Khai tử ngôi chợ nổi tiếng nhất nước Lào

Sau nửa năm tiến hành các thủ tục kí kết nhượng quyền giữa chính quyền thành phố Vientiane với đại diện Công ty Huaxing Patthana của Trung Quốc, hôm nay (25/2), ngôi chợ lớn và nổi tiếng nhất nước Lào có tuổi đời hàng trăm năm, nằm giữa thủ đô Vientiane chính thức bị khai tử.

Khu đình chợ trước khi bị phá

Ngôi chợ có tên (phiên âm) Talat Sao, nghĩa là “chợ Sáng”. Nơi đây được du khách biết đến là trung tâm thương mại lâu đời, sầm uất và nổi tiếng nhất nước Lào bởi nó còn là di sản văn hóa, lịch sử, là niềm tự hào của các thế hệ người Lào trên lĩnh vực thương mại, kinh tế, văn hóa, du lịch và lịch sử.

Đến thủ đô Vientiane, du khách thường ghé thăm chợ, chiêm ngưỡng nét văn hóa bản sắc Lào và mua sắm. Nơi đây cũng là chốn mưu sinh của hàng vạn tiểu thương người Lào và hàng ngàn tiểu thương Việt kiều đã gắn bó nhiều thế hệ.

Ngay sau khi dự án được kí kết, chỉ trong một thời gian ngắn, nhà thầu Trung Quốc đã tích cực giải phóng mặt bằng để xây dựng lại theo một hình hài kiến trúc khác, trong khi người dân Lào muốn nhà nước giữ lại công trình như là một di sản văn hóa và lịch sử.

Trung tâm thương mại Talat Sao Mall được xây dựng lại từ chợ Sáng trên diện tích 26.828 m2, có mức đầu tư 79 triệu USD, tương đương 710,4 tỷ kíp Lào.

Trong thời gian này, hàng vạn tiểu thương tỏ ra nuối tiếc, bế tắc, bối rối không biết phải làm gì để tìm kế mưu sinh khác khi phải rời chợ cho kịp tiến độ.

Trước đó, để giải phóng mặt bằng xây dựng lại chợ Thongkhankham tại quận Chanthabouri thành trung tâm thương mại hiện đại, doanh nghiệp Trung Quốc đã vận động hàng ngàn hộ kinh doanh ra khỏi chợ nhưng bất thành bởi giá đền bù không thỏa đáng.

Sau đó, chợ này đã xảy ra một vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm nhiều bà con tiểu thương trắng tay.

Chỉ sau một năm, khu chợ cháy rụi đã mọc lên một trung tâm thương mại khang trang bề thế mà những tiểu thương cũ không thể vào kinh doanh bởi mặt bằng thuê quá cao...

Một số hình ảnh hoạt động của chợ Sáng trước khi bị khai tử:

Gia đình anh Bounminh là Việt kiều kinh doanh vàng tại chợ 20 năm vẫn phải nghỉ bán

Đa số người kinh doanh tại chợ là các tiểu thương nghèo

Các gian hàng thực phẩm

Khu hàng thủy sản sau chợ chính

Chỉ trong thời gian ngắn, các tiểu thương đã phải dọn hàng khỏi đình chợ

Đình chợ 3 tầng đã bị phá bỏ

Lang Quốc Khánh

Nguồn: Lao National Radio/Khaosan Pathet Lao KPL

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/quoc-te/khai-tu-ngoi-cho-noi-tieng-nhat-nuoc-lao/207494.htm