Khám phá ba bảo vật Chăm Pa vô giá ở Đà Nẵng

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi đang lưu giữ ba tác phẩm nghệ thuật quý giá của vương quốc Chăm Pa cổ, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam. Cùng điểm qua những nét chính của ba bảo vật Chăm Pa này.

Bảo vật quốc gia đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là tượng nữ thần Tara - tác phẩm được đánh giá là bức tượng đồng đẹp nhất của vương quốc Chăm Pa còn được lưu giữ.

Bức tượng được phát hiện vào năm 1978 tại Phật viện Đồng Dương, một khu phế tích lớn của vương quốc Champa, nay thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Bảo vật Chăm Pa này được đúc bằng đồng, cao 129,3cm, thể hiện hình ảnh người phụ nữ ngực trần, thân dưới được che bằng váy kiểu sa rông, toát lên một phong cách mỹ thuật rất phóng khoáng.

Nữ thần Tara là một vị Bồ tát trong quan niệm Phật giáo của người Chăm xưa. Bầu ngực tượng nữ thần được thể hiện tròn căng đầy sức sống phồn thực, ẩn chứa mong muốn về một cuộc sống no đủ, bình yên và hạnh phúc.

Bảo vật quốc gia thứ hai của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là đài thờ Mỹ Sơn E1. Được phát hiện ở thánh địa Mỹ Sơn, đài thờ này có niên đại từ thế kỷ 12 - 13.

Về kết cấu, đài thờ Mỹ Sơn E1 gồm 12 khối đá sa thạch ghép thành hình vuông, cao 65 cm, dài 353 cm, rộng 271 cm. Cả bốn mặt đài thờ được trang trí tinh xảo với các mô típ đặc trưng của văn hóa Chăm Pa.

Hình tượng con người trang trí trên đài thờ rất phong phú và sinh động, được các nhà nghiên cứu phỏng đoán là cảnh sinh hoạt tôn giáo và ẩn dật của các tu sĩ.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, đài thờ Mỹ Sơn E1 là hiện vật tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại Khu di tích Mỹ Sơn, là cứ liệu quan trọng giúp giải mã các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và vương quốc cổ Chăm Pa nói chung.

Bảo vật quốc gia thứ ba của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là đài thờ Trà Kiệu. Đài thờ này có niên đại từ thế kỷ 7-8. Các bộ phận của hiện vật được thu thập từ làng Trà Kiệu (Quảng Nam) vào các năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trong tình trạng rời rạc và được ghép lại sau này.

Đài thờ này được làm từ đá sa thạch, chiều cao 128 cm; dài 190 cm; rộng 190 cm, kết cấu có ba phần. Phần thứ nhất là bệ hình vuông. Phần thứ hai là hai thớt tròn đặt chồng lên nhau. Phần thứ ba là chiếc linga đặt xuyên qua hai thớt tròn của phần thứ hai.

Tinh hoa nghệ thuật của đài thờ Trà Kiệu tập trung phần bệ vuông phía dưới, với bốn cạnh có chạm khắc rất tinh xảo, thể hiện hình người trong tư thế đa dạng, thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại. Cho đến nay có nhiều giả thuyết về ý nghĩa của các mảng trang trí này.

Dù còn nhiều điều chưa được giải mã, các chuyên gia đều thừa nhận rằng đài thờ Trà Kiệu là hiện vật tiêu biểu cho sự tồn tại của một khu kinh thành và thờ tự của Chăm Pa có tên gọi là Simhapura cách đây 1.000 năm (ngày nay thường được gọi là thành cổ Trà Kiệu).

Quốc Lê

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/la-doc-cuoi/kham-pha-ba-bao-vat-cham-pa-vo-gia-o-da-nang-797938.html