Khaisilk sẽ bị xử lý như thế nào khi bán khăn lụa không có thành phần lụa?

Luật sư cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận đúng về vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức thì công ty này chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Bộ Công thương vừa công bố kết quả kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk, cho thấy không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.

Với kết quả này, Bộ Công Thương cho biết đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ này đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền. Ngoài ra, bộ này còn phát hiện một số sai phạm khác của Công ty TNHH Khải Đức.

Bộ Công thương kết luận, khăn lụa Khaisilk không có thành phần lụa. Ảnh IT.

Liên quan đến sự việc này , dưới góc độ pháp lý, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP.Hà Nội). Luật sư Hòe cho biết, trong sự việc này phải chờ kết luận của của cơ quan điều tra.

Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận đúng về vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức thì công ty sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định đúng vi phạm thì Công ty Khải Đức thì có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

Ngoài ra, công ty Khải Đức còn có thể bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 tháng đến 3 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 vẫn chưa có chế tài xử lý đối với pháp nhân, mà vụ việc xảy ra khi Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa có hiệu lực.

Chính vì vậy để xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả của Công ty Khải Đức thì cơ quan cảnh sát điều tra cần phải xác minh làm rõ hành vi vi phạm của từng cá nhân để có thể xử lý theo quy định của pháp luật.

Đình Việt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/khaisilk-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-khi-ban-khan-lua-khong-co-thanh-phan-lua-831218.html