người bạn thân thiết với các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung, của Ban Văn học Nghệ thuật nói riêng, trong đó có những chương trình anh đóng vai trò là khách mời thường xuyên.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một thi sĩ chiếm được tình yêu mến của rất nhiều thế hệ độc giả thuộc đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Biết bao thế hệ học sinh, sinh viên đã mê mải chép vào sổ tay những bài thơ của anh như Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Xúc xắc mùa thu, Mây rất thơ ơ. Thơ tình của anh ngọt ngào, mê đắm và da diết với những câu thơ ở lại mãi trong trí nhớ người đọc: Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ/ Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ/ Em hay là cơn bão tự ngàn xa…

Bên cạnh những bài thơ tình sinh viên, mảng thơ trận mạc của anh cũng để lại nhiều bài đặc sắc, đồng hành cùng những bước đường của kháng chiến, của cách mạng: “Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé/Tiếng cuối cùng khẩu súng nắm trên tay (Phương ấy), Nhìn đá dựng đoán Thịnh đèo đã vượt/ Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn (Thư mùa thu), Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi/ Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu/ Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu/ Mà môi cười tha thiết Việt Nam ơi (Tôi không thể nào mang về cho em). Hoàng Nhuận Cầm còn có nhiều bài thơ, câu thơ khắc khoải về thân phận con người: Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sớm mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn.

Không chỉ là một nhà thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn là một người trình diễn lôi cuốn. Anh đi nói chuyện thơ và đọc thơ ở nhiều cơ quan, doanh trại bộ đội, trường học cho hàng trăm hàng ngàn người nghe. Hoàng Nhuận Cầm gần như thuộc lòng toàn bộ tất cả những bài thơ của mình và đương nhiên anh là người đọc thơ mình hay nhất, thấm nhất. Cách nói chuyện thông minh, ứng biến, luôn lấp lánh sự dí dỏm và hài hước của anh đã tạo ra một màu sắc riêng cho những chương trình phát thanh mà anh là khách mời, từ Kịch truyền thanh, Văn học tuổi mới lớn cho tới hai chương trình gần đây nhất là Khách đến chơi nhà và Đôi bạn văn chương. Trước đó, khán giả cả nước còn được chứng kiến Hoàng Nhuận Cầm như một diễn viên với diễn xuất đầy ấn tượng qua các vai nhà thơ trong phim Số đỏ và Bác sĩ hoa súng trong Gặp nhau cuối tuần. Anh còn được biết đến với tư cách một tác giả kịch bản phim với nhiều tác phẩm điện ảnh đạt các giải thưởng cao như Mùi cỏ cháy, Hà Nội mùa đông 1946...

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (trái) và tác giả tại phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (trái) và tác giả tại phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tôi gặp anh Cầm từ 2009 và được anh coi như một người bạn, người em thân thiết trong gia đình. Cuộc sống hàng ngày của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm giản dị đến mức đơn sơ. Anh sống chắt chiu và tiết kiệm. Suốt bao nhiêu năm, anh vẫn chỉ dùng chiếc điện thoại Nokia đen trắng, bữa cơm hàng ngày chủ yếu là trứng, đậu phụ, mì và cháo ăn liền. Đôi khi, anh ăn bánh đậu xanh thay cơm. Nhà tôi gần nhà anh nên tôi vẫn thường chạy qua chạy lại thăm anh, khi thì cùng nghe một chương trình phát thanh, khi thì bàn bạc về xây dựng kịch bản, rồi cùng nhau thực hiện những cuốn sách. Có những đêm muộn, chỉ là sang cùng uống với anh một tuần trà. Anh khắt khe với bản thân nhưng lại luôn chu đáo, ân cần với những người bạn, người em thương quý. Mỗi năm mới, không bao giờ anh quên gửi lì xì cho lũ trẻ nhà tôi. Anh để phần tôi từng gói bánh cho trẻ con, từng món quà quê mà anh được biếu…Anh luôn nhắc nhờ, góp ý, động viên tôi trong công việc của từng ngày, trong từng bài viết, trong cách ứng xử với mọi người…

Mỗi chương trình "Đôi bạn văn chương" tôi cùng anh làm đều là những kỷ niệm khó quên. Từ bây giờ, mãi mãi chẳng còn bao giờ được nghe tiếng anh nói nữa rồi. Chẳng còn được nhìn thấy cái dáng hao gầy hơi liêu xiêu của anh, chẳng còn những chuyến đi cùng nhau nữa. Sinh thời, anh đã từng viết rất nhiều câu thơ về cái chết: Một mai ngủ lá phủ đầy/ Niềm tâm tư vỡ tháng ngày thật xa/Một mai nằm xuống bao la/ Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng (Một mai).

Bây giờ, cái chết đã đón anh đi, một thế giới khác đón anh đi, nhưng thơ anh, con người anh vẫn sẽ còn mãi trong nỗi nhớ thương của những người ở lại, trong mỗi người bạn, người em của anh. Đúng như anh đã từng mong ước: Nếu tôi chết trời xanh bình lặng/ Thêm một vì sao nữa rụng rơi/ Bạn ngồi uống cà phê có nhớ/ Uống cả vì sao ấy hộ tôi (Thêm một vì sao)./.

Đỗ Anh Vũ/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/chiec-la-dau-tien-da-bay-di-851782.vov