Khám bệnh từ lúc… nửa đêm: 'Chống ế' cho y tế cơ sở

Nếu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuyến y tế cơ sở sẽ giải quyết 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân, từ đó giảm được áp lực quá tải bệnh viện

GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhìn nhận tình trạng quá tải bệnh viện (BV) trong thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị bệnh.

Phải kéo người bệnh về tuyến dưới

Trước tình hình này, Sở Y tế TP HCM triển khai đề án giảm tải BV, trong đó chú trọng nhân rộng mô hình BV vệ tinh, nâng cao tuyến y tế cơ sở.

Quá tải bệnh nhân tạo áp lực nặng nề cho Bệnh viện Ung Bướu TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Quá tải bệnh nhân tạo áp lực nặng nề cho Bệnh viện Ung Bướu TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Hiện TP HCM có 319 trạm y tế nhưng tổng số lượt khám chữa bệnh (KCB) tại tuyến y tế này chỉ chiếm từ 3%-4% so với tổng lượt khám của toàn TP. PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, đánh giá có những trạm y tế không có bệnh nhân nào đến KCB. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa có niềm tin vào tuyến y tế này.

Theo BS Thượng, giải pháp "chống ế" cho y tế cơ sở là phải nâng cao chất lượng KCB. Bên cạnh đó, cần những ràng buộc nhất định trong quy định KCB để kéo người bệnh về tuyến này. Cụ thể, Bộ Y tế nên có các quy định loại bệnh nào buộc phải khám ở trạm y tế; loại bệnh nào được khám BV tuyến quận, huyện; tuyến tỉnh, tuyến trung ương…

Mới đây, ngành y tế đã có những giải pháp thay đổi diện mạo, chất lượng của các trạm y tế nhằm thu hút sự chú ý của người dân. Cụ thể, Bộ Y tế đã đề ra chủ trương phát triển các trạm y tế kiểu mẫu trên toàn quốc theo nguyên lý y học gia đình. Đã có 26 trạm y tế kiểu mẫu được lựa chọn để làm thí điểm. Về chức năng, các trạm y tế khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình phải tổ chức triển khai hiệu quả 3 nhóm hoạt động chính, gồm: dự phòng, KCB, quản lý sức khỏe người dân.

Lãnh đạo các BV cho rằng nếu làm tốt, y tế cơ sở sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân. Hiện tại, chỉ có khoảng 18% bệnh nhân trên cả nước chọn tuyến y tế cơ sở.

Ngoài xốc lại tuyến y tế xã, có thể thấy TP HCM đang rất quyết tâm trong việc cải tổ hệ thống y tế, đặc biệt là việc sáp nhập một số BV và trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện. Theo đó, lĩnh vực KCB và phục hồi chức năng của TP gồm có 2 tuyến TP và tuyến quận/huyện. Tuyến TP có 32 BV (gồm 10 BV đa khoa, 22 BV chuyên khoa) và Trung tâm Cấp cứu 115.

Tuyến quận/huyện sẽ sáp nhập 14 BV quận, huyện (hạng III) vào TTYT quận, huyện (trừ BV quận, huyện hạng II trở lên) trước ngày 1-1-2021. Cụ thể: 14 địa phương sẽ sáp nhập BV vào TTYT là quận 1, 3, 5, 7, 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi. Lộ trình sáp nhập: Từ năm 2018 đến quý I/2019, sáp nhập 14 BV quận, huyện vào 14 TTYT quận, huyện nêu trên; từ quý II/2019 đến trước quý IV/2020, tổ chức bàn giao nguyên trạng 23 TTYT quận, huyện và 9 BV hạng II (gồm quận 2, 4, 6, 8, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh) về Sở Y tế TP.

Năm 2020 sẽ hết quá tải?

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB - Bộ Y tế, cả nước hiện có 1.451 BV công lập, trong đó có 39 BV tuyến trung ương, 492 BV tuyến tỉnh, 645 BV tuyến huyện và 72 BV ngành, cùng hơn 11.000 trạm y tế. Khu vực tư nhân đang phát triển mạnh với 219 BV và 31.594 phòng khám.

Quá tải BV tuyến trên tại TP HCM cũng là thực trạng chung của cả nước mà trong 2 nhiệm kỳ làm "tư lệnh" ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết phải giải quyết cho bằng được. Thực tế so với 5 năm về trước, với sự nỗ lực thay đổi của ngành y tế, quá tải BV đã được cải thiện nhiều nhờ quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước còn 4-8 bước, giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh. Ở khu vực nội trú, tình trạng quá tải khu vực điều trị từng bước được khống chế; tình trạng nằm ghép tại các BV cũng đã giảm mạnh. Nếu như năm 2012, tỉ lệ bệnh nhân phải nằm ghép ở BV tuyến trung ương là 58%, tuyến tỉnh là 47% thì đến năm 2016, tỉ lệ tương ứng giảm còn 16,7% và 11,4%. "Với việc phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới BV vệ tinh, bao gồm 17 BV hạt nhân và 75 BV vệ tinh là các BV tuyến tỉnh, tình trạng chuyển tuyến, vượt tuyến đã giảm. Mục tiêu của ngành y tế là đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải BV" - PGS Lương Ngọc Khuê bày tỏ lạc quan.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để giảm quá tải như mục tiêu đề ra, ngành y tế tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, như phát triển mạng lưới BV vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; cải cách thủ tục trong KCB; cải tiến quy trình chuyên môn; đa dạng hóa các loại hình KCB…

"Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình thông tuyến; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở KCB gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới" - BS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Dù vậy, giữa lý thuyết và thực tiễn vẫn còn một khoảng cách quá xa. Và một khi những vụ tai biến, chẩn đoán nhầm bệnh cứ liên tục diễn ra, sẽ rất khó để kéo chân người bệnh trở về tuyến tỉnh, chứ chưa nói đến tuyến huyện, xã.

Tạo niềm tin cho nhân dân

Theo Cục Quản lý KCB, một trong những nỗ lực giảm tải BV là hạn chế nằm ghép. Đến thời điểm này, gần 100% BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh, TP tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện. Hiện chỉ còn 2 BV trung ương là BV Chợ Rẫy và BV Bạch Mai chưa ký cam kết này vì vẫn còn một số khoa phòng quá tải chưa thể thực hiện được. Trong thời gian tới, một số cơ sở của 2 BV này được xây dựng và hoàn thiện thì việc nằm ghép sẽ được giải quyết.

"Giải pháp lâu dài vẫn là nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, tạo niềm tin cho nhân dân. Khi đó, việc KCB vượt tuyến không cần thiết giảm đi, tình trạng quá tải BV sẽ được giải quyết triệt để" - PGS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

NGUYỄN THẠNH - NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kham-benh-tu-luc-nua-dem-chong-e-cho-y-te-co-so-20180908202631277.htm