Khám, điều trị mắt miễn phí cho người dân 4 xã hiến giác mạc nhiều nhất cả nước

Sáng 14-4, hơn 400 người dân là người đã đăng ký hoặc thân nhân của người đã đăng ký hiến giác mạc, người có hoàn cảnh khó khăn… tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) – địa phương có số người hiến giác mạc cao nhất cả nước, đã được khám, điều trị mắt miễn phí.

Bác sĩ BV Mắt Hà Nội 2 khám cho người dân xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn, Ninh Bình)

Nhân kỷ niệm một năm ngày thành lập bệnh viện (22-4-2017/22-4-2018), sáng nay, 14-4, 4 đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã có chuyến công tác khám và điều trị miễn phí cho bà con nhân dân ở 4 xã gồm: Cồn Thoi, Văn Hải, Kim Tân, Kim Mỹ, thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, hơn 400 bà con là người đã đăng ký hoặc thân nhân của người đã đăng ký hiến giác mạc, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, mắc các bệnh lý về mắt cư trú trên địa bàn 4 xã nói trên đã được các bác sĩ khám, tư vấn, phát thuốc điều trị miễn phí.

Đồng thời, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng cam kết tiếp nhận mổ miễn phí cho gần 100 trường hợp bị đục thể thủy tinh bằng phương pháp Pharco, mổ quặm mi (lộn mí mắt) và bệnh mộng mắt cho những người bệnh có chỉ định mổ tại 4 xã trên.

Đây là hoạt động thiện nguyện nhằm tôn vinh và tri ân với người dân tại 4 xã huyện Kim Sơn – địa phương có người đầu tiên hiến giác mạc tại Việt Nam (một cụ bà 83 tuổi ở xã Cồn Thoi) và hiện cũng là địa phương có số người hiến giác mạc sau khi qua đời cao nhất cả nước.

Tại 4 xã này, hiện có không ít gia đình cả nhà cùng đăng ký hiến giác mạc. Đặc biệt, tại xã Văn Hải đã có 1 trường hợp hoàn tất thủ tục hiến xác với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia… Còn tính trên toàn tỉnh Ninh Bình hiện cũng có tới hơn 20.000 người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời, chiếm gần 1/3 tổng số người đăng ký trên cả nước (khoảng 70.000 người).

Khám mắt cho thân nhân người hiến giác mạc tại xã Văn Hải (Kim Sơn, Ninh Bình)

Là một trong những người được khám, điều trị mắt miễn phí đợt này, ông Vũ Cao Phi (xóm Đông Thổ, xã Văn Hải) chia sẻ, 4 năm trước, mẹ và em gái ông đã hiến tặng giác mạc. “Học tập gương mẹ tôi, vợ chồng tôi cùng 3 anh em trong nhà cũng đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi mất, với hy vọng mang lại ánh sáng cho những người kém may mắn”.

Theo ước tính, ở nước ta hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa và có thị lực kém nhưng khoảng 1/3 số này là những người nghèo không đủ tiền chữa trị. Trong khi đó, 80% trường hợp mù lòa có thể phòng chữa được nếu chúng ta có được các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, các bệnh về mắt phổ biến nhất ở Việt Nam là đục thủy tinh thể, quặm mi, mộng mắt, glocom… Đáng chú ý, rất nhiều người dân có tâm lý chủ quan, tự ý điều trị bằng các bài thuốc theo truyền miệng hoặc tự mua thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

“Chẳng hạn, với bệnh quặm mắt nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến sẹo giác mạc, làm tăng nguy cơ bị viêm loét giác mạc, nguy hiểm hơn là giảm sút thị lực và mù lòa hoàn toàn. Bệnh mộng thịt không thể điều trị khỏi bằng thuốc. Trước đây nhiều người tự chữa bằng cách dùng búp tre, lông ngỗng hoặc thuốc bột của thầy lang “đánh” mộng. Bệnh không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm loét giác mạc, thậm chí thủng củng mạc…” – bác sĩ Nguyên dẫn chứng.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/kham-dieu-tri-mat-mien-phi-cho-nguoi-dan-4-xa-hien-giac-mac-nhieu-nhat-ca-nuoc/764242.antd