Khaisilk vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Liên quan tới câu chuyện nhập nhèm thương hiệu của Khaisilk, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Khaisilk không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn vi phạm pháp luật.

Sau khi sản phẩm khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk bị người tiêu dùng bóc mẽ về việc làm ăn gian dối, ngay lập tức, đại diện Tập đoàn này đã lên tiếng thừa nhận 50% sản phẩm khăn lụa của Khaisilk được nhập về từ Trung Quốc. Trước thông tin trên, nhiều người đặt câu hỏi, vậy kể từ khi ra đời đến nay Khaisilk đã “phù phép” bao nhiêu khăn lụa của Trung Quốc thành hàng Việt? vụ việc này xử lý như thế nào?.

Khăn lụa Khaisilk có cố tình thay đổi nguồn, lừa dối người tiêu dùng? (ảnh Dantri)

Khăn lụa Khaisilk có cố tình thay đổi nguồn, lừa dối người tiêu dùng? (ảnh Dantri)

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Khaisilk không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu, mà còn vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Khaisilk đã vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa, bởi xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc làm của Khaisilk đã xâm phạm đến quyền được cung cấp thông tin chính xác của người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Chưa nói đến chất lượng sản phẩm, việc vi phạm về nguồn gốc xuất xứ đã đánh luôn vào quyền được lựa chọn của người tiêu dùng, khi họ muốn mua hàng Việt Nam thì lại mua phải hàng Trung Quốc.

"Hội chúng tôi đã và đang vận động người tiêu dùng hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nay hàng Việt Nam cứ thật giả lẫn lộn thế này thì rất khó thuyết phục người tiêu dùng trong việc ưu tiên dùng hàng Việt", ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, việc cung cấp thông tin không chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là việc làm lừa dối người tiêu dùng, qua đó doanh nghiệp đã cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa là hành vi bị cấm.

Đề cập đến vấn đề trên, luật sư Đỗ Phương Thúy (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) cũng cho rằng, nếu thông tin là đúng và các cơ quan chức năng đưa ra kết luận là hàng giả, hàng bị thay đổi nguồn gốc xuất xứ và được Khaisilk bán ra thị trường thì có thể sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán hàng giả.

Cụ thể, theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ đề cập đến một số đặc điểm nhận dạng là hàng giả trong đó có nêu rõ, hàng giả là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Như vậy, nếu Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc về rồi cắt mác “made in China” đi sau đó gắn mác Khaisilk – made in Việt Nam thì sản phẩm này sẽ bị coi hàng giả, bởi nó đã bị giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất.

Theo luật sư Đỗ Phương Thúy, nếu được xác định vi phạm vấn đề trên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng tới 30 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa. Thậm chí, nếu là vấn đề gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 6 tháng – 15 năm tù…

Sau khi sự việc “đáng tiếc” xảy ra với khăn lụa Khaisilk, mặc dù ngay sau đó Chủ tịch Tập đoàn này đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng, tuy nhiên thông tin Khaisilk nhập đến 50% khăn lụa từ Trung Quốc và được bán từ những năm 90 khiến người tiêu dùng không khỏi bất bình. Nhiều người cho rằng, việc xin lỗi là cần thiết, tuy nhiên, với những trường hợp khách hàng đã mua phải sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc từ Khaisilk từ trước đến nay sản phẩm đã hư hỏng, hoặc đã mất có được bồi thường không?.

Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng cho rằng, việc làm của Khaisilk không chỉ làm mất lòng tin của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự hào dân tộc, khi Khaisilk đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong ngành tơ lụa Việt Nam.

Cho đến thời điểm hiện tại, không chỉ cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc, mà Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét và báo cáo vấn đề này. Việc Khaisilk bị xử lý như thế nào, hiện vẫn còn chờ vào kết quả kiểm tra cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khaisilk-vi-pham-nghiem-trong-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-63037.html