Khám bệnh trong thời đại 4.0

VHĐS - Đang say giấc tôi chợt tỉnh dậy bởi nghe tiếng húng hắng ho xen lẫn tiếng lạch cạch dưới nhà. Chợt nhớ, hôm nay đến ngày định kỳ bố chồng phải đến Bệnh viện thành phố để khám bệnh đái tháo đường (tiểu đường).

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành y tế gần như là điều bắt buộc để tiến tới xây dựng nền y tế thông minh. Ảnh minh họa.

Nhà cách bệnh viện chưa đầy 2 cây số, vậy mà cứ đều đặn tháng nào cụ cũng lạch cạch, lo dậy vội đánh răng rửa mặt. Trời chưa sáng, cụ đã mở cửa đánh xoạch, kẹp cuốn sổ khám bệnh vào móc xe máy và lên đường. Vậy mà có hôm vừa đi làm về tôi đã nghe giọng cụ, đấy hôm nay bố đã đi sớm hơn tháng trước mà vẫn có 20 người đã chồng sổ trước. Tháng sau phải đi sớm hơn chút.

Mùa đông cũng như mùa hè, định kì là vậy, bố tôi bảo nhiều cụ cao tuổi khác trên địa bàn thành phố cũng dậy từ rất sớm rồi đến bệnh viện ngồi vật vờ chỉ cốt chờ đồng hồ điểm đúng 6h sáng. 6h cô nhân viên phòng khám sẽ cầm tập sổ khám bệnh đã xếp sẵn, nhanh tay lật úp chồng sổ theo thứ tự từ dưới lên trên và bấm số. Nhiều hôm thương cụ, tôi khuyên 6h ông mới đến bệnh viện, nhưng bố tôi nói, lúc ấy mới đến thì sẽ phải nộp sổ rồi chờ lấy số thứ tự khám sẽ rất mất thời gian. Những người mắc bệnh tiểu đường thì không thể khám sang buổi chiều vì còn liên quan đến nhịn ăn sáng để lấy máu xét nghiệm, mà đi từ sớm thì đến sáng mai sau khi chờ đến lượt khám thì có nguy cơ hạ đường huyết.

Theo bố tôi chia sẻ, mỗi tháng định kỳ, bệnh viện thành phố có khoảng 300 – 400 bệnh nhân đến khám bệnh tiểu đường, chưa kể ngày bình thường có hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh khác.

Cụ cứ thao thao chuyện đi khám bệnh rồi cụ bảo, hôm trước bố có đọc được thông tin ở một số bệnh viện các tỉnh, thành phố đã áp dụng thẻ khám thông minh đối với người bệnh khám tiểu đường. Như thế các cụ sẽ không phải đến sớm để xếp hàng, lấy số thứ tự khám bệnh mà chỉ cần xếp hàng xuất trình thẻ, nhân viên y tế quẹt thẻ, chọn phòng khám và in phiếu tiếp đón cho bệnh nhân. Đấy, như vậy có phải giải quyết rất nhiều thủ tục hành chính cho bản thân người bệnh cũng như nhân viên y tế. Hay như các bệnh viện lớn tuyến trung ương đã thực hiện đăng ký khám bệnh qua mạng, sao bệnh viện tuyến cơ sở lại chưa áp dụng hình thức đăng ký khám đấy nhỉ, hay các bác ở trên sợ người già như bố không biết dùng điện thoại thông minh?. Cụ vừa nói, vừa lấy tay quẹt quẹt chiếc điện thoại thông minh để minh chứng, người già vẫn còn minh mẫn chán.

Ngày 18-10-2019, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng kỹ thuật số đang dần làm thay đổi cuộc sống và trong chính dịch vụ khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Trong một cuộc khảo sát mới đây của Bộ Y tế, yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh. Khảo sát 626/721 bệnh viện trên cả nước cho thấy, thời gian khám trung bình của cả 3 tuyến theo từng loại hình khám bệnh đã giảm 48,5 phút/1người bệnh/1 lượt khám. Tiết kiệm được 27,2 triệu ngày công lao động/năm, 110 triệu ngày công lao động trong vòng 5 năm.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành y tế gần như là điều bắt buộc để tiến tới xây dựng nền y tế thông minh. Những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu so sánh với bức tranh chung về ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng như trong ngành y tế toàn quốc, y tế Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều điều phải cải thiện. Và để bắt nhịp với xu thế phát triển như vũ bảo của cuộc cách mạng 4.0, các cơ sở y tế tiếp tục không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/kham-benh-trong-thoi-dai-4-0/19187.htm