Khám phá bí mật Tết cung đình

Để tái hiện những hình ảnh của Tết cung đình xưa với những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức triển lãm và công bố những tài liệu 'Cung đình đón Tết'.

Không gian triển lãm "Cung đình đón Tết".

Không gian triển lãm "Cung đình đón Tết".

Đón Tết hoàng cung ở Thủ đô

Tết Nguyên đán đang cận kề, trong không gian hoài cổ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người dân Thủ đô có cơ hội chạm tay vào quá khứ, hòa mình những nét đẹp văn hóa truyền thống qua hơn 80 tài liệu tiêu biểu về Tết cung đình, được lựa chọn trong khối Châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới. Tư liệu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I bảo quản. Triển lãm theo ba chủ đề: “Lễ nghi chuẩn bị đón Tết long trọng”, “Tất niên - tiễn năm cũ, đón năm mới”, “Đầu năm đón phúc, tiết Xuân ban lộc và đề cao chữ Hiếu”.
Tham quan triển lãm, công chúng được đón Tết hoàng cung với các nghi lễ long trọng. Từ mùng 1 tháng Chạp, bằng lễ ban lịch năm mới (lễ Ban sóc), sau đó là nghi lễ thỉnh các vị tiên đế về “ăn Tết” với triều đình (lễ Hợp hưởng), nghi thức biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính (lễ Phong ấn), lễ đón Xuân (lễ Nghênh Xuân, Tiến Xuân). Bên cạnh đó, ngày 30 Tết trong hoàng cung diễn ra với các nghi lễ thiêng liêng: Lễ Tuế trừ, Trừ tịch, lễ Thượng tiêu với ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới. Công chúng cũng được ghé thăm những nghi lễ cung đình của vua quan trong ba ngày Tết: Nhà vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng, lễ xong, vua ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng. Sau đó, nhà vua ban yến, thưởng Tết cho các hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.
Trong trường hợp có thiên tai, mất mùa, hay địch họa, triều đình có thể giảm bớt các nghi lễ cho tiết kiệm, hoặc cũng có năm nhà vua ra chiếu cho người dân được nghỉ Tết lâu hơn để tái tạo sức lao động, hoặc ban thưởng cho quân sĩ đang canh giữ biên cương, hải đảo. Ngày mùng 7, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, triều đình tổ chức lễ Hạ tiêu và lễ Khai ấn tượng trưng cho việc bắt đầu công việc của một năm mới. Trong dân gian hiện nay nhiều vùng vẫn còn giữ tục lệ hạ cây nêu vào đúng ngày mùng 7 Tết. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định: Đây là nguồn tài liệu, tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm tìm hiểu về Tết xưa trong hoàng cung triều Nguyễn.
Tiếp nối truyền thống
Lâu nay, nơi cung đình, vua quan đón Tết ra sao, giống khác thế nào với người dân thường vẫn là điều bí ẩn với đại bộ phận người dân. Thông qua triển lãm, công chúng biết được các nghi lễ đón Tết ở cung đình diễn ra long trọng, tưởng như khác xa với Tết cổ truyền trong dân gian nhưng thấp thoáng đâu đó, trong từng nghi thức trọng tâm đề cao chữ Hiếu. Thành viên ban tổ chức triển lãm Nguyễn Thu Hoài cho biết: “Tết cung đình mang nhiều điểm gần gũi, tưởng như chỉ còn trong hoài niệm nhưng lại là sợi dây kết nối văn hóa truyền thống của dân tộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Tết trong cung đình có nhiều với nghi thức Tết giống của người dân như cũng có cây nêu, bánh chưng, hoạt động đề cao chữ hiếu”.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Micheal Croft cho rằng, triển lãm là hoạt động rất có ý nghĩa, như một gợi nhắc cho chúng ta biết về phong tục thời xưa, đặc biệt là những lễ nghi ngày Tết trong cung đình, qua đó có thêm kiến thức, hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Ông nói: “Xã hội hiện đại đang biến đổi rất nhiều, nhiều phong tục tập quán đang dần bị quên lãng nên vì thế Tết là dịp để chúng ta cùng nhìn lại và sum họp gia đình”. Philippe Le Faller - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam chia sẻ: “Di sản được đưa ra trưng bày đặc biệt có giá trị, giúp công chúng có cái nhìn rõ hơn về lịch sử và văn hóa. Tôi cảm thấy thực sự ấn tượng với buổi triển lãm”.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kham-pha-bi-mat-tet-cung-dinh-409036.html